leftcenterrightdel
Nhà Việt Nam học Sveta Glazunova, giảng viên tiếng Việt tại Đại học Quan hệ quốc tế Moscow. Ảnh: NVCC 

Biết tới Bác Hồ qua những câu chuyện của cha

Từ nhỏ, cô bé Svetlana được cha kể cho nghe nhiều câu chuyện về Việt Nam. Tình yêu với đất nước nhiệt đới được thừa hưởng từ cha khiến cô quyết định trở thành sinh viên trường MGIMO và học tiếng Việt.

Cha cô Svetlana, ông Evgeny Glazunov là Chủ tịch đầu tiên của Hội Hữu nghị Liên Xô - Việt Nam, nay là Hội Hữu nghị Nga - Việt. Ông Glazunov từng là phiên dịch viên của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong thời gian làm việc ở Đại sứ quán Nga tại Việt Nam, cũng như trong thời gian ông giữ cương vị Vụ trưởng Vụ Đông Dương của Đảng Cộng sản Liên Xô.

Cô Svetlana chia sẻ: “Khi học tiếng Việt, tôi bắt đầu tìm hiểu về Chủ tịch Hồ Chí Minh, người mà cha tôi vô cùng kính trọng. Cha kể cho tôi nghe về những cuộc gặp gỡ với Chủ tịch Hồ Chí Minh. Mỗi khi kể, cha luôn nhấn mạnh Bác Hồ là người giản dị và vui tính trong giao tiếp”.

Cha cô được gặp gỡ lần đầu với Hồ Chủ tịch trong buổi tiếp các chuyên gia nước ngoài ở Câu lạc bộ Quốc tế. Tháng 8/1962, kỷ niệm Quốc khánh Việt Nam tại Phủ Chủ tịch, Hồ Chủ tịch đi dạo với các đồng chí lãnh đạo trong khuôn viên Phủ Chủ tịch. Trong buổi lễ đó, Người đã đến và mời ông Glazunov - cha cô - nâng cốc chúc mừng Ngày Quốc khánh. “Lúc đó cốc của cha tôi chưa có rượu và Bác đã rót rượu cho cha”, cô Svetlana kể lại.

“Khoảng tháng 5 năm sau đó, cha được gặp Bác trong dịp mừng chiến thắng Phát xít. Người đến và phát kẹo cho thiếu nhi, sau đó đến hỏi cha: - Cháu thế nào, có khỏe không? Bác còn hỏi cha về công việc và mọi người trong gia đình nữa”, cô Svetlana tiếp tục kể.

Năm 2012, nhân dịp kỷ niệm 122 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, ông Evgeny Glazunov đã viết bài báo “Hồ Chí Minh: NHÀ CHÍNH TRỊ và CON NGƯỜI viết hoa”. Trong bài viết, ông nhận xét: “Hồ Chí Minh là một con người thông thái, nhà văn hóa lớn, có một sức hút cá nhân đặc biệt, luôn ủng hộ tinh thần tập thể, chống chủ nghĩa cá nhân. Sự chú ý và thân mật với người đối thoại luôn tạo ra một không khí thoải mái và thân thiện cho những người tiếp xúc với Người”.

Bên cạnh đó, cô Svetlana cũng đọc nhiều tài liệu viết về Bác Hồ trong khi tham dự nhiều hội thảo về Chủ tịch Hồ Chí Minh. Cô Svetlana đặc biệt thích những nhận xét về Bác của nhà thơ Xô Viết nổi tiếng Konstantin Simonov: “Bản thân trong con người của Hồ Chí Minh đã chứa đựng chất thơ. Người đồng thời là lãnh tụ của nhân dân mình, nhà cách mạng quốc tế kiên định, con người của lý thuyết và hành động, nhà chiến lược và chiến thuật trong chiến tranh, một con người có kiến thức sâu rộng, Người không chỉ biết nhiều thứ tiếng mà còn viết những tác phẩm bằng nhiều thứ tiếng, nhưng đồng thời với tất cả những điều trên, trong tiềm thức của nhân dân Việt Nam, Người vẫn là “Bác Hồ”, một ông già thông thái, sống đâu đó ngay bên cạnh mình, một con người có khả năng hiểu được một cách dễ dàng nhân dân mình, dù đó là người nhiều tuổi, thanh niên, phụ nữ hay trẻ em” (Hồ Chí Minh, Tuyển tập thơ, Moscow 1985, trang 5).

leftcenterrightdel
Cô Svetlana chụp ảnh bên tượng Bác nhân chuyến công tác tới Việt Nam năm 2019. Ảnh: NVCC 

Biên dịch những cuốn sách về Bác Hồ

Năm 2019, bản dịch tiếng Nga hồi ký “Bác Hồ viết di chúc” (tác giả Vũ Kỳ) được xuất bản nhân kỷ niệm 50 năm thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Năm 2021, bản dịch tiếng Nga cuốn sách “Hoạt động của Nguyễn Ái Quốc tại Liên xô (1923-1938)” (chủ biên PGS, TS. Nguyễn Thị Kim Dung của Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh) được xuất bản nhân kỷ niệm 110 năm ngày Bác Hồ ra đi tìm đường cứu nước. Cô Svetlana đã tham gia vào quá trình biên dịch hai cuốn sách trên.

Đây là hai tác phẩm tiêu biểu viết về Bác Hồ và nhiều sự kiện trong lịch sử Việt Nam. Do đó, để có được một bản dịch chính xác, đòi hỏi dịch giả phải thường xuyên tra cứu, tìm hiểu về những sự kiện đã diễn ra, gắn với nhiều tên nhân vật nước ngoài, địa danh lịch sử.

Cô Svetlana chia sẻ: “Dịch ra tiếng Nga thì cũng phải biết tên đúng của nhân vật đó hoặc là chức vụ đúng, hoặc là tên địa danh cho đúng. Tôi phải đọc, tìm hiểu từ Internet và nhiều tài liệu khác. May mắn, cha tôi đã từng biên dịch cuốn sách “Khi người Việt Nam đầu tiên vào Điện Kremlin” (tác giả Vũ Kỳ). Bản dịch đã giúp tôi rất nhiều trong quá trình biên dịch”.

Với nỗ lực của cô Svetlana Glazunova, cùng sự góp sức của tập thể những người tổ chức dịch, biên soạn, hiệu đính giàu kinh nghiệm người Việt, hai cuốn sách đã được chuyển ngữ thành công sang tiếng Nga và ra mắt bạn đọc.

Cô Svetlana hy vọng, việc biên dịch và giới thiệu các cuốn sách viết về Bác giúp lan tỏa những giá trị, tư tưởng vĩ đại của Chủ tịch Hồ Chí Minh tới độc giả Nga, nhất là thế hệ trẻ, nhằm thắt chặt hơn nữa mối quan hệ truyền thống, tình hữu nghị giữa hai dân tộc Việt Nam - Nga.

Trong các giờ giảng, cô Svetlana thường đề nghị sinh viên tự nghiên cứu và đọc nhiều tài liệu về Bác Hồ, đặc biệt về tư tưởng và đường lối đối ngoại của Người. Theo cô, tìm hiểu về Bác Hồ là tìm hiểu về cuộc đấu tranh giải phóng đất nước Việt Nam khỏi ách thực dân, đế quốc, giải phóng miền Nam và thống nhất đất nước. Điều đó sẽ giúp ích cho “các nhà ngoại giao tương lai” hiểu hơn về Việt Nam.

Năm 2013, nhân dịp kỷ niệm 90 năm ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh lần đầu tiên đặt chân đến đất nước Liên Xô (30/06/1923-30/06/2013), cuốn “Khi người Việt Nam đầu tiên vào Điện Kremlin” bằng tiếng Nga của tác giả Vũ Kỳ vừa được ra mắt tại Liên bang Nga. Cuốn sách là những ghi chép của tác giả khi tháp tùng Chủ tịch Hồ Chí Minh trong chuyến thăm chính thức Liên Xô đầu tiên vào năm 1955 cùng những chuyến công tác khác của Người tại Liên Xô.

Theo thoidai