leftcenterrightdel
 Vin Win (phải) và 1 người cũng mang thai hộ bị bắt, giờ đây họ phải nuôi 2 đứa trẻ nếu không phải đi tù - Ảnh: New York Times

Trong ngôi nhà nhỏ nghèo nàn, chị Hun Daneth đang chăm sóc 1 bé trai gần 4 tuổi. Đứa bé này do cô sinh ra nhưng nó không giống cô và chồng. Hun Daneth là 1 trong những phụ nữ nghèo mang thai hộ và đang bị tòa án Campuchia buộc phải nuôi đứa trẻ này nếu không phải ngồi tù vì vi phạm pháp luật. 

4 năm trước, cô đã chấp nhận mang thai hộ cho 1 doanh nhân Trung Quốc, người đã sử dụng trứng của 1 người Nga hiến tặng. Tuy nhiên, doanh nhân này đang phải ở tù vì vi phạm luật mang thai hộ ở Campuchia. Dù đối mặt với cú sốc, Hun Daneth vẫn chăm chỉ chăm sóc đứa trẻ. Năm tháng trôi qua, giờ cô đã xem đứa trẻ này như con mình. “Tôi yêu đứa trẻ rất nhiều” - Hun Daneth cho biết. Số phận gắn kết 1 phụ nữ Campuchia, 1 người đàn ông Trung Quốc và 1 cậu bé một cách trớ trêu phản ánh những tình huống khó xử về đạo đức phức tạp do ngành công nghiệp đẻ thuê toàn cầu đặt ra. 

 Gần 1 thập niên trước, Campuchia trở thành điểm đến phổ biến cho những người muốn thuê mang thai hộ. Người nước ngoài đổ xô đến các phòng khám sinh sản mới mở ở Thủ đô Phnom Penh. Khi ngành công nghiệp này phát triển mạnh mẽ, Chính phủ đã ban hành lệnh cấm mang thai hộ. Mặc dù Campuchia cho đến nay vẫn chưa ban hành luật cấm việc mang thai hộ nhưng Chính phủ đã hình sự hóa hành vi này bằng cách sử dụng các luật hiện hành chống lại nạn buôn người, 1 hành vi phạm tội có thể bị kết án 20 năm. 

Dù vậy, các “chợ đen” tại Campuchia vẫn hoạt động, gây nguy hiểm cho những người liên quan. Năm 2018, Hun Daneth là 1 trong số khoảng 30 người mang thai hộ đang mang thai, bị cảnh sát bắt giữ trong cuộc đột kích vào 1 khu nhà ở cao cấp ở Phnom Penh. Bà Chou Bun Eng - Phó chủ tịch Ủy ban Quốc gia phòng chống buôn bán người Campuchia - cho biết: “Đẻ thuê nghĩa là phụ nữ sẵn sàng bán trẻ sơ sinh và điều đó được coi là buôn người. Chúng tôi không muốn Campuchia được biết đến như một nơi sản xuất trẻ sơ sinh để mua bán”.

Gần như tất cả những người bị bắt trong cuộc đột kích năm 2018 đều sinh con khi bị quản lý nghiêm ngặt trong bệnh viện quân đội. Họ bị kết tội buôn bán trẻ sơ sinh. Bản án của họ đi kèm 1 điều kiện: để đổi lấy án tù treo, người đẻ thuê sẽ phải tự mình nuôi dạy đứa trẻ; nếu bí mật giao con cho người thuê thì sẽ bị tống vào tù trong nhiều năm. Những phụ nữ mà vì sự bấp bênh về tài chính đã khiến họ phải mang thai hộ hiện đang phải vật lộn để nuôi thêm 1 miệng ăn. “Mọi người thắc mắc, tại sao đứa trẻ lại có mái tóc nâu? Nó đến từ đâu vậy?” - cô Vin Win - 22 tuổi, 1 người đẻ thuê khác đã bị bắt cùng với cô Hun Daneth - cho biết. 

Từ phía sau song sắt của một tòa án ở Phnom Penh, Xu Wenjun - cha của cậu bé mà Hun Daneth đã sinh ra, đã ở trong tù được 3 năm - buồn bã nói: “Con trai tôi chắc giờ đã lớn rồi. Không biết đứa trẻ nhớ đến tôi không?”. 

Theo phụ nữ TPHCM