Ngày 2.10.1925 là thời điểm rất đáng nhớ, không chỉ đối với cô diễn viên Josephine Baker mà còn với cả công chúng yêu nghệ thuật ở kinh đô ánh sáng Paris nữa. Trong buổi trình diễn vở tạp kịch Revue nègre tại thủ đô nước Pháp, Baker tự tin bước ra sân khấu và cũng từ đấy, tên tuổi của cô được công chúng Pháp nhắc đến rất nhiều.

Nhà phê bình nổi tiếng thời bấy giờ là André Levinson đã gọi Baker là "Nàng vệ nữ đen đã ám ảnh Baudelaire" (nhà thơ lãng mạn Pháp thế kỷ 19). Nhiều lời đồn đoán được tung ra tới tấp nhằm tìm hiểu những bí ẩn của cô gái da màu trẻ tuổi và đầy ấn tượng này. Cuối cùng, người ta biết rằng Josephine Baker sinh năm 1906 ở Saint Louis, thuộc bang Missouri, Hiệp chúng quốc Hoa Kỳ, mẹ là Carrie Mac Donald, một vũ nữ, lấy chồng - Eddie Carson - là một nhạc công sử dụng nhạc khí gõ. Mối quan hệ của hai người đầy sóng gió nhưng cuối cùng cũng cho ra đời một Josephine Baker.

 Josephine Baker, người phụ nữ da đen đầu tiên vào điện Pantheon - Ảnh 1.

Josephine Baker (1906-1975)

Khi Baker được năm tuổi, người đàn ông quất ngựa truy phong. Cô bé trở thành kẻ tội đồ trong suy nghĩ nông nổi của người mẹ. Carrie cho rằng vì sự ra đời của đứa con mà người đàn ông của bà đã bỏ ra đi (!). Từ đó, tuổi thơ Baker trải dài từ ngôi nhà bà ngoại đến nơi ở tạm bợ của người mẹ, rồi sau đó đến nhà cao cửa rộng của những ông chủ sẵn sàng sai cô bé tám tuổi vào bất cứ việc gì...

Sau khi Eddie ra đi thì bà Carrie cũng nhanh chóng tìm được một người đàn ông khác và cuộc hội ngộ lần này cho ra đời thêm 3 đứa trẻ nữa: Richard, Margaret và Willie Mac. Còn Baker, với cuộc sống lang thang nơi đường phố Saint Louis, đã khám phá ra điều kỳ diệu của các vũ điệu. Từ năm 12 tuổi, cô thường xuyên tổ chức những cuộc diễn dưới tầng hầm của ngôi nhà gia đình, dùng các tấm màn cũ kỹ che chắn "sân khấu" lại. Trong những cuộc diễn đó, cô tuyên bố với đám khán giả choai choai là những trẻ em trong cùng khu phố, rằng: "Tôi học vũ vì tôi bị... lạnh...".

Năm 13 tuổi, Baker phục vụ trong một quán bar có biểu diễn nhạc jazz và lấy một thanh niên tên Willie Wells rồi ly hôn chỉ vài tháng sau đó. Năm 15 tuổi cô kết thúc cuộc hôn nhân thứ nhì cũng bạo phát bạo tàn như cuộc hôn nhân trước.

Mùa hè năm 1925, Baker lọt vào mắt xanh của một nhà sản xuất phim ảnh tên Caroline Dudley đang hoạt động ở Paris (Pháp). Cô được tuyển với khoản lương 2.000 đô la Mỹ mỗi tuần, nhanh chóng chinh phục được khán giả Pháp và trở thành một trong những diễn viên kịch được yêu mến nhất tại Paris. Trong cuộc triển lãm thuộc địa tổ chức tại Paris năm 1931, cô được phong tặng là nữ hoàng của sự kiện trọng đại này.

 Josephine Baker, người phụ nữ da đen đầu tiên vào điện Pantheon - Ảnh 2.

Baker và người chồng sau Jo Bouillon

Năm 1939, thế chiến thứ hai bùng nổ, Baker giữ vai trò tích cực trong cuộc kháng chiến của nhân dân Pháp chống lại Đức quốc xã. Từ Paris, cô đi Bắc Phi, trình diễn khắp nơi, tiền thu được chuyển đến phong trào kháng chiến của tướng De Gaulle. Để tỏ lòng biết ơn Baker, người con gái Mỹ đã xả thân cho quê hương thứ hai là nước Pháp, chính phủ kháng chiến Pháp phong tặng cô cấp bậc thiếu úy trong đội nữ quân nhân thuộc quân lực Pháp và trao tặng cô huy chương kháng chiến vào năm 1946.

Thế chiến thứ hai kết thúc, Baker lập gia đình với nhạc trưởng Jo Bouillon vào năm 1947 và thành lập một ... mái ấm gia đình che chở cho các trẻ em bất hạnh bất luận màu da. Việc làm này không được Bouillon chia sẻ, anh ta sớm dứt áo ra đi.

Baker vẫn kiên trì với đàn con bất hạnh của mình, tìm mọi cách để nuôi chúng lớn lên Năm 69 tuổi (1975), Baker đồng ý trở lên sàn diễn ở Bobino trong một buổi diễn kỷ niệm 50 năm ngày vào nghề của bà. Song chỉ ba ngày sau, bà ngã gục vì cơn xuất huyết não...

Cả nước Pháp tổ chức lễ tang cho Baker. 20.000 người đứng lặng trước nhà thờ Madeleine ở Paris, nơi quàn chiếc quan tài của bà giữa đội lính danh dự. Người em cùng mẹ khác cha với bà là Margaret đã phát biểu trong nước mắt: "Tôi chưa bao giờ tin rằng có một người phụ nữ da màu sẽ được an táng ở Paris như một bà hoàng".

Ngày 30.11.2021, trong một buổi lễ trang trọng dưới sự chứng kiến của Tổng thống Pháp Emmanuel Macron, quan tài của Josephine Baker được đưa vào điện Pantheon, nơi dành cho những bậc anh hùng được vinh danh trên toàn nước Pháp.

Đây là vinh dự hiếm có, vì Baker là người phụ nữ da đen đầu tiên trong 6 người phụ nữ nhận được vinh dự này tại đền Pantheon. Tuy nhiên, thể theo nguyện vọng của gia đình Baker, hài cốt của bà không được mang đến Pantheon, mà ở đó chỉ có chiếc quan tài trống không mang tính tượng trưng (tin Reuters ngày 1.12.2021).

Theo Thanh niên