Trước khi gia nhập Tesla, Denholm từng là Giám đốc điều hành của Telstra, tập đoàn viễn thông hàng đầu của Úc. Bà từng làm việc cho nhà sản xuất thiết bị mạng Juniper Networks trong 9 năm và được ghi nhận là người giúp doanh thu của Juniper tăng mạnh. Từ năm 1996 đến năm 2007, bà giữ nhiều vai trò khác nhau tại công ty phần mềm Sun Microsystems.
Denholm được nhiều người đánh giá là người điềm tĩnh, ít nói và thỉnh thoảng thích những rủi ro có tính toán. Chẳng hạn, khi làm Giám đốc tài chính ở Juniper Networks, Denholm đã chống lại áp lực từ Phố Wall trong việc cắt giảm chi phí và sa thải nhân viên, bảo vệ quyết định đầu tư vào nghiên cứu và phát triển của công ty. Theo một số nhà phân tích, chiến lược này đã thành công.
Hồi tưởng lại hành trình gia nhập Tesla, Denholm cho biết, thời điểm năm 2014, Tesla có 9.000 nhân viên, tất cả xe đều sản xuất tại Fremont, California (Mỹ) và chỉ sản xuất được khoảng 30.000 xe. Năm 2023, Tesla đã sản xuất gần 1 triệu ô tô và có hơn 110.000 nhân viên, với các nhà máy hoạt động trực tuyến tại 3 châu lục.
Bà thừa nhận rằng quỹ đạo sự nghiệp của mình đã đi chệch khỏi tầm nhìn ban đầu. Ở độ tuổi 20, bà hình dung việc bản thân sẽ nghỉ hưu ở tuổi 45 để tận hưởng cuộc sống nhàn nhã, đi du lịch. Tuy nhiên, khi bước sang tuổi 30, bà nhận ra rằng ước mơ này khó có thể thành hiện thực và tiếp tục xây dựng sự nghiệp.
Bài học về thất bại và lòng dũng cảm
Denholm có bước chuyển mình quan trọng trong sự nghiệp vào năm 2018 khi bà rời vị trí lương cao tại Telstra để trở thành Chủ tịch của Tesla, bất chấp hoài nghi từ bạn bè. Họ đặt câu hỏi về quyết định của Denholm khi rời bỏ vai trò lãnh đạo tại một công ty hàng đầu của Úc để làm cho một công ty gây tranh cãi và không mang lại lợi nhuận.
Trong một bài phát biểu, Denholm đã nói về những rủi ro mà bà gặp phải trong sự nghiệp của mình, nhấn mạnh sự phù hợp của bản thân với tư duy của Elon Musk, đặc trưng bởi việc sẵn sàng thực hiện những bước đi táo bạo ngay cả khi có nguy cơ thất bại.
Với Denholm, nuôi dưỡng tinh thần học hỏi từ những điều thất bại là rất cần thiết. Bà giải thích rằng, bằng cách công nhận thất bại, các cá nhân sẽ cảm thấy được trao quyền để chấp nhận rủi ro và khám phá những ý tưởng mới mà không sợ hãi. Denholm cho rằng, đổi mới từ từ là một cách đổi mới hiệu quả trong công ty nhưng việc chấp nhận những rủi ro lớn thường có giá trị hơn.
"Những bước nhảy vọt thực sự xảy ra khi bạn vượt ra ngoài giới hạn. Vì vậy, nếu bạn không mong đợi, không đón nhận thất bại thì đối với tôi, điều đó không tạo ra tư duy đúng đắn trong công ty để thúc đẩy mọi thứ tiến lên phía trước", bà nói. Thông điệp tâm đắc nhất của Denholm là "hãy cố gắng, bất chấp những hạn chế của bản thân hoặc ý kiến bên ngoài".
Khi nói đến lòng can đảm, Denholm cho rằng, đó không phải là nhảy ra khỏi máy bay, lên Mặt trăng hay bơi cùng cá mập. Với bà, đó là khoảnh khắc không được mọi người nhìn thấy khi làm điều đúng đắn, đứng lên bảo vệ người khác, thay đổi quan điểm và trở thành một người đi ngược lại với đám đông. "Đối với tôi, đó là việc có đủ dũng cảm để chấp nhận những rủi ro, biết rằng mình có thể thất bại nhưng không ngừng học hỏi kinh nghiệm", Chủ tịch Tesla chia sẻ.
Kim Ngọc (Tổng hợp)