Đàn bà phiêu lưu ký
Cập nhật lúc 23:46, Thứ hai, 22/05/2023 (GMT+7)
Phiêu lưu khiến người ta vui. Nhưng có lẽ họ quên rằng dù có vui cỡ nào cũng chỉ nên phiêu lưu trong giới hạn.
Câu chuyện một phụ nữ Trung Quốc tên Tô Mẫn một mình một xe thực hiện chuyến du hành của đời mình từng gây sốt mạng xã hội. Bà đi chỉ vì một sáng nào đó chợt cảm thấy cần có một sự lựa chọn cho bản thân nên vùng lên bắt đầu một cuộc phiêu lưu - mà như ngôn ngữ của đàn bà gần đây hay kêu gọi: sống vì mình…
Chuyến lên đường vui chơi của người phụ nữ mang tên Tô Mẫn kia thực ra chỉ là đoạn kết của một hành trình - hành trình những người phụ nữ tự nhận thức, tự thay đổi, tự biết cách điều chỉnh một cuộc sống vốn quá nhiều áp đặt. Đó là một hành trình đầy chất phiêu lưu nhưng khiến họ cảm thấy mình “được sống”. Tuy vậy, không phải ai cũng định nghĩa sự “phiêu lưu” như Tô Mẫn.
|
|
Ảnh mang tính minh họa - Shutterstock |
Từ những câu nói tự động viên chính mình
Trong buổi gặp mặt cuối năm của một nhóm kết nối doanh nghiệp, chị Thương - một nữ doanh nhân chuyên nhập khẩu bánh kẹo - được mời chia sẻ câu chuyện khởi nghiệp của mình. Chị nói nhẹ bẫng: “Tôi bắt đầu từ bạo hành gia đình mà đi thôi…”.
Những phụ nữ hôm ấy lặng yên bởi nói câu nào cũng sợ chạm vào những gì chị Thương đang chôn giấu. Nhưng, từ những khó khăn trong cuộc hôn nhân đó, chị Thương đã ngộ ra rồi thay đổi mình.
Chị kể, lấy nhau được 5 tháng, lúc chị đang trong cơn nghén, anh tát chị 1 cái vì chị làm rơi mất nhẫn cưới. Sau đó, như một thói quen, anh tiện tay là tát vợ, ném và đập phá đồ đạc trong nhà. Một ngày, chị như bừng tỉnh khi bắt gặp cái nhìn oán trách của đứa con trai 10 tuổi ném về phía cha mình. Chị nghĩ mình phải thay đổi nếu muốn giữ gia đình này, giữ hình ảnh người cha đáng kính cho con.
Chị nhớ như in lần mình vung tay lên nắm chặt tay anh khi anh lại định tát vào mặt chị như bao lần.
Mắt chị cương quyết nhìn anh như muốn nói “Nếu không buông xuống, anh sẽ mất tất cả”. Lúc ấy, chị tự động viên mình: “Sẽ ổn, không sao cả…” và anh bỏ tay xuống thật.
Nói thì chỉ vài câu nhưng cái bỏ tay xuống của anh và lời thì thầm từ bên trong chính là bước ngoặt lớn để chị thay đổi chính mình, bắt đầu một hành trình mới từ việc chấm dứt những cái tát tai vô cớ đến việc khởi nghiệp. Với chị Thương, đó chính là một hành trình nhiều cảm xúc.
Nhìn cánh tay anh hạ xuống, chị nhủ thầm, có bấy nhiêu thôi mà mình chịu đựng hơn 10 năm. Mà anh đã chịu hạ tay xuống rồi thì việc gì mình làm chẳng được. Năm đó, chị xin chuyển từ nhân viên kế toán ra bán hàng trực tiếp. Rồi chị lại nghĩ sao không bắt đầu tăng kết nối để có thể làm gì đó cho mình sau này; để thấy cuộc đời mình rộng hơn, làm được nhiều thứ hơn… dù với chị, đó cũng là một cuộc phiêu lưu đầy may rủi.
Với nhiều phụ nữ, việc rẽ trái hay phải trước một ngã tư cũng khiến họ đắn đo suy tính. Thế nên bước qua những trận bạo hành, bước qua những thiệt hơn được mất của công việc, nhận ra mình cần gì… đôi khi là một cuộc phiêu lưu ngoài mong đợi.
Đến những cuộc phiêu lưu ái tình
“Đàn bà ngoài 40 mà yêu là yêu thảng thốt, yêu giật mình…” - câu nói đùa đó có vẻ chưa bao giờ sai với những người đàn bà… bỗng dưng yêu lại. Yêu, với họ, cứ như là một công cuộc tìm lại cuộc đời mình. Họ yêu sau bao tổn thương, sau một thời gian dài sợ cành cong, sợ quãng đời đầy nước mắt có khi lặp lại… Thế nhưng, họ vẫn yêu. Thậm chí những cuộc phiêu lưu cảm xúc chưa bao giờ dừng lại dù họ đang ở độ tuổi nào.
Ở đàn bà dường như chứa đựng cả sự quả cảm lẫn phiêu lưu. Thế nên những cuộc phiêu lưu ái tình đôi khi lại là một liều thuốc hồi sinh cuộc đời họ. Đừng nhìn bề ngoài mà trách cứ người đàn bà đang yêu đó.
Một khóa học về tâm lý dành cho phụ nữ do một công ty chuyên tư vấn tâm lý tổ chức được xem như một buổi nói thật về chính mình. Hầu như tất cả phụ nữ tham gia đều có một câu chuyện để kể. Có thể đó không phải là những cơn yêu đương tan cửa nát nhà mà chỉ là “cơn say nắng”. Vậy mà đó lại là những cái phao cho họ bấu víu.
Hỏi Liên - một chủ doanh nghiệp nhập khẩu có mặt trong buổi học - rằng chị không sợ điều tiếng gì sao thì chị bảo đó là cảm xúc. Chị quý những cảm xúc đó. Nhờ chúng, chị mới đủ mạnh mẽ đi qua cuộc hôn nhân xám xịt của mình. Song, giọng chị lại chùng xuống: “Tôi chưa bao giờ cổ xúy cho những mối quan hệ mang tính phiêu lưu vì đó là sự vi phạm đạo đức theo những định nghĩa thông thường của xã hội. Ngay bản thân tôi cũng day dứt triền miên. Xin đừng như tôi, hãy kết thúc mọi thứ không thuộc về mình rồi viết tiếp chương mới bởi bạn có quyền sống vì mình nhưng lại không thể chỉ vì mình” - chị chia sẻ thêm.
Khi biết tin H. (nhân vật xin giấu tên) bỏ nhà đi theo một anh chàng công nhân trong xưởng của chồng mình, cả con hẻm nhỏ xào xáo, bao lời đàm tiếu miệt thị H. vang lên từ quán cà phê đầu hẻm đến quán cơm tấm nằm sâu trong hẻm. Chỉ có mẹ chị lặng lẽ nói: “Cứ để nó vui vài hôm dù có bốc đồng, rồi nó sẽ biết nơi nào cần quay về”.
Lời của người phụ nữ ngoài 70 tuổi khiến những lời bàn tán của nhóm đàn bà chùng xuống. Họ đang sống trong vẻ ấm êm hạnh phúc nhưng liệu họ có vui không? Dù vậy, nếu chọn những cuộc vui ngắn ngủi đó, họ sẽ được gì hay mất mát nhiều hơn?
Và những cuộc lên đường nhân danh 2 chữ "vì mình"
Chưa bao giờ cụm từ “sống vì mình” nở rộ như lúc này, thậm chí trở thành hashtag kêu gọi mọi người trên mạng xã hội. Song, chưa một ai định nghĩa được sống vì mình là sống như thế nào.
Ăn một miếng ngon, họ cũng tự ru ngủ là vì thương mình. Đi đâu dăm ba ngày họ cũng cho rằng đó là sống vì mình. Bởi thế, bên trong mỗi người đàn bà, càng ngày mầm mống thoát ly dường như càng lớn dần. Họ cứ nuôi nấng nó rồi chờ ngày bùng nổ. Mà một khi đã bùng nổ, họ dường như bất chấp, không có điểm dừng.
Người phụ nữ mang tên Tô Mẫn thấy rằng cả đời mình đã chôn chân trong những cuộc chèn ép vô lý của đàn ông - từ 2 cậu em trai đến cuộc hôn nhân dài thăm thẳm. Bà muốn đi chơi đây đó một mình, tận hưởng những ngày tự do riêng mình; chụp hình; viết lách… Theo bà, đó chính là sống cho mình. Còn chúng ta, chúng ta chọn cho mình cuộc phiêu lưu nào?
Bạn có nhớ truyện ngụ ngôn Aesop Ếch và chuột? Những sợi dây vô hình dường như trói chặt những bước chân đàn bà, ràng rịt bao nhiêu thứ bởi những lời ngon ngọt như ếch rủ chuột chịu trói cùng mình.
Từ những cuộc tự động viên bản thân thoát ly khỏi những ấm ức, từ những phút lòng tròng trành bởi những niềm vui bên ngoài…, dọn cho mình một cuộc thoát ly khỏi gia đình, khỏi những ràng buộc đời thường là việc sớm muộn gì cũng xảy ra. Mô típ hãy yêu lấy mình dường như ngày càng đẩy đàn bà ra xa khỏi những định nghĩa thực tế của cuộc sống.
Phiêu lưu khiến người ta vui. Nhưng có lẽ họ quên rằng dù có vui cỡ nào cũng chỉ nên phiêu lưu trong giới hạn.
Theo phụ nữ TPHCM