leftcenterrightdel
 

Trong lễ cưới diễn ra vào ngày 21/5, Liqiu bỏ qua phong tục thường có là cô dâu giấu giày để chú rể tìm và để người chồng cõng từ trên nhà xuống cầu thang mà không để chân người vợ chạm xuống mặt đất.

Theo quan niệm tại Trung Quốc, nghi lễ này sẽ ban phước lành để cho cặp vợ chồng mới cưới sớm có con.

Thay vào đó, Liqiu, cao 1,53 m, đi giày bệt thay vì giày cao gót và tự đi xuống nhà. Trên lễ đường, cô và chồng cùng bước với nhau lên sân khấu, thay vì để cha dẫn đi và trao tay cho chú rể.

leftcenterrightdel
 Thay vì được cha dẫn lên sân khấu, tượng trưng cho việc "gả đi", cô dâu tự bước lên sân khấu cùng chồng sắp cưới. Ảnh:Toutiao. 

Mặt khác, cô dâu vẫn giữ nghi lễ chú rể đón cô dâu từ nhà bố mẹ đẻ và đưa đến địa điểm tổ chức đám cưới. Điểm khác biệt là Liqiu yêu cầu cô là người lái xe đưa chồng mới về nhà sau buổi lễ.

Người phụ nữ cũng từ chối nhận khoản sính lễ từ nhà chồng. Thông thường, số tiền chi cho phần này là một phần không thể thiếu trong chuyện cưới xin ở Trung Quốc và thường tốn 200.000 nhân dân tệ (28.000 USD) ở tỉnh Chiết Giang.

Giải thích lý do chọn làm hôn lễ với nhiều điều khác biệt, Liqiu cho biết cô từng nhiều lần thấy không thoải mái khi tham dự các đám cưới trước đó.

“Chẳng hạn, tôi không thích mỗi khi MC tuyên bố ‘Đây là ngày đẹp nhất trong đời cô dâu’ và không khỏi nghĩ ‘Phải chăng sau khi kết hôn, phụ nữ sẽ trở nên mất giá’”, cô nói.

Khi bắt đầu chuẩn bị cho hôn lễ, cha mẹ cô gái ban đầu yêu cầu cô ưu tiên các yêu cầu đến từ phía nhà chồng.

leftcenterrightdel
 Đám cưới Trung Quốc mang nặng nghi lễ truyền thống, chẳng hạn cặp đôi cần quỳ gối dâng trà cho người lớn tuổi của hai bên nhà. Ảnh:Shutterstock. 

“Mặc dù cả hai gia đình đều ở cùng tầng lớp, tôi vẫn bị coi là người thứ yếu trong cuộc hôn nhân của chính mình”, Liqiu bày tỏ.

Các trải nghiệm này thôi thúc cô tổ chức đám cưới của mình theo hướng "bình đẳng trong hôn nhân". Liqiu tự nhận mình may mắn khi nhận được sự tôn trọng từ cha mẹ hai bên, cùng với những người bạn bè đã kết hôn.

Liqiu cho biết đây mới là bước đầu cho những nỗ lực của cô để phụ nữ bớt gánh chịu các áp lực về giới. Cô cũng sẽ thảo luận với chồng về cách phân công công việc gia đình và xem xét con chung của cả hai sẽ lấy họ của ai.

Khi chia sẻ câu chuyện cá nhân lên mạng, không ít người dùng để lại lời khen cho suy nghĩ và hành động của cô.

Trong thập kỷ qua, các chuẩn mực về hẹn hò, yêu đương tại Trung Quốc đã thay đổi trong lớp người trưởng thành. Tháng 10 năm ngoái, cặp vợ chồng Chen và Shi (Chiết Giang) thực hiện đám cưới không tiền mừng, khách đến tham dự chỉ cần gửi lời chúc.

Tuy nhiên, không phải gia đình nào cũng dễ dàng với ý muốn loại bỏ những nghi lễ kết hôn lâu đời từ phía con cái.

Ví dụ, Zhang Minmin, một nhân viên công nghệ ở Thượng Hải, không đồng ý với tục lệ hét giá cô dâu và từ chối để gia đình định giá tiền sính lễ. Tuy nhiên, mọi nỗ lực của cô đều không có tác dụng và bị coi là "đồ ngốc".

“Tôi cảm giác như món đồ vật được định giá”, cô bày tỏ. Thế nhưng, suy nghĩ này khó thuyết phục được bố mẹ. Ở quê cô, của hồi môn là chuyện đương nhiên.

Theo zingnews