|
Asel Nogoibaeva trên giường bệnh với gương mặt băng kín do bị chồng cũ đánh đập, cắt mũi và tai |
Những ngày đầu tháng 10, tại bệnh viện địa phương ở Kyrgyzstan, Asel Nogoibaeva gượng ngồi dậy với khuôn mặt bị cắt xén được giấu sau lớp băng trắng. Trên mặt cô chỉ có thể nhìn thấy đôi mắt.
Bằng giọng thì thầm, Asel kể lại những ngày tháng bị chồng cũ lạm dụng, đánh đập và đe dọa thời gian dài trước khi ra tay tàn ác với sự chứng kiến của đứa con trai nhỏ.
"Anh ta đấm vào đầu tôi 2 lần rồi bắt đầu bóp cổ tôi. Khi đó, tôi chỉ nghe thấy con trai la hét và rồi bất tỉnh. Khi tỉnh dậy, tôi thấy mình nằm trên sàn bếp. Mọi thứ đều dính đầy máu" - cô kể.
Người phụ nữ ngoài 30 nói, khi đó cô không thể xác định được máu chảy ra từ đâu. Mãi sau này, Asel mới biết chồng cũ đã cắt mũi và tai của mình.
Người chồng vũ phu Azamat Estebesov hiện đang bị nhốt trong tù. Nhưng Asel chia sẻ, cô rất buồn và tức giận vì người đàn ông độc ác không bị bỏ tù trước đó. Cô đã từng tố cáo anh ta bạo hành, tấn công, cưỡng hiếp cô nhiều lần nhưng anh ta chỉ bị cảnh cáo và nhận án treo.
"Tại sao ở Kyrgyzstan tất cả các vụ việc liên quan đến bạo lực đối với phụ nữ chỉ được giải quyết sau khi có người đó chết hoặc bị tàn tật suốt đời?" - cô khóc và nói.
|
Asel Nogoibaeva bị chồng cũ tấn công dã man, mặc dù đã tố cáo với cảnh sát nhưng không ai quan tâm kêu cứu của cô |
Vụ của Asel Nogoibaeva chỉ là trường hợp mới nhất trong hàng loạt vụ giết hại và bạo lực đối với phụ nữ ở quốc gia Trung Á này. Từ lâu, rất nhiều phụ nữ Kyrgyzstan lên tiếng phản đối sự bạo hành, tấn công mà họ gánh chịu ngay chính ngôi nhà của mình, nhưng hầu như tiếng kêu cứu của họ rơi vào vô vọng.
Theo Bộ Nội vụ Kyrgyzstan, trong 8 tháng đầu năm 2023, nước này có 8.512 vụ bạo lực gia đình được báo cáo nhưng chỉ có 2% đã được đưa ra xét xử. Ngoài ra, tính từ năm 2008 - 2020 có ít nhất 300 phụ nữ bị sát hại do bàn tay của chồng, bạn trai hoặc bạn tình cũ của họ. Trong đó, có đến 70% trường hợp, kẻ giết người đã cố gắng vứt xác, phi tang chứng cứ để chạy tội.
Theo luật sư Nurbek Toktakunovv, những người đàn ông bạo hành thường được bỏ qua tội ác nên nhiều người thờ ơ với tiếng kêu cứu của phụ nữ.
Điển hình như trường hợp của Asel. Cô đệ đơn ly hôn vào năm 2017 sau đó phải trốn sang Ý sinh sống và làm việc. Đến năm 2022, cô trở lại Kyrgyzstan, mua nhà bằng tiền tiết kiệm và sống cùng các con. Ngay lập tức, người chồng Estebesov bắt đầu quấy rối cô, đưa ra những lời đe dọa.
"Tôi đã trình báo với cảnh sát địa phương về những lời đe dọa. Họ chấp nhận đơn kháng cáo của tôi nhưng không có hành động gì cả. 2 ngày sau đó, anh ta cưỡng hiếp tôi trên đường phố" - cô kể.
Gia đình Estebesov đã cầu xin Asel rút lại đơn tố cáo và đồng ý cho cô nuôi dưỡng hai đứa con trai 10 và 16 tuổi. Cứ ngỡ mọi chuyện đã kết thúc nhưng vào tháng Một năm nay, chồng cũ lại đánh đập và cưỡng hiếp cô.
Vào tháng 8, có một phiên tòa xét xử Estebesov, nhưng anh ta lại tiếp tục được tha. Đến tháng 9, Asel tiếp tục nộp đơn tố cáo. “Tôi sợ hãi khai trước tòa rằng trước đó 2 ngày, anh ta lại đến nhà đánh tôi. Anh ta nói sẽ giết tôi nhưng không ai nghe. Cả thẩm phán lẫn công tố viên đều không. Phiên tòa được dời sang ngày 27/9, nhưng đến 20/9, anh ta đã đánh tôi và chém tôi, khiến tôi bị tàn tật vĩnh viễn” - Asel tức tưởi kể lại.
Asel đã được cứu bởi cậu con trai 10 tuổi của cô, khi chứng kiến cảnh người cha bạo hành mẹ mình, cậu bé hoảng sợ hét to đến mức 1 người hàng xóm chạy đến và đã gọi cảnh sát. Kể từ khi chứng kiến vụ tấn công, đứa trẻ vẫn còn sốc.
Hiện Asel vẫn còn nằm viện và sắp tới cô sẽ phải thực hiện một số ca phẫu thuật ở Thổ Nhĩ Kỳ. Chi phí được cho là rất lớn.
Những ngày qua, luật sư và người thân của Asel đang kêu gọi một cuộc điều tra thẩm phán - người đã trả tự do cho Estebesov cũng như những cảnh sát đã phớt lờ khiếu nại của Asel.
Vụ việc này cũng đã gây ra một cuộc tranh luận ở Kyrgyzstan, với nhiều sự đồng cảm dành cho Asel nhưng bên cạnh đó cũng có những lời chỉ trích cô và gia đình vì đã công khai chuyện "chẳng hay ho" này.
Bà Tinatin Kataganova, mẹ của Asel, nói rằng chỉ có sự phẫn nộ của công chúng mới có thể thay đổi tình trạng bạo lực ở nước này. “Một số nghị sĩ nói rằng chúng ta không nên nói về những gì đã xảy ra bởi nó chẳng hay ho gì. Nhưng tại sao chúng ta phải im lặng? Suy cho cùng, chính hệ thống tư pháp phải chịu trách nhiệm về việc con gái tôi đã phải trải qua quá nhiều đau khổ và đang cận kề cái chết. Thẩm phán phải bị trừng phạt” - bà nói.
Ngoài ra, bà Tinatin Kataganova cũng nói rằng phụ nữ nên bản vệ chính mình bởi tại Kyrgyzstan, nhiều người chấp nhận rằng bạo lực và làm nhục phụ nữ do chồng gây ra chỉ đơn giản là sự thật trong cuộc sống.
Theo phụ nữ TPHCM