Tiếp xúc với người chết kể cả lúc mang thai
"Người sống đáng sợ hơn người chết", cô Sarah Ang (36 tuổi) - Giám đốc nhà tang lễ và nhà xác Serenity Casket & Fu Tangs (Singapore) chia sẻ. Cô Justine Ann (32 tuổi), một nhân viên cũng đồng ý với quan điểm này. Justine từng làm y tá và nhân viên khách sạn nhưng cô chuyển sang ngành dịch vụ tang lễ với lý do: "Tôi không muốn làm việc với người còn sống".
Sarah và Justine là thành viên trong nhóm 4 cô gái làm nghề xử lý, bảo quản và trang điểm thi thể. 2 người còn lại là Lim Yi Huey (25 tuổi) và Nicole Chong (27 tuổi) với hơn 7 năm kinh nghiệm làm nghề.
Trước đây, không nhiều phụ nữ tại Singapore được ủng hộ thực hiện việc làm liên quan đến thi thể. Tuy nhiên, mọi thứ đã thay đổi trong 5 năm qua và ngày càng có nhiều người trẻ tuổi hứng thú tham gia vào công việc này. 4 cô gái này là những người đi tiên phong. Riêng cô Sarah đã học ngành này tại New Zealand và trở về Singapore năm 2014. Cô đã xử lý hơn 3.500 ca. Đối với Yi Huey, điều thu hút cô đến với công việc hiện tại là sự quan tâm đối với cơ thể con người. "Tôi mong muốn có thể giúp một người đã khuất trong hành trình cuối cùng của họ", cô cho biết.
Họ không bao giờ ngừng hoạt động, kể cả khi mang bầu. Sarah chia sẻ, tất cả các thành viên trong nhóm đều đảm nhận hai vai trò là người ướp xác cũng như tổ chức tang lễ hoặc dịch vụ khách hàng. Bản thân Sarah vẫn tiếp tục làm việc trong quá trình mang thai, chỉ dừng lại một ngày trước khi lên lịch sinh mổ cho đứa con đầu lòng.
Nơi làm việc của 4 cô gái là một căn phòng nhỏ với 2 chiếc bàn thép đặt cạnh nhau, một bồn rửa và những thiết bị chuyên dụng. Ngay cả khi đeo khẩu trang, người ta vẫn ngửi thấy mùi thuốc khử trùng thoang thoảng trong không khí. Công việc của các cô gái là làm sạch thi thể, tiêm hóa chất vào động mạch để bảo quản, thay quần áo và đưa thi thể vào quan tài. Họ còn làm tóc, trang điểm và thậm chí là làm móng cho những người đã khuất.
Nữ giám đốc Sarah Ang cho biết trong suốt nhiều năm làm việc, nhóm đã gặp không ít tình huống đặc biệt. Đó là trường hợp một khách hàng muốn tóc của người thân phải được tẩy trắng trước khi nhuộm màu. "Tôi không biết liệu da đầu của người đã khuất có nhạy cảm với hóa chất không. Điều gì sẽ xảy ra nếu tóc của cô ấy rụng hết? Vì vậy, tôi đã phải hỏi cặn kẽ khách hàng rất nhiều về việc người đã khuất có từng nhuộm tóc trước đó hay chưa", cô Sarah kể.
Với sự giúp đỡ của Nicole, Sarah đã nhuộm tóc cho thi thể theo đúng nguyện vọng của gia quyến. "Chúng tôi chắc chắn rằng đã làm hết sức mình. Rất may, gia đình hài lòng với kết quả cuối cùng", Sarah nói.
Một khách hàng khác yêu cầu cô trang điểm má có hình tròn đỏ và tô son ở giữa môi cho người mẹ đã khuất của mình. Khách hàng còn yêu cầu tôi đánh phấn mắt màu xanh cho mẹ mình vì khi còn sống, bà ấy luôn trang điểm như vậy.
Trường hợp khó khăn khác mà Sarah gặp phải đó là một cái chết xảy ra trên tàu biển chở hàng. "Chúng tôi đã trải qua 6 giờ lênh đênh trên biển. Thi thể của người đã khuất được thủy thủ đoàn đặt trong tủ lạnh, nơi họ vẫn sử dụng để bảo quản thức ăn mỗi ngày. Khi trở về đến đất liền, thi thể đã phân hủy nghiêm trọng, da bắt đầu bong ra và bốc mùi khó chịu. Tôi phải nhờ mọi người đi tìm nhang để đặt xung quanh và nhanh chóng tiến hành xử lý thi thể để chôn cất. Tất cả những gì họ có thể làm là quấn thi thể bằng nhiều lớp vải để ngăn các chất bị rò rỉ", Sarah kể.
Trân quý gia đình hơn
Khi phải ướp xác một cậu bé năm hoặc sáu tuổi đã chết vì bạo bệnh, cô Nicole, một bà mẹ hai con thú nhận: "Trong tâm trí tôi cứ nghĩ về con mình và xót xa cho bố mẹ cậu bé".
Công việc đặc thù như vậy đã khiến những thành viên trong nhóm cảm thấy quý trọng cuộc sống nhiều hơn, đặc biệt là dành nhiều thời gian hơn cho con cái và những người thân yêu của mình. Cô Sarah chia sẻ: "Giờ đây, tôi rất quý trọng thời gian ở bên gia đình. Vào tháng trước, bà tôi qua đời, tôi đã rất hối hận vì đã không dành thời gian cho bà nhiều hơn. Tôi bắt đầu nghĩ rằng mình cần cân bằng hơn giữa công việc và cuộc sống. Nếu không, cuộc sống của tôi thật là lãng phí".
Còn cô Nicole nói: "Tôi cũng vậy. Vào những ngày nghỉ phép, tôi sẽ cố gắng đến nhà ông bà ngay cả khi tôi không làm gì ở đó, chỉ là để đi dạo cùng họ. Chúng ta sẽ không bao giờ biết được khi nào mình chết; vì vậy, mỗi ngày phải sống thật trọn vẹn".
Nhu Thụy