leftcenterrightdel
 

Ngày 9/5, Teresa Xu, một phụ nữ Trung Quốc chưa lập gia đình, bắt đầu kháng cáo lần cuối tại Tòa án Nhân dân Trung cấp số 3 ở Bắc Kinh về vụ bệnh viện từ chối cho phép cô đông lạnh trứng.

Theo báo cáo từ The Beijing News và The Paper, Xu đã tìm đến dịch vụ đông lạnh trứng từ Bệnh viện Phụ sản Bắc Kinh tại Đại học Y Thủ đô vào năm 2018, khi cô 30 tuổi.

Sau khi hoàn thành kiểm tra sức khỏe, bệnh viện từ chối cung cấp dịch vụ vì Xu chưa lập gia đình. Bác sĩ nói rằng trứng của cô khỏe mạnh nhưng thay vì đông lạnh chúng, cô nên kết hôn và sinh con tự nhiên.

Theo Think China, trường hợp chưa từng có tiền lệ đã khơi lại cuộc thảo luận của công chúng về quyền sinh sản của phụ nữ độc thân.

Dù vụ án chưa được đưa ra phán quyết, cuộc thảo luận của cư dân mạng đang tập trung vào việc liệu nguyên đơn Xu Zaozao có được phép đông lạnh trứng sau hơn 4 năm kháng cáo và liệu vụ kiện này có khiến Trung Quốc sửa đổi luật - cho phép phụ nữ độc thân sử dụng các công nghệ hỗ trợ sinh sản (ART) như đông lạnh trứng.

Ở Trung Quốc ngày nay, khi việc sinh con đã trở thành "ưu tiên hàng đầu", cuộc tranh luận liên quan đến quyền của người phụ nữ đưa ra quyết định tự chủ về cơ thể và chức năng sinh sản của mình, cũng như các vấn đề y tế và xã hội ngày càng mở rộng.

leftcenterrightdel
Xu có mặt bên ngoài tòa án để kháng cáo vụ bệnh viện từ chối cho cô đông lạnh trứng. Ảnh:Reuters.  

Phụ nữ độc thân đòi quyền sinh sản

Xu đã kiện bệnh viện Bắc Kinh vào năm 2019 với lý do bệnh viện này xâm phạm quyền cá nhân của cô.

Xu cáo buộc việc bệnh viện từ chối đông lạnh trứng của phụ nữ độc thân là phân biệt đối xử với phụ nữ, xâm phạm quyền cá nhân của cô, vi phạm các quy định có liên quan của Luật Bảo vệ Quyền và Lợi ích của Phụ nữ về bình đẳng giới.

Trung Quốc hiện cho phép đàn ông độc thân và đã kết hôn hiến tặng hoặc đông lạnh tinh trùng của họ.

Tuy nhiên, Bệnh viện Phụ sản Bắc Kinh lập luận rằng họ không thể đông lạnh trứng của những phụ nữ độc thân do hàng loạt vấn đề tâm lý và xã hội có thể phát sinh liên quan đến trì hoãn sinh nở, đồng thời đang hành động theo luật pháp, quy định về bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của phụ nữ và trẻ em.

Vụ việc được đưa ra xét xử vào tháng 12/2019, nhưng thẩm phán không thể đưa ra phán quyết vì vụ việc liên quan đến rất nhiều chính sách y tế và pháp luật, cũng như các vấn đề đạo đức và kỹ thuật liên quan đến đông lạnh trứng.

leftcenterrightdel
 Cuộc chiến pháp lý của Xu đã thu hút sự chú ý lớn từ công chúng. Ảnh:China Daily. 

Sau khi vụ án được xét xử lại trong một phiên họp kín vào tháng 9/2021, tòa án đã bác bỏ các yêu cầu của Xu vào tháng 7/2022, nhưng Xu đã quyết định nộp đơn kháng cáo.

Ngoài việc bảo vệ quyền và lợi ích của mình, Xu nói rằng cô chọn kiên trì vì hy vọng vụ án sẽ mang lại cho phụ nữ độc thân cơ hội thực hiện quyền tự chủ về thể chất và sinh sản của họ. Cô cũng hy vọng rằng xã hội sẽ khoan dung hơn và ủng hộ các lựa chọn sinh sản của phụ nữ, đồng thời các chính sách liên quan sẽ được cải thiện.

Theo thông tin liên quan, mặc dù Bộ luật Dân sự Trung Quốc không cấm phụ nữ chưa kết hôn đông lạnh trứng, nhưng Bộ Y tế (nay gọi là Ủy ban Y tế Quốc gia) đã đưa ra các hạn chế đối với các nhà cung cấp dịch vụ trong Thông số kỹ thuật về Công nghệ hỗ trợ sinh sản trên người, ban hành năm 2001.

Theo tài liệu, ART sẽ không được cấp cho các cặp vợ chồng và phụ nữ độc thân không đáp ứng các quy định của luật dân số và kế hoạch hóa gia đình.

Biện pháp quản lý công nghệ hỗ trợ sinh sản trên người ban hành cùng năm cũng nêu rõ phụ nữ chỉ có thể lấy và đông lạnh trứng nếu họ có khối u ác tính, họ có thể làm như vậy trước khi trải qua xạ trị và hóa trị liệu; hoặc nếu họ bị vô sinh và không thể tiến hành thụ tinh trong ống nghiệm kịp thời.

Những người ủng hộ việc nới lỏng hạn chế đối với việc đông lạnh trứng cho rằng các quy định được đưa ra hơn hai thập kỷ đã lỗi thời sau sự tiến bộ của công nghệ và những thay đổi trong tư duy. Những người khác cũng tin rằng nếu Xu thắng kiện, nó sẽ tạo tiền lệ cho việc sửa đổi các quy định.

Việc Xu, người sắp bước sang tuổi 35, có thể thắng kiện hay không cũng ảnh hưởng đến cơ hội bảo quản trứng và kéo dài thời gian sinh con của cô.

Sau phiên tòa thứ hai, cô nói với truyền thông Trung Quốc rằng trứng của mình vẫn có thể được đông lạnh sau 4 năm và cô vẫn sẽ chọn đông lạnh chúng tại Bệnh viện Phụ sản Bắc Kinh nếu thắng kiện.

Tuy nhiên, cô tiết lộ có thể ra nước ngoài trữ trứng nếu kết quả lần thử nghiệm thứ hai không đạt yêu cầu.

Cư dân mạng Trung Quốc đã có những phản ứng trái chiều về vụ việc. Nhiều người ca ngợi Xu khi cô quyết tâm và can đảm lên tiếng vì quyền của phụ nữ.

Thay đổi quy định lỗi thời

Người Trung Quốc đã khá quen với các cuộc thảo luận về việc phụ nữ độc thân đông lạnh trứng của họ, mặc dù thủ tục này là bất hợp pháp.

Khi quốc gia này đối mặt với cuộc khủng hoảng dân số nghiêm trọng, các cuộc thảo luận công khai về quyền sinh sản của phụ nữ đã thu hút được sự chú ý. Các công nghệ hỗ trợ sinh sản như đông lạnh trứng trở thành một lựa chọn được nhiều phụ nữ tìm kiếm để trì hoãn việc sinh con, nhưng nó vẫn là một vấn đề gây tranh cãi đất nước tỷ dân.

Năm 2015, diễn viên kiêm đạo diễn Trung Quốc Từ Tịnh Lôi công khai nói cô đã đông lạnh 9 quả trứng của mình ở Mỹ vào năm 2013 khi cô 39 tuổi để đảm bảo khả năng sinh con trong tương lai.

leftcenterrightdel
 Từ Tịnh Lôi là nghệ sĩ Hoa ngữ đầu tiên công khai đông lạnh trứng.

Với phát ngôn được cho là khá tiến bộ vào thời điểm đó, Từ Tịnh Lôi được biết đến là người đầu tiên trữ trứng trong làng giải trí Hoa ngữ. Sau đó, các phương tiện truyền thông tiết lộ rằng nhiều diễn viên Trung Quốc đại lục như Lý Băng Băng và Diệp Tuyền, cũng như các diễn viên Hong Kong như Thái Trác Nghiên và Dung Tổ Nhi cũng đã thực hiện thủ tục đông lạnh trứng.

Sau khi hiệu ứng người nổi tiếng đông lạnh trứng, những phụ nữ ẩn danh đã lên mạng hoặc phương tiện truyền thông để chia sẻ kinh nghiệm đông lạnh trứng của họ ở Mỹ, thúc đẩy nhiều đơn vị môi giới trung gian ra đời.

Báo cáo năm 2023 của Trung Quốc về ART, do nhà kinh tế nổi tiếng Trung Quốc Ren Zeping công bố vào tháng 2, cho thấy hơn 60% số người được hỏi hy vọng duy trì khả năng sinh sản thông qua đông lạnh trứng, phổ biến với người trong độ tuổi từ 30 đến 34, nhất là những người có học vị cao.

Những người ủng hộ việc cho phụ nữ độc thân đông lạnh trứng cho rằng đây là cách tôn trọng và đảm bảo quyền sinh sản của phụ nữ, cũng như giúp họ cân bằng giữa sự nghiệp và gia đình, có thể sinh con khi họ có nhiều khả năng nuôi nấng hơn.

Những người phản đối đông lạnh trứng lập luận rằng phụ nữ chọn đông lạnh trứng có khả năng sẽ thuê mang thai hộ khi họ lớn tuổi và muốn có con, thậm chí có thể thúc đẩy hợp pháp hóa việc mang thai hộ - giống như cách họ đã làm với đông lạnh trứng.

Từ Tịnh Lôi đã gây tranh cãi vào năm 2017 khi công khai tuyên bố rằng rất có thể cô sẽ chọn phương pháp mang thai hộ để có con. Trong khi đó, nữ diễn viên Trịnh Sảng cũng bị "phong sát" ở Trung Quốc khi có con nhờ mang thai hộ.

Trong một cuộc phỏng vấn với China Red Star News vào tháng 3/2023, Liu Xin, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Luật và Đạo đức Y tế tại Đại học Khoa học Chính trị và Luật Trung Quốc, cho biết đông lạnh trứng và mang thai hộ là hai vấn đề khác nhau.

Liu tin rằng nhiều phụ nữ hiện phải đối mặt với áp lực nghề nghiệp và khó tìm được bạn đời phù hợp, nhưng không loại trừ khả năng kết hôn và sinh con trong tương lai.

Thế nhưng, cách đây 2 năm, trong một cuộc phỏng vấn, Liu đã bày tỏ thái độ hoàn toàn khác. Vào tháng 1/2021, ông nói rằng việc hợp pháp hóa trứng đông lạnh cho phụ nữ độc thân sẽ tạo ra nhiều vấn đề hơn, chẳng hạn như khuyến khích sự gia tăng của việc mang thai hộ.

Nhiều người như Liu đã thay đổi thái độ do áp lực sinh sản và xã hội ngày càng lớn ở Trung Quốc trong những năm gần đây, khi tỷ lệ sinh giảm và phụ nữ ít muốn sinh con hơn, an ninh dân số đang trở thành một vấn đề cấp bách.

Theo zingnews