leftcenterrightdel
 Hàn Quốc là quốc gia có tiêu chuẩn cái đẹp khắt khe. Ảnh minh họa:Naver.

Tại Seoul (Hàn Quốc), thủ phủ làm đẹp của thế giới, bác sĩ phẫu thuật giảm giá cho các sinh viên mới tốt nghiệp đại học hay thậm chí học sinh trung học để họ sẵn sàng cho thị trường việc làm; công ty tuyển dụng thường yêu cầu người xin việc đính kèm hồ sơ một bức ảnh cũng như cân nặng, chiều cao.

Theo một cuộc thăm dò năm 2020 của Gallup Korea, 1/3 phụ nữ Hàn Quốc trong độ tuổi 19-39 từng thực hiện một loại phẫu thuật thẩm mỹ - 66% cho biết sẽ dao kéo để cải thiện cơ hội kết hôn. Đáng lo ngại hơn, một cuộc khảo sát năm 2007 của nhãn hàng Dove cho thấy cứ 4 bà mẹ xứ củ sâm thì có 1 người khuyên con gái trong độ tuổi 12-16 đi dao kéo, theo Insider.

Tuy nhiên, với một số phụ nữ Hàn Quốc, như vậy là quá đủ. Kể từ năm 2018, hàng trăm nghìn người chia sẻ lên mạng xã hội các bức ảnh cắt đi mái tóc dài, đập phá đồ trang điểm. Họ ra đường trong bộ quần áo rộng và đeo kính, ủng hộ phong trào "Escape the Corset".

"Tôi xem nó như một cuộc tổng đình công chống lại loại hình lao động (về thẩm mỹ) mà phụ nữ Hàn Quốc được cho phải làm", Elise Hu, tác giả cuốn sách Flawless: Lessons in Looks and Culture from the K-Beauty Capital về ngành làm đẹp trị giá 10 tỉ USD của Hàn Quốc, nhận xét.

Những phụ nữ Hu nói chuyện cùng trong cuốn sách cho biết họ đã chi 500-700 USD/tháng cho việc chăm sóc da. Một số người luôn theo dõi thời gian dành cho việc chăm chút ngoại hình để sẵn sàng xuất hiện trước mọi người. 

Khi từ bỏ đồ trang điểm, sản phẩm chăm sóc da và phương pháp điều trị thẩm mỹ, những người này cảm thấy "giải phóng được rất nhiều thời gian và năng lượng".

Hu cũng cho biết theo dữ liệu tiêu dùng từ Bộ Kinh tế và Tài chính Hàn Quốc, chi tiêu liên quan đến làm đẹp đã thực sự giảm trong phụ nữ Hàn Quốc ở độ tuổi 20 và họ cũng ít phẫu thuật thẩm mỹ hơn.

Giải thoát

ỞHàn Quốc, "đẹp" không chỉ là vẻ bề ngoài mà còn như một nhiệm vụ.

"Đáp ứng tiêu chuẩn tối thiểu về ngoại hình chỉ được coi là lịch sự. Nếu làm phẫu thuật thẩm mỹ, bạn không chỉ đẹp cho bản thân, đó còn là vấn đề tôn trọng những người khác trong cộng đồng", Hu giải thích.

Hu chuyển từ Washington D.C. (Mỹ) đến Seoul năm 2015 với tư cách là phóng viên quốc tế của NPR. Cô nhanh chóng hiểu cảm giác bất bình đẳng mà nhiều phụ nữ ở đây phải chịu. Những người lạ nhận xét về tàn nhang của Hu - "bạn biết là có nhiều cách để loại bỏ chúng chứ?" - và thân hình "ngoại cỡ" của cô.

Hu, từng là người mẫu catalogue, thường mặc size 8, đã phải đi đến một cửa hàng đặc biệt dành cho những người có thân hình lớn. Cô cho biết Hàn Quốc chỉ có một loại "freesize" - có thể so sánh với size 0 hoặc 2 ở Mỹ. Tuy nhiên, Hu cũng ghi nhận đang có một sự thay đổi chậm rãi, ổn định.

leftcenterrightdel
Theo một cuộc thăm dò năm 2020 của Gallup Korea, 1/3 phụ nữ Hàn Quốc trong độ tuổi 19-39 từng thực hiện một loại phẫu thuật thẩm mỹ. Ảnh:Ahn Young-joon/AP. 

Năm 2016, một người đàn ông sát hại một phụ nữ trẻ gần ga tàu điện ngầm Gangnam vì cảm thấy bị người khác giới "xem thường". Những ngày sau đó, rất nhiều phụ nữ giận dữ, thất vọng kéo đến tràn ngập ga tàu.

"Họ xuất hiện và dán những tấm biển nhiều màu, ghi thông điệp như 'Tôi chỉ tình cờ thoát được' hay 'Nạn nhân có thể là tôi'. Điều đó thực sự đã bắt đầu làn sóng nữ quyền mạnh mẽ mà tôi đã chứng kiến trong thời gian ở Hàn Quốc vào giữa những năm 2010", Hu kể.

"Và năm sau #MeToo xảy ra, kéo theo sự 'ngã ngựa' của nhiều nam giới nổi tiếng Hàn Quốc, phụ nữ tìm thấy tiếng nói của mình ở một đất nước có lịch sử gia trưởng và vẫn kéo dài đến ngày nay".

Đánh đổi

Theo một báo cáo về phong trào phụ nữ Hàn Quốc đăng trên một tạp chí học thuật về nghiên cứu giới Đông Á, số lượng người tham gia phong trào "Escape the Corset" là khoảng 300.000 người. Và họ phải từ bỏ rất nhiều thứ để giành được quyền tự chủ của mình.

Hơn 56% đàn ông Hàn Quốc cho biết họ sẽ chia tay nếu bạn gái là người ủng hộ nữ quyền.

leftcenterrightdel
 Nhiều phụ nữ Hàn Quốc cắt tóc ngắn, để mặt mộc ra đường nhằm phản đối tiêu chuẩn sắc đẹp do xã hội áp đặt. Ảnh minh họa:Reuters. 

"Thật dữ dội. Họ thực sự hy sinh các mối quan hệ gia đình, bởi họ có thể không được mời tham gia các cuộc họp mặt nữa. Họ hy sinh mối quan hệ với đồng nghiệp, có thể là cả cơ hội được tuyển dụng", Hu nói.

"Có một giáo viên vừa nói chuyện với tôi vào cuối tuần trước. Cô ấy kể học sinh liên tục hỏi tại sao cô ấy không để tóc dài hoặc chuẩn bị tươm tất vào buổi sáng. Đó mới chỉ là những học sinh cấp 1. Đây chính là vấn đề, khi chúng ta coi ngoại hình đẹp là vấn đề thuộc về trách nhiệm cá nhân".

Hu chia sẻ rằng cô vẫn còn hy vọng, cho phụ nữ ở Hàn Quốc, trên thế giới và cho những người đang cố gắng chống lại một xã hội coi ngoại hình là tất cả.

Theo zingnews