leftcenterrightdel
 Melanie Perkins (giữa) cùng 2 nhà đồng sáng lập Canva là Cliff Obrecht (bìa trái) và Cameron Adams

Không nản trước hơn 100 lời từ chối

Melanie Perkins xuất thân từ một gia đình có mẹ là một giáo viên gốc Australia và bố là kỹ sư người Malaysia. Từ khi còn nhỏ, Perkins đã bắt đầu dấn thân vào kinh doanh sáng tạo. Dự án kinh doanh đầu tiên của cô là tự thiết kế và bán khăn quàng cổ thủ công tại các cửa hàng và chợ ở Perth khi cô mới 14 tuổi. Thông qua công việc này, cô đã có những trải nghiệm đầu tiên về kinh doanh, sáng tạo và phát hiện bản thân thật sự hứng thú với nó.

Khi còn là sinh viên, Perkins theo học môn Truyền thông kỹ thuật số và có niềm đam mê với thiết kế đồ họa. Cô xuất sắc đến nỗi được nhà trường mời giảng dạy tại các hội thảo về thiết kế đồ họa cho sinh viên ở khoa khác. Trong thời gian giảng dạy tại trường Đại học Perth ở Australia, Melanie Perkins nhận thấy các nền tảng từ Microsoft và Adobe quá khó để sử dụng. Từ đây, cô nảy ra ý định tạo một phần mềm thiết kế trực tuyến, đơn giản, dễ sử dụng. Đây cũng là cú hích giúp Perkins gặt hái được thành công. 

Năm 22 tuổi, Perkins cùng Cliff Obrecht sáng lập một hệ thống trực tuyến giúp sinh viên có thể tự thiết kế trang cá nhân cũng như ghi lại những kỷ niệm, bức ảnh kỷ yếu theo ý thích mang tên Fusion Books. Quãng thời gian này, cô vẫn đang làm giảng viên thiết kế đồ họa tại Đại học Perth. Từ thành công của Fusion Books, Melanie Perkins cùng hai người bạn sáng lập nên Canva. Cô nghỉ công việc giảng viên để tập trung phát triển dự án mới.

Giai đoạn đầu, cô từng phải sử dụng phòng khách ở nhà bố mẹ để làm phòng nghiên cứu. Khi Canva mới bắt đầu hoạt động và chưa có nhiều tiếng tăm, Perkins đã có những quyết định vô cùng táo bạo. Trong quá trình gọi vốn để phát triển công nghệ Canva, Perkins đã ngậm ngùi nhận về hơn 100 lời từ chối của các nhà đầu tư. 

Sự kiện đã thay đổi cuộc đời cô là khi gặp được triệu phú Bill Tai trong một hội nghị dành cho các nhà sáng tạo tại Perth năm 2010. Những ý tưởng và thái độ không khuất phục của cô đã làm vị triệu phú này bị chinh phục hoàn toàn. Điều này đã mang lại khoản đầu tư vào Canva trị giá 3 triệu USD từ những tên tuổi lớn ở Thung lũng Silicon như Facebook, Google Maps, Yahoo… Chính phủ Australia thậm chí còn đưa ra khoản đầu tư 1,5 triệu đô la trong nỗ lực giữ công ty tại nước này. Công ty Canva chỉ thật sự "cất cánh" năm 2012 khi cặp đôi Perkins và Obrecht tìm được thêm người đồng sáng lập công nghệ Cameron Adams.

Điều này đã tạo nên bước ngoặt lớn đưa Canva trở thành phần mềm công nghệ được sử dụng rộng rãi trên thế giới. Các công cụ của Canva đơn giản và rất dễ sử dụng, giao diện của nó thân thiện và trực quan. Người dùng được cung cấp một loạt mẫu, phông chữ, màu sắc và hình ảnh miễn phí để lựa chọn. Từ ảnh bìa Facebook đến bài đăng trên Instagram, tài liệu quảng cáo, infographics, logo, chương trình đám cưới…, mọi người có thể thiết kế mọi thứ trên Canva.

Vượt khỏi vùng an toàn

Ở thời điểm hiện tại, Canva có 2.500 nhân viên ở 17 nước. Có 60 triệu người dùng đăng ký tại 190 quốc gia. Nền tảng này được dịch sang 100 ngôn ngữ và người dùng Canva đã tạo ra hơn 7 tỷ thiết kế nhưng tham vọng của Melanie Perkins là muốn công ty trở nên phổ biến hơn nữa. Không những thế, Canva còn được tin dùng bởi hơn 10 triệu sinh viên và giáo viên hay nhân viên của các công ty như American Airlines Group, Zoom, SkyScanner, Intel, Salesforce.com, PayPal và Marriott International. Họ có thể chọn mẫu, sau đó tùy chỉnh để tạo ra logo, sơ yếu lý lịch, tờ rơi hoặc thậm chí là thiết kế áo phông.

Melanie Perkins đang nắm giữ vị trí Giám đốc điều hành của Canva. Với Perkin, thành công hôm nay của Canva không nằm ở chỗ cô bền bỉ vượt qua hàng trăm lần thất bại mà quan trọng là cô ấy đã nhận thức được lỗi lầm mà bản thân mắc phải để khắc phục và từ đó ngày càng hoàn thiện sản phẩm. Theo cô, hãy tự tin đứng lên cất tiếng nói của mình. Khi có cơ hội, người phụ nữ hãy vượt khỏi vùng an toàn, vượt khỏi những điều từng khiến mình sợ hãi để trở thành nhà lãnh đạo. Bên cạnh đó, việc biết lắng nghe mới chính là khả năng quan trọng để có thể điều phối được các mối quan hệ. 

Canva hiện được định giá ở mức 55 tỷ USD. Theo Bloomberg Billionaires Index, điều này mang lại cho vợ chồng Perkins khối tài sản trị giá 15,89 tỷ USD, giúp họ lọt vào top 10 người giàu nhất Australia. Perkins cũng trở thành người phụ nữ giàu thứ hai ở Australia, sau tỷ phú kinh doanh quặng sắt Gina Rinehart với khối tài sản ròng trị giá 17,9 tỷ USD. Không chỉ tập trung kinh doanh, Perkins còn dành nhiều thời gian để hỗ trợ và đầu tư cho 25.000 tổ chức phi chính phủ.

Gia Trung