Trưa 16/8, Quốc hội Thái Lan đã công bố chọn bà Paetongtarn Shinawatra (37 tuổi), con gái của cựu Thủ tướng Thaksin Shinawatra, làm tân Thủ tướng.

Bà Paetongtarn Shinawatra trở thành người phụ nữ thứ hai giữ chức vụ cao nhất tại xứ chùa Vàng, sau người cô của mình là bà Yingluck. Đồng thời bà cũng là thủ tướng thứ ba của gia tộc Shinawatra, sau người cha Thaksin Shinawatra và người cô tỉ phú Yingluck Shinawatra.

Trong quá khứ, cả cha và cô của bà Paetongtarn Shinawatra, đều bị lật đổ sau các cuộc đảo chính của giới quân sự.

leftcenterrightdel
 Bà Paetongtarn Shinawatra được được bầu làm thủ tướng thứ 31 của Thái Lan - Ảnh: Bangkok Post

Sức trẻ và giàu năng lượng

Được biết đến ở Thái Lan với biệt danh Ung Ing, Paetongtarn là con út của ông Thaksin - người từng làm cảnh sát rồi chuyển sang làm ông trùm viễn thông và từng đắc cử Thủ tướng vào đầu những năm 2000.

Bà Paetongtarn lớn lên ở Bangkok, theo học tại các trường hàng đầu ở Thái Lan và Vương quốc Anh. Cụ thể, bà đã tốt nghiệp khoa Nghiên cứu chính trị của Đại học Chulalongkorn (Thái Lan) và học thạc sĩ ngành Quản lý khách sạn quốc tế tại Đại học Surrey (Anh).

"Khi tôi 8 tuổi, cha tôi đã tham gia chính trị. Kể từ ngày đó, cuộc sống của tôi cũng gắn liền với chính trị" - bà chia sẻ trong bài phát biểu vào tháng 3/2024.

Năm 2019, bà kết hôn với cựu phi công thương mại Pidok Sooksawas, tổ chức 2 tiệc cưới xa hoa ở Thái Lan và Hồng Kông (Trung Quốc). Cặp đôi hiện có 2 con.

Bà Paetongtarn từng thu hút đông đảo công chúng, khi thường xuyên chia sẻ lối sống xa hoa của mình với gần 1 triệu người theo dõi trên Instagram. Đồng thời, sức trẻ cùng cách ăn nói khéo léo cũng giúp bà nổi bật, nhất là trong trong bối cảnh nền chính trị Thái Lan hầu hết do nam giới lớn tuổi thống trị.

Trước khi tham gia chính trường cách đây 3 năm, Paetongtarn đã tham gia điều hành mảng kinh doanh khách sạn của gia tộc.

leftcenterrightdel
 Paetongtarn Shinawatra phát biểu tại Đại học Thammasat vào tháng 3/2023 - Ảnh: Getty Image

Mặc dù bà chưa từng giữ chức vụ quan trọng nào trong chính phủ nhưng trên con đường dấn thân vào giới chính trị, bà Paetongtarn đã chứng minh bản thân là một chính trị gia khôn khéo. Bà tích cực tham gia các hoạt động trong đảng Pheu Thai vào đầu năm 2022 và nhanh chóng được các cử tri quý mến.

Trong thời kỳ ông Srettha nắm quyền, bà giữ chức Chủ tịch Uỷ ban quyền lực mềm quốc gia để quảng bá hình ảnh Thái Lan ra nước ngoài.

Trong năm 2024, bà còn từng bước ghi dấu ấn với các hoạt động chính trị trọng điểm như tháp tùng Ngoại trưởng Maris Sangiampongsa tới cuộc họp BRICS ở Nga (6/2024), nơi Thái Lan chính thức nộp đơn xin gia nhập khối các nền kinh tế lớn mới nổi. Ngoài ra, bà còn nỗ lực liên kết với các chính trị gia nhằm tạo kết nối với quân đội, khi tham gia một khóa học tại Viện Nghiên cứu Quốc phòng Quốc gia.

Sự hỗ trợ đắc lực của gia tộc

Không phủ nhận những nỗ lực của tân nữ Thủ tướng Thái Lan, nhưng theo New York Times, sự thăng tiến của bà Paetongtarn là minh chứng rõ ràng nhất cho thấy ông Thaksin, người từng bị lật đổ trong cuộc đảo chính năm 2006 vẫn là một nhân vật có quyền lực. Gia tộc và đảng Pheu Thai của ông vẫn sẽ đi đầu trong nền chính trị Thái Lan.

Bà Paetongtarn Shinawatra gần như luôn hiện diện trong suốt chiến dịch tranh cử từ năm 2023, khi trở thành gương mặt đại diện cho đảng Pheu Thai và là 1 trong 3 ứng cử viên thủ tướng của đảng này.

Vào tháng 10/2023, các thành viên đảng Pheu Thai đã cố gắng bỏ phiếu áp đảo để Paetongtarn trở thành lãnh đạo đảng và cam kết sẽ khôi phục hình ảnh của đảng. Tuy nhiên chiến thắng cuối cùng đã thuộc về ông Srettha.

leftcenterrightdel
 Bà Paetongtarn Shinawatra gây chú ý với khả năng ăn nói khéo léo - Ảnh: AFP

Theo CNA, vào tháng 5/2024, trong bối cảnh chính quyền của Srettha và Ngân hàng Thái Lan đang gây ra tranh cãi về lãi suất, bà Paetongtarn Shinawatra tiếp tục nhận được sự hỗ trợ của cha, gây chú ý khi đứng ra chỉ trích tính độc lập của ngân hàng trung ương là một rào cản trong việc giải quyết các vấn đề kinh tế.

Tiếp đó, bà cũng nêu ra hàng loạt chính sách từng giúp 2 cựu thủ tướng nhà Shinawatra giành được sự ủng hộ của cử tri như mở rộng dịch vụ chăm sóc sức khỏe, giảm giá giao thông công cộng, hứa hẹn tăng lương tối thiểu lên gấp đôi…

"Bà ấy luôn được giám sát chặt chẽ. Bà ấy sẽ phải chịu rất nhiều áp lực và phải dựa vào cha mình" - Thitinan Pongsudhirak - nhà nghiên cứu chính trị tại Đại học Chulalongkorn - cho biết.

Nhiều chuyên gia chỉ ra rằng bà Paetongtarn sẽ phải đối mặt với nhiều thách thức đang chờ đợi. Là thành viên của gia tộc Shinawatra, bên cạnh những thuận lợi về sự hậu thuẫn, bà Paetongtarn Shinawatra còn phải đối mặt với nhiều dư luận trái chiều. Bởi trong quá khứ, cha và cô của bà đều từng bị quân đội lật đổ trong các cuộc đảo chính và phải sống lưu vong nhiều năm ở nước ngoài.

Theo phụ nữ TPHCM