Năm 1981, Công nương Diana Spencer mới chỉ 20 tuổi khi được gả vào gia đình Hoàng gia Anh. Bà nổi tiếng với những hoạt động nhân đạo, là người bảo trợ cho khoảng 100 tổ chức từ thiện phòng chống AIDS, ung thư…

 

Công nương thường xuyên ghé thăm và không ngần ngại ôm hôn những bệnh nhân AIDS, bệnh nhi và người tàn tật. Không lâu sau khi được sắc danh, bà được mọi người yêu mến gọi với cái tên “Công nương của nhân dân”.

 

Công chúa Märtha-Louise (sinh năm 1971) là con gái cả của Vua Harald V và Hoàng hậu Sonja của Na Uy. Cô không chỉ hoàn thành tốt trách nhiệm của một thành viên hoàng gia, mà còn dành thời gian theo đuổi đam mê của mình ở lĩnh vực tâm linh.

 

Năm 2007, cô khánh thành Astarte Education, một ngôi trường dạy học sinh giao tiếp với “các thiên thần”. Gần đây, cô được biết đến nhiều hơn thông qua chuyến lưu diễn tâm linh của mình cùng với bạn trai người da màu Shaman Durek Verrett.

 

Công chúa Anne (sinh năm 1950) là con gái duy nhất của Nữ hoàng Elizabeth II. Năm 1973, bà bất chấp mọi rào cản để kết hôn với thường dân Mark Phillips. Hai con của bà, Peter và Zara Phillips, cũng không cần bất kỳ tước hiệu hoàng gia nào.

 

“Tôi thấy đó là một quyết định đúng đắn. Có thể nhiều người thấy rằng như thế sẽ bất lợi cho bọn trẻ, nhưng tôi chỉ muốn cuộc sống của chúng dễ dàng hơn”, bà chia sẻ.

 

Công nương Keisha Omilana (sinh năm 1986), một người mẫu gốc Phi, không hề hay biết thân phận hoàng tử Nigeria của chồng mình cho đến hai người đính hôn. Sau khi cử hành hôn lễ hoàng gia, cô không giải nghệ mà vẫn quyết định theo đuổi sự nghiệp riêng.

 

Thậm chí, công nương còn chăm chỉ làm việc hơn trước vì "không muốn địa vị hoàng gia định nghĩa cuộc sống", đồng thời muốn thay đổi cách nhìn của mọi người về cuộc hôn nhân hoàng gia của mình.

 

Sau khi bố của bà, hoàng tử Ignace Kamatar, bị ám sát năm 1964, công chúa Esther Kamatari bỏ chạy từ Burundi sang Pháp. Bà rũ bỏ cuộc sống hoàng gia và trở thành người mẫu da đen đầu tiên ở quốc gia này.

 

Năm 2004, công chúa Esther quyết định tranh cử tổng thống tại quê nhà với mục tiêu khôi phục chế độ quân chủ nhưng thất bại. Tuy nhiên, bà không hề hối hận. “Ít nhất tôi cũng đã chứng minh cho thế hệ trẻ, đặc biệt là các cô gái, rằng không có gì là không thể”, công nương chia sẻ.

 

Năm 2015, Công nương Catherine Middleton (sinh năm 1982) làm nên lịch sử Hoàng gia Anh khi tự đăng tải những hình ảnh của con gái Charlotte, thay vì để nhiếp ảnh gia chuyên nghiệp thực hiện.

 

Kể từ đó, cô phụ trách chính trong việc chụp những tấm ảnh của gia đình. Hành động này giúp công nương giữ được mối quan hệ tốt đẹp với giới truyền thông. Bên cạnh đó, cô luôn tích cực tham gia các hoạt động xã hội, làm tròn trách nhiệm của một công nương dù xuất thân không phải từ hoàng tộc.

 

Trước khi cưới Hoàng tử Carl Philip và trở thành một thành viên của gia đình hoàng gia Thụy Điển năm 2015, Công nương Sofia (sinh năm 1984) vốn là một người mẫu và ngôi sao truyền hình.

 

Tháng 4 vừa qua, cô tình nguyện tới Bệnh viện Sophiahemmet để giúp đỡ các nhân viên y tế chống dịch Covid-19 sau một khóa huấn luyện ngắn ngày. Công nương mong muốn góp sức cho hệ thống chăm sóc sức khỏe trong thời điểm mà các nguồn lực được sử dụng tối đa.

 

Năm 1996, Miriam de Ungría, một nhà thiết kế trang sức sinh năm 1963, trở thành Công nương của hoàng gia Bulgaria sau khi kết hôn với Hoàng tử Kardam. Năm 2008, hai vợ chồng không may gặp tai nạn ôtô nghiêm trọng. Trong khi công nương Miriam bị gãy xương sườn, xương khuỷu tay và sụp phổi, chồng của bà không may mắn bị chấn thương sọ não.

 

Năm 2015, Hoàng tử Kardam qua đời sau nhiều năm chống chịu vết thương từ vụ tai nạn. Bà mất một thời gian để vượt qua nỗi đau mất chồng, nhưng rồi trở lại mạnh mẽ để tiếp tục chăm sóc gia đình, công việc kinh doanh và thực hiện nghĩa vụ hoàng gia.

Theo Zing