Khi những chiếc đèn đường mờ dần trong màn đêm, không gian yên tĩnh cũng là lúc những người sống một mình như Nazuna Hashimoto (21 tuổi) cảm thấy cô đơn tột cùng.
Cô căng thẳng, tim đập nhanh hơn, hơi thở trở nên gấp gáp và đầu cô như sắp nổ tung. Những lúc đó, cái chết là điều đầu tiên cô nghĩ tới. Cô cũng từng cố gắng tự tử vài lần.
Hashimoto là một trong hàng nghìn phụ nữ Nhật Bản đang chật vật để cân bằng lại tâm lý trong thời điểm dịch bệnh. Vốn là nhóm chịu nhiều áp lực trong xã hội, khi đại dịch ập tới, những người như cô lại càng khó khăn.
Cô đơn tột cùng
Hashimoto làm bán thời gian tại một nhà hàng và phòng gym. Từ khi lệnh giãn cách xã hội được thực hiện, cô gần như không thể tiếp tục đi làm.
Trong 2 tháng đầu phòng tập tạm đóng cửa, cô chỉ nhận được 25% lương. Khi càng nhiều ca Covid-19 được phát hiện từ các phòng gym, Hashimoto còn cảm nhận được sự ghẻ lạnh từ mọi người.
“Mọi người bắt đầu giữ khoảng cách với tôi vì biết tôi làm việc tại đó. Họ cố gắng lảng tránh tôi”, cô nói.
Nazuna Hashimoto là một trong hàng nghìn phụ nữ Nhật Bản bị ảnh hưởng trong dịch bệnh. Ảnh: Hiroko Masuike.
Việc hạn chế tương tác xã hội cũng khiến chứng trầm cảm của Hashimoto ngày càng nghiêm trọng. Không còn đồng nghiệp, bạn bè để giao lưu, cô chỉ còn có thể gặp mẹ và bạn trai. Cô cảm thấy bế tắc, sợ hãi, nhất là khi màn đêm buông xuống.
“Tinh thần của tôi không được ổn định kể từ khi đại dịch bùng phát. Các triệu chứng ngày càng tồi tệ hơn”, cô chia sẻ.
Tại đất nước mặt trời mọc, đại dịch Covid-19 khiến tỷ lệ nữ giới tự tử tăng lên đáng kể. Trong khi số vụ tự tử ở nam giới giảm năm thứ 11 liên tiếp tính đến năm 2020, con số này ở phụ nữ là 6.976, tăng 15% so với năm 2019.
Nữ giới chiếm hơn một nửa lực lượng lao động bán thời gian tại Nhật Bản và đại dịch đã ảnh hưởng nghiêm trọng tới công việc của họ. Ngoài ra, họ còn phải làm việc nhà và chăm sóc con cái, thường xuyên trong tình trạng căng thẳng.
Một số nhà nghiên cứu y học tin rằng những khuyến cáo về giãn cách xã hội lại đang gây ra một vấn đề mới: sự cô đơn. Để đối phó với việc này, chính phủ Nhật Bản hạn chế việc đóng cửa các doanh nghiệp, trường học trên cả nước. Nhưng để ngăn chặn nguy cơ lây lan virus, những buổi tụ tập đông người vẫn bị hạn chế.
Tỷ lệ tự tử ở phụ nữ Nhật Bản tăng trong đại dịch. Ảnh: Hiroko Masuike.
Tháng 2 vừa qua, chính phủ Nhật Bản đã bổ nhiệm ông Tetsushi Sakamoto làm Bộ trưởng Cô đơn với hy vọng đẩy lùi nạn tự tử tại xứ hoa anh đào. Đồng thời, nước này cũng chi 55 triệu USD cho các dịch vụ về sức khỏe tâm thần. Trong đó, 12 triệu USD đặc biệt được sử dụng để hỗ trợ phụ nữ.
“Chính phủ đang hỗ trợ nhiều hơn cho các tổ chức phi lợi nhuận hướng đến phụ nữ. Chúng tôi cũng tăng cường việc tuyên truyền qua mạng xã hội để các cá nhân có thể tiếp cận dễ dàng hơn các dịch vụ về tâm lý mà họ cần”, ông Sakamoto nói.
“Sự bất bình đẳng giới vẫn luôn tồn tại ở Nhật Bản trước cả khi đại dịch bắt đầu. Phần lớn phụ nữ làm nội trợ hoặc những công việc bán thời gian. Vì vậy khi các cơ sở kinh doanh ngừng hoạt động, họ chỉ có thể nghỉ việc và ở nhà chăm sóc con cái. Chúng ta cần tạo ra một xã hội có nhiều quyền lợi hơn cho phụ nữ”.
Tuy nhiên, những người như Hashimoto vẫn chưa nhận được sự hỗ trợ kịp thời.
“Tôi chỉ có thể hẹn bác sĩ trị liệu mỗi tháng một lần. Tôi muốn đi khám thường xuyên hơn nhưng không có nhiều bệnh viện cung cấp dịch vụ này”, cô nói.
Bên cạnh đó, một số dịch vụ trị liệu tâm lý không nằm trong danh mục chi trả của bảo hiểm y tế tại Nhật Bản. Những buổi trị liệu có thể mất từ 50 USD tới 200 USD, con số không nhỏ.
Tự tìm lối thoát
Thời gian gần đây, cô gái 21 tuổi đang học cách nhìn vào mặt tích cực trong những sự việc xung quanh để khôi phục sức khỏe tinh thần.
“Tôi đã gạt đi cảm xúc của bản thân trong 10 năm. Nhưng bây giờ, tôi học cách cởi mở hơn, biến nỗi buồn thành những điều tích cực”.
Không chịu được sự cô đơn, nhiều người thậm chí tìm tới cái chết. Ảnh: Pinterest.
“Tôi rất biết ơn vì mình còn sống sau những lần suy nghĩ dại dột. Điều đó cũng có nghĩa là tôi sẽ phải can đảm để đối mặt với những hành động của mình”, cô chia sẻ.
Hashimoto cùng bạn trai phát triển ứng dụng gọi là Bloste (viết tắt của “blow off steam”, tạm dịch: "xả hơi"), hỗ trợ những người cùng cảnh ngộ kết nối với các nơi điều trị bệnh tâm lý. Cô cũng hy vọng thông qua dự án này để bày tỏ tình yêu thương với gia đình, cho mọi người thấy họ quan trọng với cô như thế nào.
“Tôi từng hay ngại ngần khi nói lời yêu thương với người khác. Tôi hy vọng có thể bày tỏ tình cảm với mọi người bằng cách quản lý tốt dự án của mình. Tôi muốn cho họ thấy tôi sống hạnh phúc”.
Theo Zing