|
|
Cô Svetlana Glazunova, giảng viên tiếng Việt tại Đại học Quan hệ quốc tế Moscow. Ảnh: NVCC |
Nối tiếp tình yêu Việt Nam của cha
Cô Svetlana chia sẻ: Tôi lớn lên cùng với tình yêu Việt Nam. Từ lúc tôi còn nhỏ cha tôi hay có những chuyến đi công tác dài ngày. Tôi hỏi cha đâu, mẹ thường bảo cha con đang ở xa lắm, ở xứ sở nhiệt đới giúp đỡ những người bạn Việt Nam. Từ đó nỗi nhớ cha tôi gắn liền với xử sở Việt Nam xa xôi ấy. Và mỗi lần cha tôi đi công tác về, ông đem cho tôi nào xoài, vải, chôm chôm, dứa, na… vả cả chiếc nón lá mà không một bạn nào cùng lứa tuổi tôi có được. Cha bảo: Những người bạn Việt Nam của cha gửi về cho con...
Cha cô, ông Evgeny Glazunov, là nhà Việt Nam học, người đã có nhiều năm công tác ở Việt Nam. Trong một chuyến công tác, chiều lòng con gái nhỏ, ông đưa cô đi cùng sang Việt Nam đến công trường thủy điện sông Đà lúc đó đang thi công dang dở.
Khi những người bạn Việt Nam của cha sang Moscow công tác, cô bé Sveta (tên thân mật của Svetlana) hay cùng cha đưa mọi người đến nhà hát, rạp xiếc và những trung tâm văn hoá lớn của thủ đô... Những kỷ niệm đẹp tuổi thơ đóng vai trò quan trọng trong quyết định tiếp nối tình yêu Việt Nam của cha và theo đuổi ngành ngôn ngữ tiếng Việt, trở thành giảng viên tiếng Việt tại MGIMO.
|
|
Ông Evgeny Glazunov là Chủ tịch đầu tiên của Hội Hữu nghị Liên Xô – Việt Nam, nay là Hội Hữu nghị Nga - Việt. Ông đã viết và dịch nhiều cuốn sách về Việt Nam và quan hệ hữu nghị Nga - Việt. Năm 2011, ông Glazunov đã hiến tặng hơn 100 kỷ vật về Chủ tịch Hồ Chí Minh cho Bảo tàng Hồ Chí Minh, trong đó có bản gốc cuốn thơ “Nhật ký trong tù” phát hành bằng tiếng Nga, có chữ ký của Bác Hồ vào năm 1961. Ảnh: Sputnik |
Cô sinh viên Svetlana từng mong muốn sở hữu một cây đàn bầu, bởi đó là nhạc cụ âm nhạc truyền thống đặc trưng của Việt Nam. Nhân chuyến công tác sang ba nước Đông Dương, ông Glazunov đã mua mô hình đàn bầu về cho con gái. Việt Nam là điểm đến đầu tiên trong chuyến công tác của ông Glazunov. Vì sợ cần đàn bị gãy nên ông luôn mang cây đàn bên mình trong quá trình di chuyển từ Việt Nam qua Lào, Campuchia và trở về Nga. Cô Svetlana nhớ lại lời cha: “Cha mang cây đàn về cho con giống như người cha đi làm xa vượt qua bao vất vả để mang bông hồng về cho cô bé Alyona trong truyện cổ tích “Bông hoa đỏ thắm”. Chiếc đàn bầu đó đến giờ vẫn được cô Svetlana trân trọng giữ gìn và mang tới lớp để giới thiệu cho sinh viên của mình.
Năm 1993, cô Svetlana có cơ hội cùng cha trở lại thăm nhà máy Thuỷ điện Hoà Bình. “Tôi thực sự choáng ngợp, công trường ngổn ngang năm nào đã thành một nhà máy thuỷ điện lớn nhất nhì Việt Nam và Đông Nam Á”.
Tấm ảnh đen trắng chụp cha con cô cùng đoàn chuyên gia của Ngan ở công trường nhà máy thủy điện Sông Đà vẫn được cô lưu giữ đến tận ngày nay...
Lan toả tình yêu Việt Nam cho thế hệ trẻ tại Nga
Cô Svetlana luôn tâm niệm sử dụng tiếng Việt thành thạo là một cơ hội để học trò của cô, “các nhà ngoại giao tương lai” hiểu hơn về Việt Nam. Trong mỗi giờ học, bên cạnh học phát âm, ngữ pháp tiếng Việt, sinh viên Nga còn được tìm hiểu về địa lý, lịch sử, phong tục tập quán, lễ hội của Việt Nam. Khi học đại từ nhân xưng trong tiếng Việt, cô Svetlana giới thiệu về phong tục thờ cúng tổ tiên, vai trò của gia đình và Nho giáo trong văn hoá Việt Nam. Khi học phát âm, sinh viên được giới thiệu về các giọng vùng miền Bắc-Trung-Nam. Bên cạnh đó, sinh viên năm 4 thường được đọc và dịch bài báo về Việt Nam hiện đại, như “Văn hoá giao tiếp trong kinh doanh của 3 miền Việt Nam”.
Cô Svetlana không đơn thuần giới thiệu văn hoá Việt Nam mà cô còn truyền tải cho sinh viên kinh nghiệm du lịch Việt Nam, giao tiếp với người Việt Nam và tình cảm của cô đối với đất nước, con người Việt Nam. Cô cũng thường chia sẻ những câu chuyện mà cha đã từng kể cho cô nghe. Với cô, đó là mạch nguồn cảm xúc được truyền qua các thế hệ.
|
|
Cô Svetlana cùng sinh viên tham gia Ngày hội tiếng Việt tại Liên bang Nga do Đại sứ quán Việt Nam tại Nga tổ chức. Ảnh: NVCC |
Trò chuyện với cô Svetlana Glazunova tôi không nghĩ rằng cô là người nước ngoài bởi cô nói tiếng Việt rất lưu loát và am hiểu văn hóa, phong tục tập quán của người Việt Nam. Có thể nói, từ trong sâu thẳm tâm hồn, cô Svetlana Glazunova đã coi Việt Nam thực sự là “quê hương thứ hai” của mình. Cô hy vọng các nhà Việt Nam học thế hệ thứ ba sẽ viết tiếp tình yêu Việt Nam, thực sự trở thành cầu nối thúc đẩy, tăng cường mối quan hệ giữa hai nước.
Theo thoidai