Trên vài phương diện, Selina Khatun có thể được xem là một “thám tử”. Người phụ nữ 40 tuổi có mối quan hệ rộng khắp tại 10 ngôi làng thuộc huyện Mymensingh, Dhaka, miền Bắc Bangladesh. Cô dùng ưu thế này cùng sự nhạy bén cá nhân cho một mục đích đặc biệt: để giúp phụ nữ địa phương chẩn đoán và điều trị bệnh kịp thời.

“Nếu phát sinh vấn đề gì đó ở những ngôi làng, tôi có thể nắm bắt sớm hơn hầu hết cư dân quanh đây”, Khatun chia sẻ trong lúc đo huyết áp cho một người mẹ trẻ tại làng Savar Southpara. “Càng sớm nhận ra rủi ro, chúng tôi càng dễ tìm phương án giải quyết”.

Khatun được người dân bản địa quen gọi bằng danh xưng Shasthya Kormi, tương tự như nhân viên y tế tuyến đầu. Cô phụ trách một đội gồm 10 Shasthya Shebika, những nữ tình nguyện viên chuyên chăm sóc - tư vấn y tế tại nhà. Họ đang sinh sống và chăm lo sức khỏe trong từng ngôi làng của huyện.

Chăm sóc sức khỏe cho hàng triệu người

Khắp 61 huyện ở Bangladesh, ước tính có khoảng 50.000 phụ nữ tương tự Khatun và nhóm của cô. Họ thăm khám sức khỏe tận nhà, giúp đỡ người nghèo trong nhiều vùng nông thôn, khu ổ chuột vốn thiếu hụt trầm trọng cơ sở hạ tầng y tế.

Những nữ tình nguyện viên này là “mối liên kết” quan trọng hàng đầu trong một hệ thống y tế cộng đồng vận hành bởi chính phủ Bangladesh và các tổ chức phi chính phủ. Hệ thống ra đời với mục tiêu hỗ trợ chăm sóc sức khỏe thường niên miễn phí hoặc chi phí thấp cho 80 triệu người dân có hoàn cảnh khó khăn.

Mô hình tư vấn y tế tại nhà không chỉ là cách phụ nữ Bangladesh hỗ trợ nhau bảo vệ sức khỏe, mà còn biểu thị cho nỗ lực cải thiện đáng khích lệ của ngành y tế bản địa.
Mô hình tư vấn y tế tại nhà không chỉ là cách phụ nữ Bangladesh hỗ trợ nhau bảo vệ sức khỏe, mà còn biểu thị cho nỗ lực cải thiện đáng khích lệ của ngành y tế bản địa

 

Từ năm 1990-2015, ở Bangladesh, tỷ lệ tử vong của trẻ dưới 5 tuổi đã giảm 75%, tỷ lệ sản phụ tử vong giảm 71%. Số lượng phụ nữ nông thôn sử dụng các biện pháp tránh thai an toàn tăng gấp 10 lần so với thập niên 1970. Số trẻ nhỏ được tiêm chủng vắc xin DTP3 ngừa 3 bệnh nguy hiểm (bạch hầu - uốn ván - ho gà) hiện đã vượt mức 90%.

“Ở lĩnh vực chăm sóc sức khỏe bà mẹ và trẻ em, Bangladesh đã đạt được nhiều bước tiến ấn tượng thời gian qua”, Sarah Hawkes, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu Giới tính và Sức khỏe Toàn cầu thuộc Đại học College London, nhận định. “Sự liên kết giữa các cộng đồng địa phương cũng như khả năng đáp ứng nhu cầu thực tế của người dân đang cho thấy khởi sắc ngoạn mục”.                                                                                              

Mô hình tư vấn y tế cộng đồng khởi nguồn ngay sau khi quốc gia Nam Á chính thức giành độc lập năm 1971. Ban đầu, chính phủ Bangladesh triển khai chương trình cung ứng dịch vụ kế hoạch hóa gia đình cho hàng triệu phụ nữ trong nước.

Thời bấy giờ, ràng buộc tôn giáo cùng định kiến xã hội là 2 trở lực lớn khiến nữ giới gần như không thể hưởng quyền lợi chăm sóc sức khỏe căn bản. Bên cạnh đó, Bangladesh khi này đang vô cùng khan hiếm lực lượng y bác sĩ.

Để cải thiện, ngành y tế Bangladesh đã trải qua hàng loạt thay đổi, thích nghi. Từ mục tiêu kế hoạch hóa gia đình vào thập niên 1970, những đội tình nguyện viên, cố vấn viên y tế bắt đầu mở rộng giám sát sức khỏe bà mẹ - trẻ em, và đến sau năm 2010 là tổng thể sức khỏe cộng đồng.  

Mặt tiền một trung tâm y tế cộng đồng tại làng quê Bangladesh.
Mặt tiền một trung tâm y tế cộng đồng tại làng quê Bangladesh

 

Thành tựu đi đôi thử thách 

Ngày nay, đội ngũ Shasthya Shebika - sau khi trải qua 3 tuần tập huấn, dành vài giờ hằng ngày để đến thăm từng hộ dân trong ngôi làng họ phụ trách. Công việc của họ bao gồm: phổ biến kiến thức sức khỏe, nhắc nhở người dân giữ vệ sinh chung, ăn uống dinh dưỡng, tuân thủ kế hoạch hóa gia đình cũng như thu thập số liệu nhân khẩu, đưa ra lời khuyên khám chữa bệnh khi cần.

Cộng tác mật thiết cùng họ là các Shasthya Kormi, có ít nhất 10 năm kinh nghiệm học y khoa và phải trải qua ít nhất 1 tháng rèn luyện. Đây là nhóm nhân viên y tế đa năng thường chịu trách nhiệm chăm sóc sức khỏe sinh sản cho phụ nữ và điều trị một số bệnh lý thường gặp về đường hô hấp, tiêu hóa.

Shasthya Shebika làm việc gần giống như những giám sát viên”, Morseda Chowdhury, Giám đốc Chương trình Dinh dưỡng, Sức khỏe và Dân số của tổ chức phi lợi nhuận BRAC (đơn vị đầu tiên ở Bangladesh triển khai mô hình Shasthya Shebika từ năm 1990), cho biết. “Họ sống nhiều năm trong làng nên hiểu rõ đời sống sinh hoạt tại đây. Nếu xảy ra bất kì rắc rối gì về sức khỏe cộng đồng, họ có thể phản ứng kịp thời”.    

Ở huyện nhỏ hẻo lánh Mymensingh, tỷ lệ đói nghèo còn trong ngưỡng báo động, luôn đồng hành cùng nhận thức chăm sóc sức khỏe yếu kém. Tại làng Savar Southpara được kết nối với bên ngoài bằng con đường đất xuống cấp, đồng ruộng bao quanh dãy nhà dân lụp xụp chưa có đèn điện.

Một ngôi nhà gạch đơn sơ ở làng Savar Southpara.
Một ngôi nhà gạch đơn sơ ở làng Savar Southpara

 

Trong bối cảnh thiếu thốn như thế, tình trạng kết hôn ở tuổi vị thành niên vẫn đang tiếp diễn, trở thành mối đe dọa không ngừng đến sức khỏe phụ nữ. Thế nhưng nhờ sự hiện diện của các Shasthya Shebika  Shasthya Kormi, nhiều người trước kia khó có thể tiếp cận dịch vụ khám sức khỏe phụ sản, giờ đây đã cảm thấy an tâm hơn.

Khi Kulsum Akter mang thai con trai nay lên 3 tuổi, cô nhận ra “cơ thể nặng nề” một cách kỳ lạ. Selina Khatun, vị Shasthya Kormi cô quen biết phát hiện Akter đang thiếu dinh dưỡng và giới thiệu cô đến một cơ sở y tế để kiểm tra chuyên sâu. Tại đây, cô được chẩn đoán mắc bệnh thiểu ối (chỉ số nước ối thấp). Để tránh nguy hiểm cho thai nhi, Akter được mổ lấy thai. “Các nữ nhân viên y tế trong làng đều khiến tôi tin tưởng. Vì chúng tôi đã biết nhau từ lâu. Họ luôn quan tâm đến tôi như người một nhà”. Akter chia sẻ.

Năm 2009, nhờ nỗ lực của BRAC và chính phủ Bangladesh, 13.000 trung tâm y tế cộng đồng vận hành bởi đội ngũ tình nguyện viên nữ bắt đầu đi vào hoạt động. Chúng được trang bị đầy đủ thiết bị sơ cứu, tiêm chủng và khám sức khỏe căn bản, dễ tiếp cận với cả những thôn làng hẻo lánh. Trong đại dịch vừa qua, tại các cơ sở này, Shasthya Shebika vừa đẩy mạnh nhận thức, kêu gọi người dân tiêm chủng đủ liều vắc xin COVID-19, vừa làm tốt dịch vụ khám thai, khám sức khỏe ngừa bệnh lao và sốt rét.

Tuy nhiên bên cạnh thành công nổi bật, giới chuyên gia y tế quan ngại mô hình khám sức khỏe tại nhà có thể vấp phải khó khăn lớn do sự phát triển rối rắm hiện nay của không ít tổ chức phi lợi nhuận, dự án xã hội - vốn dễ kéo theo nạn mất cân bằng về quyền lợi chăm sóc sức khỏe của người dân. Những năm gần đây, đội ngũ Shasthya Shebika từ 80.000 đã giảm còn 50.000 người. Giáo sư Sarah Hawkes tin rằng, các tình nguyện viên “nên được hưởng chế độ lương thưởng thích đáng” để khuyến khích họ làm việc lâu dài.

Theo phụ nữ TPHCM