Lời tòa soạn:
Nhiều nữ tỷ phú tự thân khiến cả thế giới trầm trồ thán phục trước khối tài sản khổng lồ mà họ làm ra từ chính đôi bàn tay của mình. Con đường dẫn đến thành công của họ chính là những câu chuyện truyền cảm hứng về sự quyết tâm và kiên trì sẽ luôn dẫn tới thành công.
|
Pleasant Rowland, bộ óc sáng tạo của công ty búp bê American Girl, đã xây dựng một đế chế từ sự sáng tạo độc đáo và đáng yêu của mình. Xuất thân là một giáo viên, nhà văn và phóng viên, bà Rowland đã phát hiện thiên hướng kinh doanh khi cố gắng tìm ra những con búp bê phù hợp cho các cháu gái.
Tờ Forbes cho biết, từ hai bàn tay trắng, bà Rowland đã xây dựng công ty, tài trợ vốn cho công việc kinh doanh bằng thu nhập mà bà kiếm được với tư cách là người viết sách giáo khoa. Với 1,2 triệu USD tiền tác quyền có được từ việc viết sách, bà đã thành lập công ty American Girl vào năm 1986 và phát triển nó thành một đế chế lớn trị giá hàng trăm triệu USD.
Tính đến năm 2023, bà Pleasant Rowland là một trong những nhà văn giàu nhất, có khối tài sản ròng ước tính lên tới 350 triệu USD. Công ty American Girl do bà thành lập đã kinh doanh rất thành công, đạt doanh thu 300 triệu USD trước khi được bán cho công ty sản xuất đồ chơi Mattel với giá 700 triệu USD vào năm 1998.
Với nhiều loại búp bê giúp trẻ em khám phá lịch sử Mỹ, kèm theo các câu chuyện và tài liệu giáo dục, những sáng tạo của bà liên tục thu hút trí tưởng tượng của các thiếu nữ, củng cố vị thế của bà với tư cách là một trong những nữ doanh nhân tự thân giàu có nhất nước Mỹ hiện nay.
Cuộc đời và sự nghiệp
Pleasant Rowland sinh vào 3/8/1941, bà bắt đầu sự nghiệp của mình với tư cách là một nhà giáo dục, bà đã giảng dạy ở một số bang trên khắp nước Mỹ. Nền tảng giáo dục của bà đã đặt nền móng cho những thành công sau này trong kinh doanh và hoạt động từ thiện.
Năm 1968, bà chuyển từ giảng dạy sang làm người dẫn chương trình tin tức và phóng viên cho KGO-TV, một đài địa phương của ABC. Bà làm việc tại đài tới năm 1971, mài giũa kỹ năng giao tiếp và thu được nhiều kinh nghiệm quý báu trong ngành truyền thông. Trải nghiệm đó sau này đã được chứng tỏ là rất quan trọng trong việc khởi động dự án kinh doanh của bà.
Ý tưởng thành lập công ty búp bê American Girl trở thành hiện thực vào năm 1986 khi bà không thể tìm được búp bê thích hợp cho các cháu gái. Dựa trên nền tảng giáo dục và sự hiểu biết của mình về truyền thông, bà đã thành lập công ty sản xuất búp bê tôn vinh lịch sử nước Mỹ và truyền cảm hứng cho các thiếu nữ.
Công ty thành công nhanh chóng, tới năm 2003 doanh số bán đã đạt 350 triệu USD. Năm 2008, doanh số bán búp bê của công ty tại Mỹ chỉ đứng sau búp bê Barbie. Công việc kinh doanh của bà Rowland đã sinh lợi lớn và tài sản ròng hiện nay của bà ước tính là 350 triệu USD.
Trong suốt sự nghiệp của mình, bà Rowland cũng là một nhà từ thiện tích cực, tập trung vào giáo dục và nghệ thuật.
Tạo lập đế chế búp bê từ tình yêu dành cho lịch sử
Năm 1986, bà Rowland thành lập công ty với các sản phẩm chính là búp bê, sách và phụ kiện. Tất cả đều tập trung vào việc thu hút trí tưởng tượng của các cô gái trẻ yêu thích lịch sử. Bà Rowland quyết tâm tạo ra búp bê American Girl vì tình yêu dành cho lịch sử và mong muốn cung cấp những con búp bê phù hợp với lứa tuổi của các cháu gái.
Những con búp bê đầu tiên của công ty là Samantha Parkington, một đứa trẻ mồ côi sống ở thành phố New York vào đầu những năm 1990; Kirsten Larson và gia đình là những người tiên phong sống ở Minnesota vào năm 1854; và Molly McIntire, một cô gái dũng cảm sống qua Thế chiến thứ hai năm 1944.
Trang web của American Girl cho biết những con búp bê lịch sử của họ "dạy cho các bé gái từ 8 tuổi trở lên những bài học quan trọng về lịch sử đất nước cũng như vai trò của phụ nữ và trẻ em gái trong việc định hình nước Mỹ".
Bất chấp sự thành công không thể phủ nhận của thương hiệu American Girl, công ty vẫn phải đối mặt với nhiều chỉ trích và tranh cãi. Một số nhà phê bình cho rằng búp bê American Girl đã duy trì khuôn mẫu hoặc sai sót về lịch sử. Ngoài ra, cũng có những lo ngại về giá bán của búp bê với khả năng tiếp cận của các đối tượng khách hàng.
Dù vậy, việc tạo ra thương hiệu American Girl của bà Rowland là minh chứng cho tinh thần kinh doanh, nghị lực và tầm nhìn của người phụ nữ này. Những nỗ lực của bà đã hình thành nên tuổi thơ của vô số bé gái và để lại dấu ấn khó phai trong lịch sử nghề làm búp bê và văn học thiếu nhi.
Theo vietnamnet