leftcenterrightdel
 Cựu sĩ quan không quân Hàn Quốc châm ngòi cho cuộc tranh luận về việc bắt buộc phụ nữ nhập ngũ để tăng tỉ lệ sinh

Ông Kim Hyung-chul, người đứng đầu Viện Quân sự Hàn Quốc - một tổ chức tư vấn trực thuộc Bộ Quốc phòng Hàn Quốc - cho biết nhập ngũ là cơ hội để nam giới và phụ nữ gặp gỡ, hòa nhập và thúc đẩy mối quan hệ của họ nhằm xây dựng một gia đình chuẩn của tương lai.

"Chúng ta đã đạt đến điểm mà phụ nữ cần phục vụ trong quân đội. Trong trường hợp đó, đàn ông và phụ nữ vẫn sẽ ngủ trong các phòng riêng biệt trong doanh trại, như họ sẽ sống cùng nhau như trong ký túc xá đại học. Từ đó, các cặp vợ chồng sẽ hình thành. Tình bạn thân thiết này có thể dẫn đến nhiều cuộc hôn nhân hơn, cuối cùng là sẽ sinh nhiều em bé hơn" - Kim nói với một kênh YouTube của Hàn Quốc hồi tháng Chín.

Theo luật Hàn Quốc, tất cả đàn ông khỏe mạnh phải phục vụ trong quân đội từ 18 - 21 tháng theo hệ thống nghĩa vụ quân sự trong khi phụ nữ có thể tình nguyện tham gia nghĩa vụ quân sự với tư cách là sĩ quan hoặc hạ sĩ quan.

Tuy nhiên, đề xuất của ông Kim đã gây ra phản ứng dữ dội trên phương tiện truyền thông xã hội, khi nhiều người cho rằng nghĩa vụ quân sự không nên được sử dụng như một bài tập mai mối và giải quyết vấn đề sinh con thấp ở nước này.

"Nếu một phụ nữ sắp gia nhập quân đội và hẹn hò, đừng lãng phí tiền thuế" - một người dùng viết. Người khác cho rằng, không nên "sử dụng quân đội như một công cụ để sinh con".

Theo dữ liệu từ Cơ quan Thống kê Hàn Quốc, tỉ lệ sinh của nước này, vốn đã thấp nhất thế giới, đã giảm xuống mức thấp kỷ lục vào năm 2023. Dự kiến tỉ suất sinh giảm xuống 0,72. Con số này thấp hơn nhiều so với 2,1 trẻ em cần thiết để duy trì dân số 51 triệu người của đất nước.

Hàn Quốc đã chi hàng tỉ đô la cho các chương trình, bao gồm phát tiền mặt và dịch vụ điều trị vô sinh, để khuyến khích công dân sinh thêm con trong nỗ lực đảo ngược tình trạng tỉ lệ sinh giảm mạnh. Nhưng những nỗ lực đã thất bại.

Trong một cuộc khảo sát của công ty nghiên cứu PMI hồi tháng Năm, khoảng 46% trong số 1.800 người được hỏi cho biết sự không chắc chắn về công việc hoặc chi phí giáo dục khiến họ ngại có con.

Theo phụ nữ TPHCM