Chen (36 tuổi), sống ở Hoàng Thạch (tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc), đã đệ đơn ly hôn vào tháng 6, theo The Paper.
Đáng chú ý, đây là nỗ lực lần thứ 5 của người phụ nữ này để thoát khỏi cuộc hôn nhân không hạnh phúc của mình. Hu, chồng cô, ngày càng có nhiều hành vi bạo lực và mất kiểm soát.
Nhiều phụ nữ Trung Quốc không được bảo vệ trước luật chống bạo hành gia đình. Ảnh: Reuters.
5 lần nỗ lực ly hôn
Mọi chuyện vẫn diễn ra tốt đẹp hồi Chen bắt đầu hẹn hò với Hu. Tuy nhiên, không lâu sau khi kết hôn vào tháng 9/2016, Hu được chẩn đoán mắc chứng rối loạn nhân cách hoang tưởng, cùng với các vấn đề sức khỏe tâm thần khác như trầm cảm và rối loạn lưỡng cực.
Nói với The Paper, Chen cho biết thời gian đầu, cô luôn kề bên và ủng hộ chồng. Song, các triệu chứng của Hu ngày càng tồi tệ hơn theo thời gian.
Tháng 2/2017, cô không thể chịu được cơn tức giận vô cớ xảy ra thường xuyên và cả những trận bạo hành thể xác của chồng. Do đó, Chen gửi đơn ly hôn lên tòa án gia đình địa phương nhưng sớm bị từ chối.
Suốt 4 năm tiếp theo, 2 lần nộp đơn tiếp theo và 1 lần kháng cáo của Chen cũng chịu kết quả tương tự.
Trong đơn kiến nghị của mình, người phụ nữ nhấn mạnh rằng hành vi lạm dụng của Hu, bao gồm theo dõi các cuộc trò chuyện qua điện thoại di động của cô và theo dõi, bám đuôi mỗi lần cô ra ngoài, đã “ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống hôn nhân của hai vợ chồng, dẫn đến việc Chen muốn chấm dứt mối quan hệ.
Tuy nhiên, Hu phản bác rằng cuộc hôn nhân vẫn cứu vãn được, bất chấp sự thật rằng hai vợ chồng đã ly thân từ năm 2017.
Bạo hành gia đình là vấn nạn nhức nhối ở xứ tỷ dân. Ảnh: Frederic J. Brown/AFP.
Tòa án nhiều lần đứng về phía Hu và khước từ các lá đơn ly hôn của Chen vì nhiều lý do khác nhau, từ “không đủ bằng chứng” cho đến “vụ án không đủ điều kiện để can thiệp pháp lý”.
Trong một phán quyết được đưa ra vào năm ngoái, tòa án biện mình cho quyết định của họ rằng cặp vợ chồng “có nền tảng khá tốt để hòa giải” vì đã sống chung trước khi kết hôn.
“Nguyên nhân sâu xa của mâu thuẫn đôi bên là do người chồng bị bệnh. Anh ấy đang ở vị trí cần nhận được sự quan tâm và lòng trắc ẩn từ người bạn đời của mình. Người vợ nên đảm nhận trách nhiệm chăm sóc chồng mình”, The Paper trích tài liệu của tòa án.
Chen đã kháng cáo quyết định này, cho rằng Hu cố tình che giấu tình trạng sức khỏe trước hôn lễ. Tuy nhiên, tòa án vẫn giữ nguyên phán quyết ban đầu vì không đủ lý do.
“Mối quan hệ này không phải không thể hàn gắn lại được. Rất có thể hai vợ chồng sẽ quay lại với nhau”, tòa án tuyên bố. Đây cũng là lời biện minh thường được tòa án sử dụng trong những trường hợp phụ nữ Trung Quốc đâm đơn ly hôn vì gặp hoàn cảnh bất hạnh, SupChina đưa tin.
Bên cạnh đó, trong một cuộc phỏng vấn, anh trai của Hu tiết lộ rằng Hu không có ý định để vợ rời đi. Anh cũng cho biết bất luận kết quả vụ kiện ra sao, Hu sẽ yêu cầu bồi thường 970.000 yuan (gần 150.000 USD) do “căng thẳng tinh thần” mà Chen khiến anh ta trải qua.
Phụ nữ Trung Quốc khó ly hôn
Sau khi The Paper đưa tin, câu chuyện của Chen nhận được sự chú ý của cộng đồng mạng Trung Quốc. Trên Weibo, hashtag chính liên quan đến vụ ly hôn đã ghi nhận hơn 100 triệu lượt xem với vô số bình luận ủng hộ người vợ.
“Tôi hy vọng Chen sẽ được bảo vệ đầy đủ về cả sự an toàn và tài sản của cô ấy. Khi bệnh nhân tâm thần phạm tội, đôi khi họ không phải chịu trách nhiệm về hành vi của mình”, một người để lại bình luận.
Dù là nạn nhân bạo hành gia đình, nhiều người vợ không được tòa án cho phép thoát khỏi cuộc hôn nhân bất hạnh. Ảnh: SCMP.
Hoàn cảnh của Chen có nét tương đồng với trường hợp của Ning Shunhua và Liu Zengyan.
Ning, một phụ nữ 33 tuổi, đã mất 5 năm để được tòa án tỉnh Hồ Nam cho phép thoát khỏi cuộc hôn nhân bạo hành.
Trong khi đó, Liu tuyệt vọng nhảy từ cửa sổ tầng 2 xuống đất để thoát khỏi những trận đòn của chồng. Thế nhưng, tòa án địa phương ở tỉnh Hà Nam khẳng định rằng hành vi đó không đủ để cấp cho Liu quyền rời khỏi người bạn đời bạo lực. Mãi cho đến khi công chúng tạo sức ép, yêu cầu tòa án xem xét lại quyết định, Liu mới được tự do.
Các cặp vợ chồng ở Trung Quốc đang phải đối mặt với những vấn đề kép, bao gồm các luật chống bạo lực gia đình được thực thi kém, cùng với những rào cản ly hôn ngày càng gia tăng, chẳng hạn thời gian “tạm hoãn ly hôn” 30 ngày.
Đáng nói, vấn đề này ảnh hưởng tới phụ nữ hơn cả - những người chiếm hơn 70% phía nguyên đơn trong các vụ ly hôn, và đặc biệt đặt các nạn nhân bạo lực gia đình vào tình thế nguy hiểm.
Theo Zing