|
|
Hành trình vượt khó của Vương Lai Xuân truyền cảm hứng cho những người phụ nữ về tinh thần khởi nghiệp và ý chí dám nghĩ dám làm. |
“Phàm có thể bay cùng phượng hoàng chắc chắn là những con chim đẹp”. Câu nói này là tín ngưỡng sống của Vương Lai Xuân, người phụ nữ giàu nhất Quảng Đông và thứ 4 Trung Quốc, đồng thời phản ánh bức chân dung về cuộc đời của bà.
Không ‘an phận thủ thường’
Vương Lai Xuân sinh năm 1967 trong một gia đình nông thôn nghèo ở khu vực miền núi khó khăn, TP Sán Đầu, tỉnh Quảng Đông, miền Nam Trung Quốc.
Cha mẹ bà không được học hành và chỉ có thể kiếm sống bằng nghề nông. Gia đình có ba người con, bà là con út và có hai anh trai.
Cha mẹ biết rằng nếu không có kiến thức thì không thể thay đổi vận mệnh nên họ đã làm việc chăm chỉ và nhất quyết cho Vương Lai Xuân đi học. Trước khi mỗi học kỳ bắt đầu, họ sẽ góp các khoản tiền lẻ lại với nhau để trả học phí.
Suốt thời thơ ấu, cha mẹ thường xuyên vắng nhà. Vì vậy, Vương Lai Xuân gần như được anh trai nuôi dưỡng.
Khi lớn hơn, bà cũng tranh thủ thời gian làm nghề thủ công để kiếm tiền học phí. “Tôi không cảm thấy khó khăn. Nếu không có những trải nghiệm này khi còn nhỏ, tôi có lẽ không thể tồn tại đến ngày hôm nay”, Vương Lai Xuân hồi tưởng lại.
Vào thời điểm đó, đối với hầu hết các gia đình nông dân nghèo, việc con cái tốt nghiệp cấp 3, đại học là điều “xa xỉ”.
Không muốn tiếp tục tạo gánh nặng tài chính, Lai Xuân quyết định bỏ học sau khi tốt nghiệp trung học cơ sở và bắt đầu đi làm để phụ giúp gia đình.
Cha mẹ bà từng kỳ vọng con gái đủ tuổi sẽ lấy chồng gần nhà, mong muốn bà sẽ học hành đầy đủ để có một tương lai tốt hơn, nhưng cuối cùng vẫn tôn trọng quyết định của Vương Lai Xuân.
Năm 1984, bà quyết định rời quê hưởng đến TP Thâm Quyến và làm việc tại nhà máy Sanyo. Chính tại đây, Lai Xuân đã thu lượm những kiến thức và trải nghiệm đầu tiên về ngành sản xuất điện tử. Việc sớm tiếp xúc với sự phức tạp của sản xuất điện tử đã đặt nền móng cho những nỗ lực trong tương lai của bà.
“Tôi may mắn được vào Sanyo, doanh nghiệp quy mô lớn hiện đại đầu tiên ở Thâm Quyến vào thời điểm đó. Lúc đầu, tôi chỉ là một cô gái trẻ ở quê. Sau khi vào Sanyo, lần đầu tiên tôi nhìn thấy cách quản lý doanh nghiệp hiện đại và sản xuất điện tử hiện đại. Tôi rất hào hứng”, bà Vương chia sẻ.
Tháng 10/1988, ở tuổi 21, bà Vương trở thành một trong 150 nhân viên đầu tiên tại nhà máy đầu tiên của Foxconn ở Trung Quốc đại lục.
Ở lại chỉ vì một câu nói
Ngày nào cũng phải tăng ca, nhiều nhân viên không chịu nổi và lần lượt bỏ việc. Chỉ có Vương Lai Xuân trụ lại, kiên trì và nhẫn lại.
Sau này, Vương Lai Xuân mới chia sẻ, bà ở lại không phải vì yêu công việc mà vì ngưỡng mộ ông chủ Terry Gou (người sau này cũng thành tỷ phú).
Terry Gou nổi tiếng là người có những yêu cầu khắt khe. Kể từ khi xây dựng nhà máy ở Thâm Quyến, ông thường xuyên xuất hiện tại xưởng, phát biểu và đào tạo trực tiếp nhằm nâng cao tinh thần cho công nhân.
“Không ai sinh ra đã nghèo khó”- câu nói của Terry Gou đã đánh thẳng vào trái tim Vương Lai Xuân.
Là người duy nhất chưa tốt nghiệp cấp 2, không có trình độ học vấn nhưng bà Vương rất nhạy cảm với những con số. Bà có thể tính toán chính xác đến bốn chữ số thập phân. Tài năng của bà được quản lý nhìn thấy.
|
|
CEO Apple Tim Cook (phải) và Chủ tịch Luxshare Precision Grace Wang (giữa) trong chuyến thăm nhà máy tại huyện Côn Sơn, tỉnh Giang Tô (Trung Quốc) vào năm 2017. |
Bất chấp điều kiện khó khăn, sự kiên trì và đạo đức làm việc của Vương Lai Xuân đã giúp bà vượt qua trở ngại và thăng tiến cấp bậc nhanh chóng.
Từ một nữ công nhân làm việc ở dây chuyền lắp ráp, bà trở thành trưởng bộ phận nhà máy, quản lý hàng nghìn nhân viên. Khát vọng kinh doanh của bà ngày càng mãnh liệt.
Năm 1995, ở tuổi 28, Vương Lai Xuân khởi nghiệp, đồng sáng lập BYD cùng với anh trai. Công ty đầu tiên tập trung vào pin sạc, đánh dấu sự khởi đầu cho tầm nhìn lãnh đạo của Vương Lai Xuân mà sau này sẽ xác định lại quỹ đạo của BYD.
Dưới sự lãnh đạo của bà, BYD đã tạo ra bước đột phá trong lĩnh vực xe điện - đánh dấu một sự thay đổi cách mạng khi trọng tâm toàn cầu hướng tới giảm lượng khí thải carbon và thúc đẩy các giải pháp di chuyển bền vững.
Hành trình khởi nghiệp của Vương Lai Xuân chưa dừng lại. Năm 2004, ở tuổi 41, bà Vương hồi tưởng những kinh nghiệm làm việc trong ngành sản xuất điện tử trước đây, đặc biệt là tại công ty cũ Foxconn, để đồng sáng lập lên Luxshare Precision.
Luxshare trở thành một công ty quan trọng trong ngành sản xuất điện tử toàn cầu. Các quyết định chiến lược, nỗ lực đa dạng hóa và gia nhập chuỗi công nghiệp Apple của Vương Lai Xuân đã góp phần mang lại thành công và được ghi nhận trên thị trường toàn cầu.
Theo Tạp chí Forbes, Vương Lai Xuân sở hữu khối tài sản 7,1 tỷ USD (tính đến ngày 16/1/2024), trở thành tỷ phú thứ 363 thế giới. Bà là người phụ nữ giàu thứ 4 Trung Quốc, theo China Daily.
Vương Xuân Lai có thể đã kết hôn với một người đàn ông ở quê nhà và sống một cuộc sống bình thường như bao người phụ nữ nông thôn khác. Tuy nhiên, không chấp nhận bản thân “an phận thủ thường”, bà Vương đã kiến tạo ra thế giới của riêng mình.
Theo vietnamnet