Chhavi Mittal tự hào về những vết sẹo sau cuộc phẫu thuật ung thư vú - Nguồn ảnh: HealthShots
Chhavi Mittal tự hào về những vết sẹo sau cuộc phẫu thuật ung thư vú - Nguồn ảnh: HealthShots

Những bà mẹ tại gia

Nhiều bà mẹ SAHM (viết tắt của cụm từ stay at home mom, tạm dịch là bà mẹ tại gia) bắt đầu viết blog và sử dụng Instagram như một phương tiện giải trí. Ban đầu, họ chỉ muốn trút bầu tâm sự và chia sẻ kinh nghiệm về hành trình nuôi dạy con cái nhưng những gì họ làm đã nhanh chóng phát triển thành cộng đồng trực tuyến, nơi các bà mẹ khác có thể kết nối và học hỏi lẫn nhau. 

Đó là câu chuyện của bà nội trợ Chhavi Mittal (43 tuổi, Ấn Độ) có con gái lớn 11 tuổi và con trai nhỏ 4 tuổi. Từ một diễn viên kiêm nhà sản xuất, Chhavi Mittal đã tạm gác lại những mộng ước riêng để chứng kiến những cột mốc quan trọng của con. Không chỉ mang đến những góc nhìn mới mẻ và chia sẻ trải nghiệm chân thực trong quá trình nuôi dạy con cái, cô còn truyền cảm hứng cho hàng triệu phụ nữ từ những nỗi đau, nghịch cảnh bản thân đã trải qua.

Bà mẹ 2 con không ngần ngại phô bày những ảnh hưởng của việc sinh nở đến cơ thể và kêu gọi phụ nữ đừng xấu hổ vì những vết rạn, vóc dáng kém săn chắc mà nên tự hào về chúng. Thậm chí, cô còn công khai việc mắc bệnh ung thư vú. Thông qua hành trình chiến đấu với căn bệnh này, cô đã mang đến cho những người đang đối mặt với ung thư những tia hy vọng bằng các bài đăng tích cực trên mạng xã hội. 

Trong một cuộc phỏng vấn với HealthShots, Chhavi Mittal trải lòng lý do cô tự hào về vết sẹo sau phẫu thuật: “Khi bạn có một vết sẹo trên cơ thể, đó là lời nhắc nhở về việc bạn đã mạnh mẽ như thế nào, bạn đã chiến đấu trong một trận chiến tuyệt vời và chiến thắng nó ra sao. Những vết sẹo nhắc nhở tôi về chiến thắng của mình. Tôi nhìn chúng với rất nhiều niềm tự hào. Đối với tôi, ca phẫu thuật thành công giống như tôi được sinh ra lần thứ hai, có cuộc sống thứ hai và cuộc sống đó hoàn toàn mới đối với tôi”.

Tương tự Chhavi Mittal, Caitlin Lagnese (một bà mẹ nội trợ đến từ Ohio, Mỹ) cũng từng vượt qua giai đoạn trầm cảm, chứng OCD (ám ảnh cưỡng chế) nhờ viết blog và nhận được sự chia sẻ của mọi người.
Ngoài việc giúp giải tỏa cảm xúc cho chính mình, điều quan trọng với Caitlin Lagnese là cảm thấy bản thân chẳng những không thừa thãi mà còn truyền cảm hứng cho mọi người. Nhiều người dùng mạng xã hội đã tìm được sự đồng cảm khi đọc những bài viết về sức khỏe tâm thần từ Caitlin Lagnese - người từng hồi phục, chiến thắng bệnh tâm thần và sự kỳ thị gắn liền với nó. 

Nếu như Caitlin Lagnese muốn dùng blog để chữa lành cho bản thân và kết nối với mọi người thì Liang May (Singapore) - bà mẹ có 2 con (con trai 11 tuổi và con gái 9 tuổi) lại muốn dùng blog để ghi lại những niềm vui trong hành trình chăm sóc con. Đồng thời, cô cũng muốn bác bỏ quan điểm cho rằng làm việc là cách duy nhất để đóng góp cho xã hội, mà coi thường việc phụ nữ gác lại giấc mơ cá nhân để nuôi dưỡng con cái. 

Ameera Binsemait thường tổ chức các cuộc tụ họp như các buổi vui chơi trực tiếp với các SAHM khác và con cái của họ - Nguồn ảnh: Ameera Binsemait
Ameera Binsemait thường tổ chức các cuộc tụ họp như các buổi vui chơi trực tiếp với các SAHM khác và con cái của họ - Nguồn ảnh: Ameera Binsemait

Cô mở tài khoản Instagram với tên mmlittlee vào năm 2013 nhằm ghi lại quá trình trưởng thành của con cái, khi con bắt đầu tập ăn dặm hay bập bẹ những câu đầu tiên. “Tôi thích kể chuyện. Vì vậy, tôi kể những câu chuyện về hành trình nuôi dạy con với tư cách là một SAHM - điều mà mọi người đôi khi nhầm lẫn với “tai tai” (thuật ngữ tiếng Trung ám chỉ một phụ nữ giàu có và nhàn hạ). Khi chia sẻ những suy nghĩ và hành trình của mình, tôi luôn tâm niệm rằng mỗi người mẹ đều có những khó khăn và vất vả riêng” - Liang May nói.

Không chỉ chia sẻ niềm vui mà trong các bài viết của mình, Liang May còn hé lộ những nỗi khổ của các bà mẹ khi không có thời gian giao lưu với bạn bè hoặc đồng nghiệp cũ, trải qua trầm cảm sau sinh, cảm giác tội lỗi khi thiếu kỹ năng làm mẹ…

Thỏa mãn sở thích, trân trọng gia đình thực 

Không ít bà mẹ SAHM cho biết blog đã trở thành một phần không thể thiếu trong cuộc sống của họ, nơi họ có những người bạn đồng hành trên hành trình nuôi dạy con.

Bà nội trợ Ameera Binsemait (32 tuổi, Singapore) có 2 con gái (4 tuổi và 1 tuổi). Binsemait sinh con gái đầu lòng vào năm 2019, khi cô đã có một sự nghiệp thành công với tư cách chuyên gia tiếp thị và truyền thông. Thế nhưng, với khao khát được tận mắt chứng kiến những cột mốc quan trọng của con mình, Ameera Binsemait quyết định nghỉ việc.

Bà mẹ nội trợ Liang May (hình trái) và Ameera Binsemait chia sẻ kinh nghiệm nuôi dạy con trên mạng xã hội, hình thành cộng đồng trực tuyến cho các bà mẹ khác tham khảo, giao lưu, chia sẻ Nguồn ảnh: CNA
Bà mẹ nội trợ Liang May (hình trái) và Ameera Binsemait chia sẻ kinh nghiệm nuôi dạy con trên mạng xã hội, hình thành cộng đồng trực tuyến cho các bà mẹ khác tham khảo, giao lưu, chia sẻ - Nguồn ảnh: CNA

Khác với suy nghĩ lạc quan ban đầu, bước vào hành trình làm mẹ toàn thời gian, cô dần cảm thấy cô đơn và vô hình. Với bản lĩnh của một phụ nữ hiện đại từng có những thành công nhất định, cô biết mình cần tìm lối thoát cho bản thân, tìm kiếm một nơi có thể trút bỏ những suy nghĩ và nỗi bức xúc. Năm 2019, Binsemait bắt đầu viết blog trên WordPress, đặt tên blog là 4-30 (thời điểm con gái cô chào đời).

Các bài đăng trên blog của cô mang nội dung đa dạng: từ cách chế biến món ăn vặt đến biện pháp giải quyết những cơn giận dữ đầu đời của con gái. Để thêm sự hấp dẫn khi mô tả cuộc sống hằng ngày của mình, Binsemait còn sử dụng các hình thức đồ họa, meme hài hước và những câu trích dẫn. Cô cũng chia sẻ các bài viết từ blog lên Instagram cá nhân.

 “Những lúc cảm thấy mệt mỏi với việc dọn dẹp, nấu nướng và chăm sóc chồng con, việc có một sở thích cho bản thân có ý nghĩa rất lớn” - Binsemait bộc bạch. Blog còn là nơi để cô thỏa mãn những ý tưởng sáng tạo. Thậm chí Binsemait còn tạo ra một cộng đồng cho các bà mẹ, tổ chức những cuộc giao lưu cho các SAHM và con cái của họ, để mọi người có thể kết nối và chia sẻ những câu chuyện cũng như những khó khăn của chính mình.

“Thật phấn khởi khi thông qua Everyday Mama, những bà mẹ biết rằng họ không đơn độc” - Liang May chia sẻ. Đồng thời, cô cũng đã tham gia các hoạt động và hội thảo do các tổ chức mà phụ nữ lãnh đạo như Crazycat và Little Blossom, nhằm học hỏi thêm những kinh nghiệm và bài học quý báu.

Trong hành trình truyền thông xã hội của mình, Liang May đã nhận được hàng ngàn bình luận không chỉ từ các SAHM mà còn từ các bà mẹ đang đi làm, những người độc thân, các cặp đôi đang hẹn hò và cả những thanh thiếu niên đồng cảm với các bài đăng của cô. 

Liang nói: “Tôi rất vui mừng và biết ơn vì tiếng nói của tôi với tư cách là một SAHM có thể có ích đối với những người đọc nó, ngay cả khi bản thân họ không phải là những bà mẹ nội trợ”.

Ngoài những mặt tích cực, những bà mẹ xây dựng nội dung về hành trình nuôi dạy con cái của mình trên mạng xã hội cũng phải đối diện với một số khó khăn liên quan đến quyền riêng tư của con cái, khi đôi lúc những câu chuyện họ chia sẻ có thể vô tình tiết lộ những thông tin nhạy cảm về con mình.

Hiểu rõ về điều này, Liang May thường thận trọng xem xét những gì cô làm và đảm bảo rằng các con cảm thấy thoải mái. Cô khẳng định: “Tôi sẵn sàng đóng cửa blog nếu các con tôi cảm thấy không thoải mái vì bài đăng bởi các con luôn là ưu tiên số 1 của tôi. Điều quan trọng không phải là gia đình kỹ thuật số mà tôi đã tạo ra mà là gia đình thực sự mà tôi có”. 

Theo phụ nữ TPHCM