Ra mắt vào năm 2016, Science Fuse thiết kế và cung cấp các hội thảo, khóa đào tạo và tài nguyên học tập nhằm cung cấp kiến thức khoa học và xây dựng niềm đam mê STEM cho trẻ em Pakistan, đặc biệt là trẻ em gái.
Niềm đam mê chớm nở
Lalah Rukh sinh ra và lớn lên ở Oslo, Na Uy. Cô bắt đầu đam mê khoa học ở tuổi 12 sau khi đọc một bài báo về y học cá nhân hóa trên tạp chí dành cho trẻ em của Pakistan. Rukh sau đó theo học ngành sinh học phân tử và công nghệ sinh học tại trường Đại học Khoa học Đời sống Na Uy.
Sớm nhận ra bản thân không thích làm việc trong phòng thí nghiệm, Rukh tham gia Forskerfabrikken, một tổ chức phi lợi nhuận có trụ sở tại Oslo nhằm khuyến khích trẻ em tham gia khoa học. Tại đây, Rukh làm việc trong 5 năm ở vị trí truyền thông khoa học, tổ chức các chương trình khoa học thực hành cho học sinh. Đó là lúc Rukh nhận ra rằng khoa học giao tiếp là điều cô thực sự đam mê.
Mùa hè năm 2013, khi đến Pakistan để kết hôn, Lalah Rukh đến thăm một trường học ở một trong những khu dân cư nghèo nhất của Karachi. Tại ngôi trường này, Rukh tổ chức một hội thảo khoa học 3 giờ đồng hồ với những thí nghiệm thú vị, từ tạo ra bong bóng khổng lồ đến các hạt thay đổi màu sắc dưới ánh sáng Mặt trời và các phản ứng hóa học với nước. Rukh chia sẻ: "Trên khuôn mặt bọn trẻ hiện lên những nụ cười rạng rỡ, các thí nghiệm cũng khơi dậy sự tò mò của bọn trẻ. Tôi cảm thấy có ý nghĩa khi làm công việc này ở Pakistan".
Năm 2015, Rukh hành lập Science Fuse với mục đích cung cấp chương trình giảng dạy STEM mang tính tương tác và hấp dẫn cho học sinh ở Pakistan. Ước mơ của Rukh là "thay đổi cách thức khoa học được nhìn nhận và truyền dạy ở cả trong và ngoài lớp học cho trẻ em Pakistan".
Thúc đẩy giáo dục STEM ở Pakistan
Pakistan là một trong những quốc gia có tỷ lệ trẻ em không được đến trường cao nhất thế giới. Những trẻ em đi học, phần lớn là theo học tại các trường công lập hoặc tư thục với mức học phí thấp. Trẻ em đến từ nhiều gia đình có thu nhập thấp không thể tiếp cận với chương trình giáo dục STEM chất lượng tốt.
Kỹ năng STEM rất quan trọng đối với bất kỳ công việc nào và trẻ em cần chúng để trở nên xuất sắc hơn. Khoa học cho phép mọi người đặt câu hỏi về cuộc sống và vũ trụ nhưng ở Pakistan, trẻ em, đặc biệt là trẻ em gái, không được khuyến khích đặt các câu hỏi vì lý do văn hóa và tín ngưỡng tôn giáo. Chính vì vậy, Science Fuse sử dụng giáo dục STEM để trao quyền cho trẻ em.
Đối với trẻ em gái, có một số rào cản khác khi các em muốn theo đuổi những môn học và sự nghiệp STEM. Thành kiến xã hội, bao gồm cả định kiến văn hóa, khiến trẻ em gái ở Pakistan lảng tránh STEM. Nhiều bậc cha mẹ và trẻ em gái tin vào định kiến con trai giỏi khoa học hơn vì họ coi STEM là lĩnh vực do nam giới thống trị. Nhiều phụ huynh muốn con gái lập gia đình vì lo sợ rằng, trẻ em gái theo đuổi khoa học sẽ không kết hôn.
Theo Rukh, cần thay đổi tư duy của mọi người, bao gồm cả trẻ em gái, các nhà hoạch định chính sách, những bậc phụ huynh và cộng đồng về thành kiến với trẻ em gái trong STEM. Science Fuse nhận được hỗ trợ từ Quỹ Malala, một tổ chức được thành lập bởi nhà hoạt động đoạt giải Nobel Hòa bình người Pakistan Malala Yousafzai.
Cả hai tổ chức đã cùng phối hợp để thiết kế sách khoa học và poster về các nhà khoa học nữ Pakistan. Chẳng hạn như: Nergis Mavalvala, nhà vật lý thiên văn lớn lên ở Karachi và là thành viên của nhóm phát hiện ra sóng hấp dẫn đầu tiên. Hay Tasneem Zehra Husain, người phụ nữ Pakistan đầu tiên học tiến sĩ về lý thuyết dây. Theo Rukh, những tấm poster này đặc biệt quan trọng đối với trẻ em gái. Bởi vì nếu các em có thể nhìn thấy nó, các em có thể trở thành những người xuất hiện trên đó. "Chúng tôi muốn các cô bé và cậu bé ở Pakistan lớn lên trong những câu chuyện về các nhà khoa học nữ tài năng, những người đã thay đổi thế giới bằng sự tận tụy, hiểu biết và sự bền bỉ của bản thân", cô nói.
Kể từ năm 2016, Science Fuse đã tiếp cận hơn 45.000 trẻ em, đào tạo 650 giáo viên và xây dựng một cộng đồng hơn 200 nhà truyền thông khoa học. Science Fuse đã phối hợp với khoảng 250 trường học và các tổ chức đối tác để cung cấp nền giáo dục khoa học đẳng cấp thế giới trên khắp Pakistan.
Kim Ngọc
Nguồn: Nature