leftcenterrightdel
Bà Giorgia Meloni phát biểu tại Milan hôm 11/9. Ảnh:Reuters. 

Một trăm năm sau khi sự trỗi dậy của chủ nghĩa phát xít Italy được báo trước bằng cuộc tuần hành năm 1922 của nhà độc tài Mussolini trên thành Rome, quốc gia này đang trên đà bầu chọn một đảng có nguồn gốc từ chủ nghĩa tân phát xít, theo Guardian.

Một tuần trước ngày bỏ phiếu ở Italy, khuôn mặt tươi cười của bà Giorgia Meloni, lãnh đạo đảng Anh em Italy, đã xuất hiện trên hàng nghìn áp phích ở nước này.

Bà được kỳ vọng chiến thắng khi cuộc bầu cử kết thúc vào tối ngày 25/9, qua đó trở thành nhà lãnh đạo cực hữu đầu tiên của Italy kể từ sau Thế chiến II.

Bà Meloni luôn giữ khoảng cách với chủ nghĩa phát xít và gần đây tuyên bố cánh hữu của Italy đã “trao chủ nghĩa phát xít cho lịch sử”. Thành công chính trị hiện tại của bà chủ yếu nhờ vào quyết định không cho đảng của bà tham gia vào chính quyền đa đảng của Thủ tướng Mario Draghi sắp mãn nhiệm.

Gợi nhắc đến chủ nghĩa tân phát xít

Động thái nói trên đã củng cố vị thế của bà như tiếng nói đối lập và đã giúp bà có vị trí dẫn đầu trong liên minh bầu cử cánh hữu cùng hai đảng khác là đảng Liên đoàn và đảng Forza Italia của ông Silvio Berlusconi. Hiện tỷ lệ ủng hộ của đảng Anh em Italy là trên 45%.

Tuy nhiên, bà không sẵn lòng vận động loại bỏ slogan chính trị của đảng mình - Dio, Patria, Famiglia (Chúa, Tổ quốc, Gia đình), trong khi slogan này được sử dụng rộng rãi trong thời kỳ phát xít.

Bên cạnh đó, những hình ảnh của đảng này vẫn gợi nhắc đến chủ nghĩa phát xít. Logo của đảng Anh em Italy giống với Phong trào Xã hội Italy (MSI), một đảng tân phát xít được thành lập vào năm 1946 bởi các cựu thành viên cấp cao trong đảng của trùm phát xít Mussolini cùng người ủng hộ.

Nhiều người đặt câu hỏi về việc làm thế nào Italy, quốc gia từng sống dưới chế độ của trùm phát xít Mussolini, lại sắp sửa bầu ra một thủ tướng như vậy. Trước đó, bà Meloni từng cho rằng Mussolini là một chính trị gia giỏi. "Không có chính khách nào khác như ông ấy trong 50 năm qua", bà nói.

Đó cũng là câu hỏi mà cây bút Paolo Berizzi, của La Repubblica, đặt ra trong nhiều năm.

Để tìm câu trả lời, nhiều người phải quay trở lại thời điểm ngay sau Thế chiến II, khi vấn đề đầu tiên mà Italy phải giải quyết là đoàn kết dân tộc. Sau khi trùm phát xít Mussolini bị lật đổ vào năm 1943, Italy đã diễn ra nội chiến đẫm máu giữa một chính quyền bù nhìn do Đức Quốc xã hậu thuẫn và lực lượng kháng chiến.

Vì thế, sau khi hòa bình lập lại ở châu Âu, lo ngại về căng thẳng trong lòng Italy đã được chú trọng hơn việc thanh trừng và truy tố người theo chủ nghĩa phát xít. Italy cũng đã thả hàng nghìn phần tử phát xít trong khuôn khổ chương trình ân xá. Nhiều người trong số ấy cũng đảm nhận một số vị trí trong chính quyền thời hậu chiến.

“Sau chiến tranh, có rất nhiều người Italy vẫn nghĩ rằng Mussolini không đến nỗi nào, bất chấp xảy xung đột đã xảy ra”, Salvatore Lupo, giáo sư lịch sử đương đại tại Đại học Palermo, cho biết.

Giorgio Almirante, Bộ trưởng Văn hóa của một chính quyền bù nhìn chóng tàn của Đức Quốc xã, đã thành lập MSI cùng với các cựu thành viên của đảng Phát xít Italy.

Đến năm 1948, ba người theo chủ nghĩa tân phát xít đã ngồi trong Quốc hội Italy. Đó cũng là tiền đề cho sự xuất hiện của đảng Anh em Italy sau này.

Mối đe dọa với nền dân chủ

MSI vẫn đứng ngoài chính trường cho đến đầu những năm 1990, khi một cuộc điều tra tư pháp toàn quốc về nạn tham nhũng chính trị dẫn đến sự biến mất của nhiều đảng phái chính trị truyền thống và tạo cơ hội cho MSI.

Các thành viên của MSI đã thành lập đảng Liên minh Quốc gia vào năm 1995 và tự thể hiện mình là những người bảo thủ tân tự do. Đảng Forza Italia là đồng minh đầu tiên của MSI trong chính phủ.

Trong cuộc biểu tình chính trị vào năm 2019, chính ông Berlusconi đã khoe rằng bản thân là người đầu tiên có tương tác với những người theo chủ nghĩa tân phát xít.

leftcenterrightdel
Benito Mussolini phát biểu trước đám đông tại Palazzo Venezia ở Rome năm 1936. Ảnh:Corbis. 

“Chính trong những năm đó, chủ nghĩa xét lại tội ác phát xít ra đời và được thúc đẩy bởi các talkshow và nhiều tờ báo. Tin giả bắt đầu lan truyền, khiến chủ nghĩa phát xít ngày nay vẫn được tô vẽ như một chế độ ‘đã làm được nhiều điều vĩ đại’”, ông Berizzi nói.

Nhiều người Italy ngày nay tin rằng trùm phát xít Mussolini đã đem mô hình nhà ở công cộng tới nước này nhưng trên thực tế, điều đó đã bắt đầu vào năm 1903, gần 20 năm trước khi nhân vật này cầm quyền.

Nhiều người cũng tin rằng Mussolini đã đảm bảo các chuyến tàu chạy đúng giờ nhưng dưới thời phát xít, các chuyến tàu thường bị trễ liên tục.

Hơn 70 năm sau cái chết của Mussolini, hàng nghìn người Italy bắt đầu gia nhập các nhóm phát xít tự xưng. Nguyên nhân việc này, theo những người chống phát xít, là cuộc khủng hoảng người tị nạn, cũng như bất ổn kinh tế và chính trị của Italy.

Trong bối cảnh đó, vào năm 2012, đảng Anh em Italy được thành lập, phần lớn thuộc hàng ngũ của MSI và Liên minh Quốc gia. Hai năm sau, bà Meloni, từng là một nhà hoạt động trong mặt trận thanh niên của MSI, đã vươn lên trở thành lãnh đạo của tổ chức này.

“Meloni trở thành lãnh đạo đảng trong thời kỳ mà chủ nghĩa phát xít ở Italy gần như bình thường hóa và trở nên phổ biến trong giới trẻ”, ông Berizzi nói.

Tuy nhiên, bà Meloni đã “rõ ràng” lên án “việc đàn áp dân chủ và các luật chống người Do Thái bỉ ổi”. Bà nhấn mạnh đảng của bà không liên quan gì đến chủ nghĩa phát xít và bà là một nhà bảo thủ đấu tranh cho chủ nghĩa yêu nước.

Theo bà, trong DNA của đảng Anh em Italy không có "những phần tử còn hoài cổ về chủ nghĩa phát xít, những người phân biệt chủng tộc hay thù ghét người Do Thái".

“Ở Đức đã có một quá trình dài để vượt qua quá khứ. Điều kiện tiên quyết cho quá trình ấy là tất cả người dân Đức cần suy ngẫm về việc cùng chịu trách nhiệm cho tội ác của phát xít. Song ở Italy, quá trình này chưa bao giờ diễn ra”, Antonio Scurati, tác giả của M, một sách bán chạy về sự vươn lên nắm quyền của Mussolini, nhận định.

“Bạn vẫn không thể phủ nhận rằng trong hàng ngũ của bà Meloni có rất nhiều người theo chủ nghĩa phát xít. Nếu bà Meloni thắng cử, chủ nghĩa phát xít có thể sẽ không quay trở lại, nhưng nền dân chủ của chúng ta sẽ có nguy cơ bị đe dọa”, ông Berizzi nói.

Ngay khi phe cực hữu này đang tiến về phía trước, một số người Italy đã so sánh tình hình hiện tại với một bộ phim châm biếm được phát hành vào năm 2018, trong đó tưởng tượng Mussolini trở lại Italy và được mọi người hoan nghênh.

“Nếu Mussolini trở lại, người Italy sẽ bầu lại ông ta”, ông Scurati nhận định.

Theo zingnews