Cô giáo Tracy-Ann Hall, người đoạt giải Giáo viên toàn cầu năm 2020. Ảnh: Internet
Cô giáo Tracy-Ann Hall, người đoạt giải Giáo viên toàn cầu năm 2020. Ảnh: Internet

Bất chấp trở ngại to lớn này, cô vẫn nỗ lực trở thành giáo viên xuất sắc toàn cầu và là người giúp nhiều trẻ em “cá biệt” thành đạt.

Nghi lực phi thường

Chứng khó đọc (dyslexia) là biểu hiện gặp khó khăn với việc đánh vần, phát âm, đọc hiểu và viết chữ dù trí tuệ bình thường. Đây là bệnh do di truyền hoặc bị ảnh hưởng bởi môi trường. Người mắc chứng khó đọc không thể chữa khỏi bệnh triệt để, nhưng nếu được chỉ dẫn phù hợp, họ vẫn có thể khắc chế trở ngại khó đọc và đạt được các thành công trong cuộc sống.

Theo thống kê, khoảng 1/10 dân số toàn cầu mắc chứng khó đọc. Suốt thời học sinh, cô Hall phải vật lộn vì chứng bệnh này. Sau khi tốt nghiệp phổ thông, cô vừa học nghề cơ khí vừa tranh thủ học bổ túc để bổ sung kiến thức, sau đó thi đậu vào trường cao đẳng sư phạm. Ba năm sau, cô tốt nghiệp với số điểm cao nhất lớp.

Với tấm bằng cao đẳng sư phạm, cô Hall hào hứng đi xin việc. “Tôi đã bị từ chối”, cô Hall nhớ lại. Trong một lần đi tàu điện, cô nhìn thấy quảng cáo tuyển dụng giáo viên và thử sức tiếp. “Tôi dồn hết tâm huyết vào việc soạn một bài giảng hoàn hảo nhất, gửi đi. Thế rồi, tôi nhận được lá thư viết cảm ơn vì sự nỗ lực nhưng không thể nhận, vì tôi chưa đáp ứng được yêu cầu về trình độ”, cô Hall lần nữa không đạt.

Hay tin cô Hall không xin được việc, giáo viên cũ của cô đã viết thư tới nơi tuyển dụng, yêu cầu “đưa ra lý do từ chối cụ thể” vì “Hall từng là học sinh năng khiếu xuất sắc nhất trong lớp tôi”. Khoảng 1 tuần sau, cô Hall nhận được thư xin lỗi và mời vào làm. Kể từ lúc này, sự nghiệp giáo dục của cô giáo mắc chứng khó đọc bắt đầu.

Cô giáo Jamaica chinh phục chứng khó đọc ảnh 1

Cô Hall chuyên phụ trách dạy các lớp học sinh yếu kém. Ảnh: Internet

Không bỏ lại trò yếu kém

Ngay năm đầu tiên đứng lớp, cô Hall đã vấp thử thách lớn. “Tôi phải phụ trách các nam sinh lớp 10 có nguy cơ bị đuổi học vì học lực kém”, cô Hall cho biết. Nhìn các em, cô có cảm giác như thấy chính mình thời còn đi học và không thể bỏ mặc. “Tôi quyết định phải giúp các em ấy bằng được, để họ không bị bỏ lại đằng sau”, cô Hall hạ quyết tâm.

Sau khi tập hợp 30 em bị đánh giá học lực kém lại, cô Hall mở lớp riêng. Đầu tiên, cô biến lớp học thành thư viện với rất nhiều sách, khuyến khích các em đọc và viết đánh giá. Dần dà, các học sinh ngày càng đọc hiểu tiến bộ hơn. Khi lên lớp 11, các em không chỉ đã theo kịp chương trình, mà còn đạt học lực khá, giỏi. Chưa hết, các em còn tích cực tham gia các hoạt động ngoại khóa, trong đó có 8 em vào dàn đồng ca của trường.

Môn học cô Hall phụ trách dạy là công nghệ ô tô. Tại trường đầu tiên mà cô vào dạy, lớp học toàn các em bị xếp vào diện “cá biệt” đã bày tỏ sự cảm ơn đến giáo viên chủ nhiệm bằng kết quả thi 95% đậu. Đây cũng là tỷ lệ học sinh một lớp thi đạt cao nhất trong lịch sử của trường này. “Tôi vô cùng hạnh phúc vì được gặp gỡ, dạy dỗ và giao lưu với các em học sinh có cùng hoàn cảnh với mình. Vì các em, tôi sẵn sàng làm nhiều hơn nghĩa vụ của một giáo viên”, cô Hall chia sẻ.

Cô giáo Jamaica chinh phục chứng khó đọc ảnh 2

Bên cạnh giảng dạy, cô Hall còn tích cực tìm kiếm học bổng cho học sinh của mình. Ảnh: Tweet

Vươn xa

Sau thành công đầu tiên, cô Hall được nền giáo dục Jamaica quan tâm và nhiều trường mời dạy. Tại bất cứ trường nào cô Hall đến, lớp cô chủ nhiệm cũng là “cá biệt” và cuối cùng, trước khi cô rời đi đã trở thành lớp xuất sắc. “Phương châm giảng dạy của tôi là học đi đôi với hành”, cô Hall nói. Vừa đốc thúc học sinh chăm chỉ học tập, cô vừa khuyến khích các em tham gia nhiều hoạt động phục vụ cộng đồng, đem kiến thức lý thuyết áp dụng vào thực tế.

Bên cạnh quản lý lớp “cá biệt”, cô Hall còn tự mở xưởng cơ khí dạy trẻ em đường phố, thành lập câu lạc bộ yêu ô tô. Dưới sự dẫn dắt của cô, các em trong và ngoài trường tiến bộ cả về học vấn lẫn đạo đức. Nhiều em đã được trang bị hành trang với học lực tốt, thi lên bậc học cao và bước vào đời với bằng cấp kỹ sư, cảnh sát, quản lý khách sạn, đầu bếp…

“Công việc giảng dạy đã mang đến cho tôi cơ hội giúp các em vươn tới ước mơ, góp phần vào sự phát triển của mỗi cá nhân. Tôi yêu thích nghề nghiệp của mình, tin rằng nhiệt huyết của tôi chính là cảm hứng để các em chăm chỉ học tập, trở nên xuất sắc”, cô Hall tự hào nói.

Bên cạnh việc dạy học, cô Hall còn tích cực đi khắp nơi tìm và thuyết phục các doanh nghiệp thuộc lĩnh vực ô tô tài trợ học bổng cho học sinh xuất sắc. Cô thành công thu hút được một số hỗ trợ về linh kiện, tài chính… cung cấp nguyên liệu cho lớp “học đi đôi với hành” vốn tốn kém (thiết bị ô tô rất đắt tiền) của mình. Kỳ nghỉ hè, cô Hall tổ chức các lớp dạy miễn phí hoặc học phí siêu thấp cho con em gia đình nghèo. Cô được nền giáo dục Jamaica nhiều lần công nhận và tặng thưởng giải thưởng giáo viên xuất sắc nhất.

Năm 2017, cô Hall lọt vào vòng chung kết giải thưởng Giáo viên toàn cầu của Quỹ Varkey. Mặc dù không đoạt giải nhưng cô vẫn nằm trong top 10 giáo viên giỏi nhất thế giới. Và, đến năm 2020, cô Hall chính thức đoạt giải Giáo viên toàn cầu.

Hiện tại, cô Hall đang làm giáo viên ở Trường Trung học Phổ thông Jonathan Grant, St Catherine. Cô cũng vừa mới hoàn thành chương trình học sau đại học, lấy bằng thạc sĩ.

Theo GD&TĐ