Chris Zou và con trai Xinxin. Ảnh: SCMP.
Zou, 43 tuổi, là nhân viên giàu kinh nghiệm trong một công ty đa quốc gia ở Thượng Hải. Cô đã làm mọi cách để nuôi nấng con trai Xinxin một mình, cũng như nỗ lực vượt qua những thủ tục pháp lý phức tạp để làm giấy tờ tùy thân cho con.
Nhưng sau ba năm, cô vẫn chưa thể đòi được bảo hiểm thai sản bởi chính quyền địa phương cho hay cô không cung cấp được giấy chứng nhận kết hôn và thông tin về bố của đứa trẻ. Zou đã nộp đơn kiện chính quyền địa phương năm ngoái.
"Tôi nhận ra chưa có người mẹ nào đưa vụ này ra tòa giống tôi, nên tôi nghĩ mình cần làm điều đó", Zou nói.
Luật pháp Trung Quốc có nhiều mâu thuẫn trong quy định về trẻ em sinh ra ngoài giá thú. Luật hôn nhân quy định những đứa trẻ như Xinxin được hưởng mọi quyền giống trẻ em sinh ra từ các đôi vợ chồng, còn luật dân số và kế hoạch hóa gia đình lại quy định hình phạt tiền với những người sinh con khi chưa kết hôn.
Luật bảo hiểm xã hội khẳng định các bà mẹ được hưởng bảo hiểm thai sản do doanh nghiệp đóng, nhưng văn bản hướng dẫn luật lại yêu cầu người mẹ phải có giấy chứng minh đã sinh con, điều không thể có nếu không có giấy chứng nhận kết hôn.
Năm ngoái, Zou đã kiện chính quyền phường Kim Dương ở quận Tân Phố Đông, Thượng Hải, nơi chịu trách nhiệm cung cấp giấy chứng sinh cho cô. Cô cũng kiện trung tâm bảo hiểm xã hội của thành phố, nơi đã từ chối yêu cầu của Zou với lý do cô không thể cung cấp tài liệu cần thiết.
Cả hai vụ kiện đều thất bại, Zou cũng thua sau khi kháng cáo. Hồi tháng 7, cô nộp đơn tái thẩm ở Tòa án Nhân dân Tối cao Thượng Hải và được chấp thuận.
"Khả năng thắng kiện rất thấp nhưng nay tôi không quan tâm có lấy được tiền hay không. Tôi chỉ muốn nâng cao nhận thức xã hội về những người mẹ đơn thân giống tôi", Zou nói.
"Tôi cho rằng chừng nào người ta còn trả tiền bảo hiểm thai sản, chừng đó phụ nữ vẫn có quyền yêu cầu bảo hiểm khi sinh con, cho dù đứa trẻ ngoài giá thú hay trong giá thú, thậm chí đó không phải mẹ ruột", Zou bày tỏ.
Sự kiên trì của Zou được ủng hộ, hashtag "mẹ đơn thân bị từ chối bảo hiểm thai sản" đã thành chủ đề nóng trên Weibo, mạng xã hội lớn nhất Trung Quốc, trong những tuần gần đây.
Hu Zhan, giáo sư xã hội học, đại học Phúc Đán, nhận xét cuộc chiến pháp lý của Zou mang ý nghĩa đặc biệt trong bối cảnh xã hội ngày càng nhiều người mong muốn có con nhưng không muốn kết hôn.
"Nhiều người khao khát yêu đương, có con, nhưng không lập gia đình", Hu nói. "Ngày càng nhiều người Trung Quốc trở nên giàu có, họ không cần hỗ trợ tài chính từ đối tác để nuôi nấng một đứa trẻ bằng cách kết hôn".
Theo khảo sát trên 1% dân số toàn quốc năm 2005, 12% nam giới Thượng Hải trong độ tuổi 30-34 và 7% phụ nữ trong nhóm này chưa bao giờ kết hôn. Một nghiên cứu khác trên 1.200 hộ gia đình ở Thượng Hải do Hu và đồng nghiệp thực hiện năm 2016 cho thấy tỷ lệ này tăng lên 19,2% và 12,5%.
"Dù Zou thắng hay thua cũng không quan trọng. Điều quan trọng là vụ kiện đã gây chú ý trong công chúng và chính quyền, tạo hiệu quả về sau", Hu nói.
Lu Xiaoquan, luật sư về quyền phụ nữ tại hãng luật Qianqian ở Bắc Kinh, cho rằng cần cải cách luật.
"Sinh con ngoài giá thú là một thực tế khách quan trong xã hội. Nó không gây bất kỳ tổn hại nào cho đất nước, xã hội hay cá nhân. Vì vậy chẳng có gì là bất hợp pháp cả", Lu nói. "Nhưng quy định phạt tiền theo luật kế hoạch hóa gia đình đồng nghĩa với việc có con mà không kết hôn là trái pháp luật, dẫn tới hình phạt hành chính".
"Tôi cho rằng quy định này vi phạm nhân quyền của trẻ em sinh ra ngoài giá thú, cũng như mang tính phân biệt đối xử. Dựa theo nguyên tắc bình đẳng và không phân biệt đối xử, luật này cần sửa đổi hoặc xóa bỏ".
Trong khi các bậc cha mẹ Trung Quốc có con ngoài giá thú đang chờ đợi pháp luật thay đổi, thái độ của xã hội đối với họ đã đi trước luật. Được sự ủng hộ của cộng đồng, Zou không phải trả tiền phạt.
Bé Xinxin, hai tuổi, cũng được đăng ký hộ khẩu dù trước đây, những đứa trẻ sinh ra ngoài giá thú thường bị từ chối. Hộ khẩu tương đương với tấm hộ chiếu nội địa ở Trung Quốc, gắn liền với hàng loạt phúc lợi xã hội.
Nhưng sự thiếu vắng người cha hợp pháp có thể gây ra nhiều vấn đề cho Xinxin sau này."Tôi nghe nói nếu sau này cháu muốn đi du học, cần khai thông tin về cả cha và mẹ, còn nếu cháu muốn làm cho cơ quan nhà nước, cháu sẽ không vượt qua phần kiểm tra lý lịch", Zou nói. "Nhưng nói chung tôi thấy ổn".
Về phần mình, cô không loại trừ khả năng kết hôn. "Tôi không ghét hôn nhân. Tôi sẽ cân nhắc nếu gặp người phù hợp nhưng tôi hiểu cơ hội rất mong manh", cô bày tỏ.
Theo
vnexpress