leftcenterrightdel

Tiến sĩ Uğur Şahin, 56 tuổi. Ảnh: Anadolu Agency/Getty Images 

Tính đến tháng 8/2021, vaccine của Pfizer/BioNTech đã được cấp phép sử dụng tại 111 quốc gia và vùng lãnh thổ, được Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đưa vào danh sách sử dụng khẩn cấp hồi cuối năm 2020. Đến nay, vaccine này đã được sử dụng tại 97 quốc gia với khoảng 850 triệu liều.

Đam mê bất tận

Tiến sĩ Uğur Şahin, 56 tuổi, sinh ra ở Iskenderun, Thổ Nhĩ Kỳ. Khi ông lên 4, gia đình chuyển đến Cologne, Đức. Şahin ấp ủ ước mơ "mặc áo blouse trắng", sau đó trở thành bác sĩ tại Đại học Cologne. Năm 1993, ông lấy bằng tiến sĩ tại trường với công trình nghiên cứu liệu pháp miễn dịch trong tế bào khối u.

Khi mới bắt đầu sự nghiệp, Şahin gặp Özlem Türeci. Bà đã sớm muốn trở thành nữ tu sĩ nhưng cuối cùng lại bắt đầu học y khoa. Tiến sĩ Türeci, hiện 54 tuổi, là Giám đốc Y tế của BioNTech. Bà sinh ra ở Đức, là con gái của một bác sĩ Thổ Nhĩ Kỳ nhập cư từ Istanbul.

Ban đầu, cả hai tập trung vào nghiên cứu và giảng dạy, bao gồm cả tại Đại học Zurich, nơi Şahin làm việc trong phòng thí nghiệm của Rolf Zinkernagel, người đã giành giải Nobel Y học năm 1996.

Năm 2001, cặp đôi thành lập công ty dược phẩm Ganymed, chuyên phát triển các loại thuốc điều trị ung thư bằng cách sử dụng các kháng thể đơn dòng.

Năm 2002 Şahin và Türeci kết hôn. Cặp đôi đón con gái đầu lòng 4 năm sau đó.

leftcenterrightdel
 Tiến sĩ Özlem Türeci đồng sáng lập BioNTech cùng với chồng của bà. Ảnh: AP

Năm 2008, cả hai thành lập BioNTech nhằm nghiên cứu nhiều loại công nghệ hơn, bao gồm mRNA với cơ chế dạy các tế bào trong cơ thể cách tạo ra một protein hay chỉ là một mảnh protein, kích hoạt phản ứng miễn dịch bên trong cơ thể con người. Ngoài ra, vợ chồng tiến sĩ còn mong muốn dựng một công ty dược phẩm lớn của châu Âu.

Trước đại dịch Covid-19, BioNTech vẫn đang trên đà phát triển. Công ty đã huy động được hàng trăm triệu USD và hiện có hơn 1.800 nhân viên, với các văn phòng ở Berlin, các thành phố khác của Đức và Cambridge, Mass. Năm 2018, công ty bắt đầu hợp tác với Pfizer. Năm 2019, Quỹ Bill & Melinda Gates đã đầu tư 55 triệu USD để tài trợ điều trị HIV và bệnh lao. Cũng trong năm 2019, Tiến sĩ Şahin nhận Giải thưởng Mustafa - giải thưởng của Iran dành cho người Hồi giáo trong lĩnh vực khoa học và công nghệ.

Năm 2016, cặp đôi này bán Ganymed với giá 1,4 tỷ USD. Những tháng cuối năm 2020, giá cổ phiếu của BioTech đã tăng lên 21 tỷ USD, đôi vợ chồng trở thành một trong những người giàu nhất nước Đức.

Hành trình nghiên cứu vaccine Covid-19 trong 11 tháng

"Không có quá nhiều công ty trên thế giới có đủ năng lực và khả năng để chế tạo vaccine nhanh như chúng tôi. Vì vậy, cảm giác đó không phải là cơ hội mà là nghĩa vụ, bởi vì tôi nhận ra rằng chúng tôi có thể là trong số những người đầu tiên tạo ra vaccine".

Tiến sĩ Uğur Şahin nói trong một cuộc phỏng vấn hồi tháng 10/2020

Nhiều năm kinh nghiệm nghiên cứu mRNA trở nên hữu ích khi tin tức về virus SARS-CoV-2 bùng nổ vào đầu năm 2020. Theo đó, BioNTech bắt đầu nghiên cứu vaccine Covid-19 vào tháng 1/2020, thời điểm SARS-CoV-2 đang lây lan nhanh chóng ở các vùng của Trung Quốc sau khi Şahin đọc một bài báo trên tạp chí y khoa The Lancet. Ông tin rằng loại virus này sẽ nhanh chóng bùng phát thành một đại dịch lớn. Các nhà khoa học tại BioNTech có trụ sở tại Mainz, Đức, đã hủy bỏ các kỳ nghỉ và bắt tay vào thực hiện chiến dịch nghiên cứu.

Công ty dược phẩm Mỹ Pfizer, trước đó đã hợp tác với BioNTech về vaccine cúm, nhanh chóng được thuyết phục giúp đỡ chi phí phát triển và phân phối vaccine Covid-19. Đến tháng 3, khi Đức bước vào đợt đóng cửa đầu tiên do đại dịch, BioNTech đã phát triển được 20 ứng cử viên vaccine và tiếp tục thử nghiệm 5 ứng viên về phản ứng miễn dịch trong chương trình nghiên với sự tham gia của 500 nhà khoa học mang tên Lightspeed.

leftcenterrightdel
Vợ chồng nhà khoa học Özlem Türeci và Uğur Şahin trò chuyện với Giám đốc điều hành Axel Springer Matthias Döpfner về vaccine Covid-19. Ảnh: WELT 

Bước đột phá vào đầu tháng 11/2020, một phân tích tạm thời cho thấy trong các thử nghiệm trên toàn cầu, ứng cử viên vaccine của BioNTech có hiệu quả 90% với việc bảo vệ cơ thể trước sự lây truyền của virus, tốt hơn so với hầu hết các chuyên gia hy vọng.

Vào lúc đó, được hỏi liệu khi nào ông sẽ tiêm vaccine, Şahin nói với trang tin Business Insider của Đức: "Ngay sau khi vaccine được cấp phép, tôi sẽ là một trong những người đầu tiên làm điều đó. Nhưng trước hết chúng ta phải đảm bảo rằng vaccine đến được với những người cần nó nhất: đặc biệt là người già, người có bệnh và nhân viên y tế".

Chỉ trong vòng chưa đầy 1 năm, vaccine sử dụng công nghệ mRNA mà BioNTech cùng hãng dược phẩm Pfizer của Mỹ phát triển đã được cấp phép sử dụng tại Anh. Nó cũng trở thành loại vaccine đầu tiên được Mỹ phê duyệt 1 tuần sau đó. Cuối tháng 12/2020, vaccine Pfizer/BioNTech được Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đưa vào danh sách sử dụng khẩn cấp.

leftcenterrightdel
Vợ chồng nhà khoa học Uğur Şahin và Özlem Türeci được nhận Huân chương danh dự của nước Đức. Ảnh: AP 

Tháng 3/2021, Tổng thống Đức đã trao Huân chương Danh dự - huân chương cao quý nhất của đất nước - cho vợ chồng nhà khoa học Uğur Şahin và Özlem Türeci vì đã phát minh ra vaccine Covid-19 hiệu quả đầu tiên trên thế giới.

"Thay mặt cho đất nước chúng tôi, tôi xin cảm ơn vì những thành tựu khoa học xuất sắc của các bạn. Tôi mong rằng các kế hoạch nghiên cứu lớn hơn nữa sẽ mang lại những thành công đột phá tương tự cho các bạn và cho tất cả chúng ta", Tổng thống Đức nói tại buổi lễ.

Kết hợp cuộc sống thường nhật với cuộc sống chuyên môn

Mặc dù là những người giàu có, hai nhà khoa học sống vẫn cùng con gái trong một căn hộ khiêm tốn gần văn phòng. Họ đi xe đạp đến chỗ làm và không có xe hơi. Khi đến tham dự các cuộc họp lớn, ông Şahin vẫn mặc quần jeans, đội mũ bảo hiểm, đi xe đạp và mang balô.

Matthias Kromayer, thành viên Hội đồng quản trị Công ty đầu tư mạo hiểm MIG AG, nhận xét: "Dù đạt được thành tựu nhưng ông ấy luôn tỏ ra khiêm tốn và thân thiện".

"Şahin là một người rất độc đáo. Ông ấy chỉ quan tâm đến khoa học. Thảo luận về kinh doanh không phải là điều Şahin thích. Ông ấy là một nhà khoa học và là một người có nguyên tắc. Tôi tin tưởng ông ấy 100%" ông Bourla, giám đốc điều hành của Pfizer, nói trong một cuộc phỏng vấn hồi năm 2020.

Kể về cơ duyên gặp gỡ, bà Tureci cho biết chính khoa học đã kết nối hai người. Türeci gặp chồng tại một khoa điều trị ung thư, khi đó bà là một bác sĩ trẻ, vẫn đang học trường y khoa. Họ gặp nhau ở một trong những thế giới đều quan trọng với cả hai, đó là thế giới chăm sóc bệnh nhân, điều trị bệnh nhân ung thư. Họ sớm phát hiện ra rằng có một thế giới thứ hai mà họ thích, đó là thế giới khoa học.

leftcenterrightdel
Vợ chồng nhà khoa học Uğur Şahin và Özlem Türeci trong TED talk tháng 7/2021 

"Chúng tôi bị ám ảnh bởi cùng một tình huống khó xử. Trong khi chúng tôi không thể làm nhiều cho các bệnh nhân ung thư, thì có rất nhiều công nghệ tiềm năng mà chúng tôi bắt gặp trong phòng thí nghiệm có thể giải quyết vấn đề này. Vì vậy, một trong những tầm nhìn chung của chúng tôi là làm cầu nối để giải quyết tình trạng này, bằng cách làm việc để mang khoa học và công nghệ đến với nhau nhanh chóng", bà Türeci nói trong TED Talk hồi tháng 7/2021.

Chia sẻ về lễ cưới vào năm 2001, sau khi mới thành lập công ty, Türeci kể lại ngày cưới được chọn và sau đó đám cưới diễn ra nhanh chóng. Họ quay trở lại phòng thí nghiệm ngay sau lễ cưới, các khách mời trong đám cưới cơ bản đều là thành viên trong nhóm nghiên cứu. Cặp đôi không muốn bỏ lỡ thời gian trong việc nghiên cứu khoa học, cho dù đó là ngày cưới của mình.

leftcenterrightdel
 Vợ chồng nhà khoa học Uğur Şahin và Özlem Türeci

"Chúng tôi thực sự là hai nhà khoa học. Chúng tôi thật sự cảm thấy yêu thích những điều chúng tôi làm. Cả hai chúng tôi đều biết cân bằng công việc và cuộc sống. Đối với chúng tôi, đó thực sự là một đặc ân khi trở thành nhà khoa học, được làm những gì mình yêu thích. Do đó, chúng tôi kết hợp cuộc sống thường nhật với cuộc sống chuyên môn. Điều này là khá bình thường với chúng tôi".

Lời chia sẻ của ông Uğur Şahin, nhà khoa học phát triển vaccine Pfizer/BioNTech

Kim Ngọc (Theo The New York Times, The Guardian, TED Talk)