leftcenterrightdel
 Những gia đình theo truyền thống ở Trung Quốc coi ly hôn là điều cấm kỵ, nhất là với phụ nữ. Ảnh minh họa: Lebanese weddings. 

Cally Fan, mẹ đơn thân người Trung Quốc, chưa bao giờ tưởng tượng việc đăng tải thông tin ly hôn trên mạng xã hội sẽ thay đổi cuộc đời cô theo hướng tích cực.

“Tôi chỉ muốn có nơi để giãi bày những suy nghĩ và cảm xúc của mình trong suốt quá trình ly hôn”, cô nói với ABC News.

Bị chồng cũ phản bội, người phụ nữ 35 tuổi chia sẻ tất cả trải nghiệm của mình, từ tìm luật sư, nói chuyện với con cái đến thuyết phục cha mẹ có tư tưởng bảo thủ.

“Khi tôi đưa ra quyết định, không ai ủng hộ, kể cả gia đình. Mẹ tôi nói rằng ly hôn là điều tai tiếng trong gia đình theo truyền thống Trung Quốc, là nỗi xấu hổ không thể tiết lộ với người ngoài”, cô nhớ lại.

Hai năm sau khi kết thúc cuộc hôn nhân kéo dài 10 năm, Fan sống rất hạnh phúc.

Cô có hơn 15.000 người theo dõi trên mạng xã hội và xây dựng dịch vụ tư vấn hôn nhân dựa trên sự nổi tiếng của mình.

Fan cố gắng trao quyền cho phụ nữ Trung Quốc cân nhắc chuyện hôn nhân một cách hợp lý, thay vì khuyến khích họ ly hôn. Kể từ khi đủ điều kiện làm cố vấn và mở doanh nghiệp vào năm 2022, cô cung cấp dịch vụ cho hơn 700 phụ nữ.

“Mục đích ban đầu của tôi là giúp đỡ phụ nữ từ trải nghiệm ly hôn của chính mình. Tôi muốn họ cảm thấy không đơn độc, được thấu hiểu và đồng cảm với những khó khăn đang trải qua”, cô nói.

leftcenterrightdel
 Cally Fan mở dịch vụ tư vấn hôn nhân sau khi bất ngờ nổi tiếng nhờ chia sẻ về quá trình ly hôn của mình. Ảnh:Cally Fan. 

Thách thức định kiến

ỞTrung Quốc, ly hôn vẫn là điều cấm kỵ trong xã hội và không được thảo luận công khai.

Tỷ lệ ly hôn ở quốc gia này đạt đỉnh vào năm 2019, sau đó giảm nhẹ, nhưng dữ liệu từ Bộ Nội vụ Trung Quốc cho thấy tỷ lệ đang gia tăng trở lại.

Hơn 3 triệu cặp vợ chồng ly hôn trong 9 tháng đầu năm 2022, theo số liệu gần đây nhất. So với dữ liệu cùng kỳ năm trước, con số tăng khoảng 200.000.

Nhận thức tiêu cực về phụ nữ ly hôn ở Trung Quốc có thể bao gồm việc họ thiếu đạo đức, lăng nhăng và không giữ được gia đình.

Tuy nhiên, ngày càng có nhiều phụ nữ sử dụng mạng xã hội để thách thức thái độ kỳ thị và thay đổi định kiến. Họ đăng tải về cuộc sống hạnh phúc hậu ly hôn, thậm chí một số còn gọi đơn ly hôn là “giấy chứng nhận hạnh phúc”.

Các cuộc thảo luận trực tuyến về cách đấu tranh giành quyền nuôi con, thu thập bằng chứng ngoại tình và đối phó với sự tổn thương,... cũng được chia sẻ.

Nắm bắt xu hướng mới, nhiều nhiếp ảnh gia Trung Quốc bắt đầu thực hiện “bộ ảnh ly hôn”, trong khi các nhà tổ chức đám cưới cung cấp dịch vụ “tiệc ly hôn”.

Trên mạng xã hội Red, video ghi lại hình ảnh trong tiệc ly hôn của người phụ nữ tên Neishuang Wushuang thu hút hơn 150.000 lượt thích và 7.000 bình luận. Trong đó, cô tuyên bố ly hôn khi mặc váy cưới, trước sự chứng kiến của bố mẹ và bạn bè.

“Hôn nhân đổ vỡ không có nghĩa là thất bại trong cuộc sống. Điều quan trọng là luôn có niềm tin vào tình yêu và can đảm để độc thân”, chủ nhân bữa tiệc vừa khóc vừa nói.

leftcenterrightdel
Neishuang Wushuang, người có ảnh hưởng trên mạng xã hội, gây chú ý khi mặc váy cưới đến tiệc ly hôn của chính mình. Ảnh:@Neishuang Wushuang.  

Đối với Delia Lin, phó giáo sư nghiên cứu về Trung Quốc tại Đại học Melbourne (Australia), việc thấy phụ nữ chia sẻ kinh nghiệm ly hôn là “xu hướng tuyệt vời”.

“Điều đó cho thấy phụ nữ cảm thấy thoải mái hơn khi chia sẻ về trải nghiệm ‘tiêu cực’ trong hôn nhân. Vì vậy, ý tưởng về ‘cuộc hôn nhân hoàn hảo’ không phải là thứ mà họ đang phấn đấu”, bà nói.

Phụ nữ ở Trung Quốc có quyền ly hôn từ cuối những năm 1930. Sau đó, vào năm 1950, chính phủ nước này đưa ra luật hôn nhân đầu tiên làm rõ và luật hóa hơn nữa quyền ly hôn của phụ nữ.

Nhưng bất chấp điều này, nam giới luôn chiếm ưu thế trong việc khởi xướng ly hôn trong xã hội Trung Quốc, còn phụ nữ phải đối mặt với sự kỳ thị.

Trong cuộc cách mạng văn hóa, ly hôn được coi là hiện thân của sự suy đồi tư tưởng. Ngay cả sau khi nó kết thúc, phụ nữ bỏ chồng vẫn bị coi là có vấn đề.

Tuy nhiên, khi nền kinh tế Trung Quốc phát triển, cùng với việc thực hiện chính sách cải cách và mở cửa, nhận thức về ly hôn dần thay đổi theo hướng bớt cực đoan hơn.

Sau tỷ lệ ly hôn cao kỷ lục vào năm 2019, chính phủ Trung Quốc công bố thời gian tạm hoãn ly hôn, yêu cầu tất cả cặp vợ chồng phải đợi 30 ngày trước khi tiến hành ly hôn.

Trở ngại vẫn còn

Phân tích về dữ liệu hôn nhân của Bộ Nội vụ Trung Quốc do công ty dữ liệu CEIC có trụ sở tại Hong Kong thực hiện cho thấy trong khi tỷ lệ ly hôn đang gia tăng, số lượng người kết hôn lại giảm.

Zhou Yun, trợ lý giáo sư về nhân khẩu học xã hội và xã hội học gia đình tại Đại học Michigan (Mỹ), cho biết đây là vấn đề đối với Bắc Kinh, nơi coi các gia đình kết hôn khác giới là chìa khóa cho sự ổn định xã hội.

“Trung Quốc tiếp tục nhấn mạnh và khuyến khích ý thức về gia đình dị chuẩn. Một cặp vợ chồng khác giới kết hôn và có con được coi là phần không thể thiếu hoặc cơ bản vì sự ổn định xã hội”, TS Zhou nói.

Kết quả là phụ nữ vẫn phải chịu những trở ngại về mặt pháp lý và xã hội đối với việc ly hôn.

“Phụ nữ vẫn được cho là sẽ kết hôn với đàn ông hoặc sinh con. Theo quan sát xu hướng trên mạng, ý tưởng phụ nữ hỗ trợ lẫn nhau cũng là phản ứng đối với sự kỳ thị phổ biến ở cấp độ xã hội và những trở ngại pháp lý mà nữ giới tiếp tục phải đối mặt”, bà cho hay.

leftcenterrightdel
Thách thức vẫn còn nhưng nhiều phụ nữ như Qunyu Liu chọn lên tiếng về việc ly hôn trên mạng xã hội. Ảnh: Qunyu Liu.  

Theo dữ liệu do Tòa án Tối cao Trung Quốc công bố năm 2018, 73,4% vụ kiện ly hôn ở Trung Quốc do phụ nữ đệ đơn, nhưng họ có thể rất khó tìm được đại diện pháp lý.

Cally Fan cho biết cô phải tìm đến gần 20 luật sư để được giúp đỡ trong vụ ly hôn của mình. Điều này đã gây áp lực lớn về tinh thần và tài chính cho cô.

Nhưng TS Zhou cho biết sự can đảm của phụ nữ khi thảo luận về việc ly hôn một cách cởi mở giúp thay đổi các giá trị xã hội của Trung Quốc. Đó cũng là một phần của xu hướng “phụ nữ giúp đỡ nhau” rộng lớn hơn xuất hiện trực tuyến ở Trung Quốc trong những năm gần đây.

“Ở cấp độ cá nhân, xu hướng này phản ánh những lý tưởng về gia đình và vị trí của phụ nữ trên thế giới cũng như bản thân họ đã phát triển như thế nào. Ở cấp độ xã hội, sự phát triển kinh tế giúp tăng việc làm và trình độ học vấn của phụ nữ. Vì vậy, những gì được coi là gia đình lý tưởng hoặc hành vi chấp nhận được đối với phụ nữ cũng dần thay đổi”.

Liu Qunyu (48 tuổi, sống ở tỉnh Sơn Đông) bắt đầu chia sẻ trải nghiệm ly hôn của mình trên mạng vào tháng 2/2023.

“Bây giờ phụ nữ ở Trung Quốc đang thức tỉnh và tôi là một trong số đó. Tôi hy vọng các bài đăng của mình có thể cung cấp sức mạnh cho những người đang bị giằng xé ở giữa cuộc ly hôn”.

Theo zingnews