leftcenterrightdel
 Một căn phòng khách sạn được trang trí để phục vụ màn cầu hôn.

Khi Oh Hae-rim bắt đầu hướng đến hôn nhân, cô phát cáu khi nghĩ về số tiền khổng lồ cần chi cho sự kiện đánh dấu cột mốc quan trọng của cuộc đời. Cô tự nhủ sẽ hài lòng với chiếc nhẫn "khiêm tốn" và sẵn sàng săn lùng khắp nơi để có thể thuê địa điểm tổ chức hôn lễ với giá phải chăng.

Thế rồi, cuối cùng, cô nhân viên văn phòng 29 tuổi lại đặt trái tim mình vào một điều xa xỉ: một đêm lãng mạn tại một khách sạn sang trọng, nơi người chồng tương lai của cô sẽ ngỏ lời hẹn ước trăm năm.

leftcenterrightdel
Oh Hae-rim được bạn trai cầu hôn trong khách sạn Signiel Seoul. 

“Mọi người đều thích được cầu hôn tại khách sạn hơn”, Oh thừa nhận. “Đó là niềm mơ ước của hầu hết chị em phụ nữ".

Bạn trai của Oh đã chọn Signiel Seoul, một khách sạn sang trọng, nơi bán gói dịch vụ mang tên “Lời hứa vĩnh cửu” với hoa trang trí và rượu sâm panh có giá 1.200 USD (tương đương hơn 28 triệu đồng) một đêm, để thực hiện màn cầu hôn ấn tượng.

Oh sung sướng chụp ảnh những cánh hoa hồng và nến mà bạn trai đã chuẩn bị, đồng thời tạo dáng trước những quả bóng bay có chữ “Marry Me” và cầm một bó hoa. Cô đặt bên cạnh mình một chiếc túi của thương hiệu thời trang cao cấp Tiffany màu xanh có kèm theo một chiếc vòng cổ.

Theo một cuộc thăm dò gần đây của một người làm dịch vụ mai mối, hơn 40% phụ nữ Hàn Quốc muốn được cầu hôn tại khách sạn. Hơn 1/3 nam giới, trong cùng một cuộc khảo sát, đưa ra lý do “gánh nặng tài chính” để giải thích cho việc không muốn cầu hôn.

Ở Hàn Quốc, lời cầu hôn không cần quá độc đáo vì hầu hết các cặp đôi đều xin phép cha mẹ trước tiên, ấn định ngày cưới và đi mua nhẫn cùng nhau, sau đó mới tiến hành cầu hôn chính thức.

Hashtag cầu hôn ở khách sạn đã vượt quá 42.000 lượt trên mạng xã hội Instagram. Các bức ảnh cầu hôn thường có hoa, bóng bay, tấm biển “Làm vợ anh nhé” và ở trung tâm là một món đồ trang sức sang trọng hoặc một chiếc túi xách hàng hiệu.

Kim Jae-hyun đã vô cùng sửng sốt khi bạn gái cho anh xem ảnh chiếc túi xách Chanel mà bạn của cô nhận được trong màn cầu hôn lãng mạn tại một khách sạn. “Tôi bắt đầu nhẩm tính trong đầu tất cả những thứ đó sẽ có giá bao nhiêu”, anh nói. "Có lẽ ít nhất là 3.000 USD" (tương đương hơn 70 triệu đồng).

Sau khi uống rượu, Kim và bạn bè của anh, một số đã kết hôn, những người khác thì chưa, thảo luận xem liệu họ có đủ khả năng mua một chiếc túi Chanel hay không và liệu nó có thực sự cần thiết cho một màn cầu hôn hay không.

Những người bạn độc thân của Kim nghĩ rằng chỉ cần bày tỏ tình yêu chân thành trước khi ngỏ lời là đủ. Những người bạn đã kết hôn của anh thì không đồng ý. Họ cho rằng Kim có thể sẽ phải nghe lải nhải về việc anh không có lời cầu hôn trong suốt quãng đời còn lại.

Ban đầu, Kim dự định cầu hôn vào mùa hè này. Nhưng bây giờ anh đã quyết định đợi đến cuối năm. “Tôi cần một khoảng thời gian để tiết kiệm đủ tiền”, Kim nói.

leftcenterrightdel
 Anh chàng Ha Myung-eon đã chi khoảng 4.500 đô la cho một căn phòng, đồ trang trí, bữa tối và chiếc nhẫn. Anh phải đặt trước 6 tháng và sau đó thích thú đăng ảnh cầu hôn lên mạng xã hội.

Xu hướng cầu hôn trong khách sạn đã bắt đầu xuất hiện kể từ khi đại dịch Covid-19 bùng phát. Các đôi trẻ không thể đi du lịch ở nơi khác và muốn tránh những đám đông, nên họ chi tiền vào các khách sạn 5 sao và nhận ra đó là nơi lý tưởng để cầu hôn.

Grace Hong, một nhà tổ chức tiệc kỳ cựu, cho biết trước đại dịch, mỗi tháng, cô chỉ nhận được vài yêu cầu trợ giúp về các gợi ý cầu hôn trong khách sạn. Giờ đây, cô nhận được 20 đến 30 yêu cầu mỗi tháng. Cô tính mất khoảng 750 USD để trang trí phòng khách sạn bằng hoa và bóng bay.

“Tôi nói với họ rằng hãy cắt giảm tiền ăn trưa của bạn trong một tháng", cô cho biết

Để nửa kia có màn khoe cầu hôn ấn tượng trên mạng xã hội, Hong khuyên cánh mày râu nên đặt chỗ nào đó rộng rãi, vì đây là sự kiện chỉ có một lần trong đời.

Nhiều khách sạn cũng nhanh chóng "chớp thời cơ", tạo ra các gói dịch vụ để đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng.

Theo lời đại diện khách sạn Signiel, trung bình, gói “Lời hứa vĩnh cửu” của khách sạn này được đặt 38 lần một tháng, với nhu cầu cao nhất vào mùa xuân. Khách sạn này cũng đang có kế hoạch sớm tung ra một gói dịch vụ cầu hôn sang trọng hơn.

leftcenterrightdel
Bạn gái của Ha Myung-eon hạnh phúc khoe chiếc nhẫn cầu hôn. 

Conrad, một khách sạn 5 sao khác ở Seoul, cung cấp gói cầu hôn “All For Love” bao gồm bánh hình trái tim, hoa và rượu. Gói này được đưa ra vì nhiều khách hỏi về việc cầu hôn tại khách sạn.

Ha Myung-eon, một nhân viên văn phòng 30 tuổi, đã chi khoảng 4.500 USD (105 triệu đồng) cho một căn phòng, đồ trang trí, bữa tối và chiếc nhẫn. Anh đã đặt trước 6 tháng để có được giá tốt nhất.

Ha đặt 3 chiếc camera để ghi lại cảnh anh cầu hôn bạn gái. Anh đã tải những bức ảnh lên mạng xã hội và viết: “Cô ấy nói đồng ý!”.

“Tôi sẽ không nói dối. Đó là một gánh nặng tài chính”, Ha nói. “Nhưng bạn bè của tôi tỏ ra rất ghen tị, đặc biệt là những người bạn nữ của tôi”.

Minh Nhật/Nguồn: WSJ