Phụ nữ Ấn Độ mang gạch về lò nung trong nhà máy ở Jirrnia, bang Tripura năm 2017. Ảnh: AFP.

Soniya 4 năm qua sống trong tình cảnh "lệ thuộc nợ", một hình thức nô lệ phổ biến ở Ấn Độ, để trả khoản vay 725 USD cho gia đình. Giống nhiều phụ nữ cùng cảnh ngộ, Soniya không được tiếp cận với hệ thống chăm sóc sức khỏe. Những người giải cứu Soniya cho biết cô bị suy dinh dưỡng, yếu tới mức gần như gục ngã, hai tay ôm chặt bụng và từ chối nói chuyện.

"Sau khi giải cứu, chúng tôi nhận thấy biểu hiện qua ánh mắt của cô ấy không ổn. Khi chúng tôi đưa Soniya vào viện, mọi chuyện đã quá muộn", Megraj Kasim, một quan chức ở huyện Vellore, bang Tamil Nadu, miền nam Ấn Độ cho hay.

Ông phụ trách hoạt động giải cứu và giúp đỡ các "lao động khổ sai", thuật ngữ dùng để chỉ những người phải làm việc nặng nhọc để trả nợ mà không được hoặc được trả rất ít lương tại Ấn Độ.

Hàng loạt cuộc giải cứu trong năm nay ở Ấn Độ khiến dư luận chấn động vì cảnh ngộ của hàng trăm phụ nữ mang thai và đang cho con bú làm việc quần quật trong các lò gạch, nhà máy xay xát, trang trại để trả những khoản nợ không phải do mình vay.

"Họ thường im lặng vì bị đe dọa, đó là lý do không ai biết tới bi kịch của họ", Helen Barnabas, cố vấn Cơ quan Tư pháp Quốc tế, một tổ chức từ thiện chống buôn người, cho hay.

"Trong đa số các cuộc giải cứu, thường có ít nhất một phụ nữ mang thai hoặc đang cho con bú. Họ không được tiếp cận hệ thống y tế, buộc phải làm việc và chịu đựng nhiều sang chấn mà hiếm khi dám nói ra. Họ phải chịu sự tàn ác không thể tưởng tượng". Bộ Lao động Ấn Độ từ chối bình luận vấn đề này.

Ấn Độ có hơn 135.000 lao động khổ sai trong cuộc điều tra dân số năm 2011, dù hình thức này bị cấm từ năm 1976. Chính quyền cho hay hơn 300.000 người đã được giải cứu khỏi chế độ nô lệ từ năm 1976 và cam hết sẽ giải cứu hơn 10 triệu lao động khổ sai nữa tới năm 2030.

Kasim cho hay việc khó khăn nhất là động viên để những phụ nữ đã mất con nói lên cảnh ngộ của mình, bởi nó phản ánh "bức tranh chân thực về sự bóc lột". 

"Họ không dám lên tiếng và chúng tôi phải rất vất vả mới tạo được niềm tin của họ", ông nói. "Nhưng khi họ đủ tin tưởng bạn để nói ra, câu chuyện ấy rất đau lòng. Ngay cả những quan chức cứng rắn nhất cũng phải xúc động trước nỗi đau mà họ phải chịu, nhất là những phụ nữ mất con".

Kasim chỉ đạo phải kiểm tra sức khỏe cho mọi lao động được giải cứu trong khu vực do ông phụ trách. Chính quyền Tamil Nadu cũng đang tìm cách thực thi việc kiểm tra sức khỏe bắt buộc trên toàn bang.

Barnabas cho hay phụ nữ ở các khu vực dân tộc thiểu số thường tự chữa bệnh bằng thảo mộc, giống như những người bà, người mẹ của họ, bởi không được tiếp cận y học hiện đại.

"Bi kịch ở chỗ khi mất con, họ không đổ lỗi cho chủ nhà máy mà đổ lỗi cho bản thân, nghĩ rằng mình đã xúc phạm thánh thần", cô nói. "Phải mất nhiều năm để họ hiểu được mình không mắc lỗi".

Ashtama Davi, 35 tuổi, trải qua ba tháng cuối thai kỳ trong cái nóng hầm hập của lò gạch ở bang Haryana, phía bắc đất nước. Sinh con được 15 ngày, cô quay lại làm việc, để lại đứa bé sơ sinh cho anh trai 7 tuổi chăm nom trong túp lều lợp mái tôn cạnh lò gạch.

Khi được giải cứu 6 tháng sau, đứa trẻ bị nổi mẩn khắp người, còn Devi cho rằng bé bị như vậy là do thời tiết nắng nóng lúc chào đời.

"Tôi nung gạch và làm việc 14 tiếng một ngày suốt thời gian mang thai", Devi nói qua điện thoại từ Delhi, sau khi được giải cứu tháng trước. "Ông chủ sẽ đánh chồng tôi nếu anh ấy xin đưa tôi đi bác sĩ".

Cô nhớ lại hai lần mang thai trước, nhân viên y tế trong làng giúp bổ sung dinh dưỡng và cô nhận được 1.400 rupee (20 USD) trợ cấp của chính quyền khi sinh con. 

Nhưng làm lao động khổ sai, Devi không được chăm sóc như thế nữa, khiến đứa bé sinh ra bị thiếu cân. "Con tôi nặng có 2 kg, thằng bé rất yếu", cô nói.

Devi bị dụ dỗ làm lao động khổ sai bằng khoản tiền trả trước 218 USD và lời hứa về cuộc sống tốt đẹp hơn. Cô nằm trong số 80 người được giải cứu tháng trước, trong đó 32 người là trẻ em.

Nirmal Gorana, chuyên gia của Ủy ban Chiến dịch Quốc gia về Xóa bỏ Lao động Khổ sai, cho hay con trai của Devi bị suy dinh dưỡng nghiêm trọng khi được giải cứu và vẫn trong tình trạng nguy kịch.

"Những đứa trẻ chúng tôi cứu được từ các địa điểm này đều rất yếu, bị bệnh ngoài da, không bé nào mặc quần áo. Các cháu sống trong cái nóng oi bức cạnh lò gạch dưới mái tôn", Gorana nói.

Với Soniya, người vẫn không chịu tin rằng mình đã bị sẩy thai, những tháng ngày sắp tới sẽ rất khó khăn. "Chúng tôi nhận thấy họ thường bị trầm cảm kéo dài trước khi hiểu chuyện gì thực sự đã xảy ra", Barnabas cho hay.

                                                                                                                                                              Theo vnexpress