leftcenterrightdel
Pushpa (phải) cho biết phòng thi giống như ngôi nhà thứ hai của cô. Ảnh:BBC. 

Năm 2007, một người đàn ông mù đã nhờ Pushpa giúp băng qua con đường đông đúc ở Bengaluru (Ấn Độ). Sau khi sang đường, người này tiếp tục đưa ra một yêu cầu khác - một yêu cầu đã làm thay đổi cuộc đời của Pushpa.

"Anh ấy hỏi liệu tôi có thể viết một bài kiểm tra giúp anh ấy không", Pushpa nhớ lại.

Khi ấy, Pushpa đã đồng ý. Thế nhưng, khi ngày thực hiện bài kiểm tra gần đến, thay vì phấn khích như ban đầu, Pushpa bắt đầu lo lắng bởi cô chưa bao giờ viết bài kiểm tra cho người khác và không biết điều gì sẽ xảy ra.

16 năm và hơn 1.000 bài kiểm tra

Theo BBC, nhiều học sinh Ấn Độ bị khuyết tật về thể chất thường cần đến người ghi chép để viết bài kiểm tra giúp họ. Theo hướng dẫn của Chính phủ Ấn Độ, người ghi chép không được viết bài kiểm tra thuộc bất kỳ môn học nào mà họ đã học ở bậc đại học. Tại các kỳ thi do chính phủ thực hiện, người ghi chép có thể nhận một khoản phí hỗ trợ. Tuy nhiên, đa phần, công việc này là tự nguyện.

Sau khi giúp một sinh viên vượt qua bài kiểm tra cuối kỳ, Pushpa đã được tổ chức phi chính phủ về người mù liên hệ, nhiều sinh viên khác đã được giúp đỡ. Trong suốt 16 năm, cô đã viết hơn 1.000 bài kiểm tra, bài thi miễn phí.

"Đó là những giờ căng thẳng. Thí sinh đọc các câu trả lời rất chậm và yêu cầu tôi đọc đi đọc lại các câu hỏi", Pushpa nói.

Theo Pushpa, cô đã hỗ trợ các học sinh, sinh viên khiếm thị, bại não, hội chứng Down, tự kỷ, khó đọc và học sinh tàn tật do tai nạn. Công việc này đôi khi cũng gặp khó khăn bởi những học sinh bị bại não thường bị suy giảm khả năng nói. Để họ có thể hoàn thành bài thi, Pushpa phải tập trung cao độ và nhìn cử động môi của thí sinh để hiểu họ nói gì.

Chia sẻ với BBC, Pushpa cho biết cô coi phòng thi như ngôi nhà thứ 2. Ngoài các kỳ thi ở trường và kỳ thi đại học, Pushpa cũng đã giúp đỡ thí sinh trong các kỳ tuyển chọn nhân sự cho chính phủ.

"Bây giờ, đó là công việc thường ngày đối với tôi và tôi không cảm thấy căng thẳng nữa", cô nói và cho hay trải nghiệm này đã giúp cô học hỏi kiến thức ở nhiều lĩnh vực.

Karthik - 25 tuổi, một người khuyết tật phải sử dụng xe lăn - cho biết Pushpa đã giúp anh viết 47 bài kiểm tra. Theo đó, tại một kỳ thi ở trường, người ghi chép của Kartik đột ngột rời đi và Pushpa đã xuất hiện, hỗ trợ anh liên tục kể từ đó.

"Tôi thật may mắn khi có được một người ghi chép như Pushpa. Đối với chúng tôi, những người ghi chép thực sự giống như những vị thần", Karthik nói và cho biết hiện anh đã tốt nghiệp đại học và đang chuẩn bị cho kỳ thi tuyển dụng vị trí văn thư của chính phủ.

Không riêng Karthik, đối với Pushpa, mỗi sinh viên với mỗi bài kiểm tra lại là một câu chuyện riêng. Cuối tháng 3, Pushpa viết bài thi tốt nghiệp cho Bhoomika Valmiki (19 tuổi).

Valmiki bị mù và phải sử dụng các công cụ chuyển đổi văn bản thành âm thanh để học. Những công cụ đó không được phép sử dụng trong các kỳ thi, vì vậy, nữ sinh này cần đến sự giúp đỡ của những người ghi chép.

"Tôi chỉ có thể tiến lên khi Pushpa viết bài thi giúp tôi. Cô ấy kiên nhẫn, đợi đến khi tôi hoàn thành câu trả lời của mình. Cô ấy không bao giờ làm tôi mất tập trung và đọc lại câu trả lời của tôi trước khi viết", Valmiki nói.

leftcenterrightdel
 Việc viết các bài kiểm tra khác nhau giúp Pushpa cải thiện kiến thức của mình. Ảnh:BBC. 

Việc ghi chép giúp vượt qua nỗi đau

Hầu hết, người tìm kiếm sự giúp đỡ của Pushpa đều rất khó khăn để vào đại học. Tuy nhiên, sự đồng cảm của Pushpa không khiến cô mất đi sự trung thực.

"Công việc của tôi là viết những gì họ nói. Tôi sẽ không có lựa chọn nào khác khi được yêu cầu đánh dấu vào một câu trả lời mà tôi biết là sai. Tôi không thể chỉnh sửa", Pushpa nói và cho biết việc duy nhất cô có thể giúp họ là phiên dịch nếu thí sinh không hiểu tiếng Anh.

Theo BBC, Pushpa xuất thân từ một gia đình nghèo khó. Cha cô bị thương trong một vụ tai nạn và mẹ cô đã phải làm việc rất vất vả để nuôi dạy 2 anh em.

“Có thời điểm, tôi và anh trai phải bỏ học vì không đủ tiền đóng học phí”, Pushpa nhớ lại.

Khi ấy, Pushpa đã được một người lạ giúp đỡ và hiện tại, cô chọn làm người ghi chép để mang lại điều tốt đẹp cho xã hội. Trong nhiều năm, Pushpa nhận làm một số công việc nhỏ để kiếm sống. Thế nhưng, cuộc sống cô những năm qua đặc biệt khó khăn.

Trong vòng 3 năm, cha, mẹ và anh trai cô lần lượt qua đời. Nhưng chỉ sau vài tháng, Pushpa đã tiếp tục công việc ghi chép miễn phí. Pushpa cho biết công việc này đã giúp cô vượt qua nỗi đau.

Tháng 3/2018, Pushpa được ông Ram Nath Kovind, Tổng thống Ấn Độ lúc bấy giờ, vinh danh. Hiện tại, cô đang làm việc tại một công ty về công nghệ và có những buổi trò chuyện truyền cảm hứng tại các sự kiện của công ty. Tuy nhiên, cô vẫn duy trì việc viết bài kiểm tra cho những người khuyết tật.

"Nếu tôi viết bài kiểm tra cho ai đó, điều đó có thể thay đổi cuộc đời họ", Pushpa nói.

Theo zingnews