leftcenterrightdel
 Ảnh: Koreajoongangdaily

Ở Hàn Quốc, theo truyền thống, gia đình có thu nhập dựa vào một người đồng nghĩa với việc chồng đi làm, vợ ở nhà nội trợ. Người đàn ông là trụ cột kinh tế trong gia đình. Hầu hết người Hàn Quốc thế hệ trước cho rằng phụ nữ "hạnh phúc và may mắn" nếu kết hôn với người đàn ông có kinh tế. Phụ nữ chỉ cần chu đáo trong việc nhà, nuôi dạy con cái cẩn thận và không phải lo lắng về tiền bạc. Nhưng xu hướng này đã thay đổi trong những năm qua.

Thống kê cho thấy, phụ nữ Hàn trở thành người trụ cột gia đình ngày càng tăng. Không còn lạ khi chứng kiến nhiều gia đình có chồng ở nhà chăm con và vợ đi làm kiếm tiền, theo Koreajoongangdaily.

Gyeonggi là nhân viên văn phòng 34 tuổi, làm việc tại công ty cỡ trung bình ở Seongnam (Hàn Quốc). Cô trở thành trụ cột gia đình năm thứ 3 liên tiếp sau khi chồng nghỉ việc vào cuối năm 2020 do ảnh hưởng của đại dịch. Chồng của cô đang đảm nhận những công việc nhà.

Gyeonggi cho biết: "Những người sống xung quanh chúng tôi không thấy cảnh này kỳ lạ. Thu nhập của tôi tuy không cao nhưng đủ trang trải cuộc sống. Tôi trì hoãn việc làm mẹ vì công việc".

leftcenterrightdel
Người đàn ông Hàn Quốc ở nhà chăm con để vợ đi làm. 

Số gia đình có thu nhập dựa vào một người với vợ đi làm và chồng ở nhà nội trợ đang gia tăng ở Hàn Quốc. Điều này xảy ra khi tiền lương của phụ nữ đi làm, địa vị của họ tăng lên. Có sự thay đổi quan điểm về vai trò giới trong xã hội nên mọi người dễ chấp nhận chuyện đàn ông nội trợ hơn so với trước đây.

Yoon Hyo-suk, ông bố 2 con, đã quyết định nghỉ làm 1 năm tại công ty quảng cáo ở Seoul để chăm sóc những đứa trẻ thay vợ. "Một số người ngăn cản tôi, nhưng tôi đã quyết định như vậy. Tôi nhận ra rằng có rất nhiều người đàn ông khác giống tôi. Xin nghỉ và có thể quay lại vào năm sau. Điều này gần như đã trở thành xu hướng", anh nói.

Theo dữ liệu mới nhất của Cơ quan Thống kê Hàn Quốc, phụ nữ là trụ cột gia đình có 1 người đi làm chiếm 16,7% tổng số đôi cưới từ 1-5 năm.

Năm 2015, khi Hàn Quốc bắt đầu tổng hợp những con số này, tỷ lệ vợ đi làm trong các hộ gia đình có thu nhập dựa vào 1 người  là 13,6%. Con số đó vẫn tiếp tục tăng trong các năm tiếp theo. 16,1% vào năm 2019, 16,3% vào năm 2020 và 16,7% vào năm 2021.

Nguyên nhân đằng sau sự gia tăng này là do tỷ lệ nữ tham gia lực lượng lao động ngày càng tăng. Tỷ lệ nữ giới tham gia lực lượng lao động là 51,9% vào năm 2015. Con số này tăng lên 53,3% vào năm 2021. Trong khi đó, tỷ lệ nam giới tham gia lực lượng lao động giảm từ 74,1% năm 2015 xuống còn 72,6% năm 2021.

Tuy nhiên, so với gia đình chỉ có chồng đi làm hoặc cả hai vợ chồng đi làm, những nhà chỉ có vợ đi làm nhiều khả năng không sinh con hơn.

Năm 2021, 56% phụ nữ đi làm trong các gia đình có thu nhập dựa vào 1 người là không sinh con. Con số này ở gia đình có thu nhập dựa vào 1 người mà chồng đi làm là 36,8 %.

Các số liệu cho thấy người phụ nữ có nhiều trách nhiệm tài chính sẽ ít sinh con hơn. You Hye-mi, giáo sư tại Khoa Kinh tế và Xã hội của Đại học Hanyang cho biết: "Nhiều phụ nữ trở thành trụ cột trong các gia đình có thu nhập dựa vào 1 người. Nhưng các thông kê cho thấy phụ nữ vẫn là người đóng vai trò lớn trong việc sinh nở, chăm sóc con cái".

Theo vietnamnet