Shanti Pereira, vận động viên chạy nước rút 25 tuổi, được mệnh danh là "người phụ nữ nhanh nhất Singapore".

Một trong những thành tích nổi bật nhất của Shanti là tại SEA Games 2022 tổ chức tại Hà Nội hồi tháng 5, cô không chỉ giành HCV ở chung kết 200 m nữ mà còn lập kỷ lục quốc gia mới với thời gian 23,52 giây.

"Đó là khoảnh khắc đáng tự hào nhất của tôi, bởi nó đến sau khi tôi trải qua nhiều thăng trầm. Tôi đã mất rất nhiều thời gian chuẩn bị tâm lý cho cuộc đua. Nó quan trọng bởi đó là lúc tôi thoát khỏi những thứ đang kìm hãm mình. Đó là lý do tôi rất xúc động sau cuộc đua, thật phấn khích khi chỉ cần buông bỏ áp lực và giành chiến thắng", Shanti nói với Her World.

Kỷ lục trên đường chạy

Lần đầu tiên Shanti được tiếp xúc với môn điền kinh là khi nhìn chị gái mình thi đấu trong một cuộc đua khi còn bé, được truyền động lực từ đó. Shanti đã tham gia các cuộc thi chạy tiếp sức 100 m và 400 m của trường và giành chiến thắng, thu hút sự chú ý của huấn luyện viên điền kinh - người đề nghị cô tham gia các buổi tập của ông.

Gần 20 năm sau, Shanti trở thành ngôi sao điền kinh, giành được nhiều thành tích đáng ngưỡng mộ, phá đổ kỷ lục của chính mình trên đường chạy.

Tại SEA Games 2015, cô giành được huy chương đồng ở nội dung chạy 100 m và huy chương vàng chạy 200 m. Đây cũng là những tấm huy chương đầu tiên của Singapore tại sự kiện thể thao sau 42 năm.

Shanti lập được một số kỷ lục quốc gia mới tại Đại hội thể thao Khối thịnh vượng chung 2022 ở Birmingham (Anh) vào tháng 8/2022. Cô đạt thành tích 11,48 giây ở nội dung 100 m.

leftcenterrightdel
Shanti được ngưỡng mộ khi phá vỡ nhiều kỷ lục quốc gia. 

Theo Hội đồng Olympic Quốc gia Singapore, "nữ hoàng đường chạy" đã lập kỷ lục cá nhân và thành tích quốc gia mới dựa trên thời gian trước đó là 11,58 giây. Sau đó, Shanti tiếp tục phá một kỷ lục cá nhân khác tại nội dung 200 m nước rút với thời gian 23,46 giây.

Shanti là con út trong gia đình có 4 chị em gái. Cô rất biết ơn khi luôn có gia đình làm điểm tựa. Cha mẹ cô khuyến khích con theo đuổi đam mê, còn chị gái của Shanti, Valerie (32 tuổi), cũng là VĐV chạy nước rút trong đội tuyển quốc gia. Valerie luôn cho em gái những lời khuyên phù hợp nhất.

Chiến thắng của Shanti tại SEA Games 2015 thậm chí đã truyền cảm hứng cho Valerie và chị cả Shobana (37 tuổi) viết một cuốn sách dành cho thiếu nhi có tựa đề "Go Shanti Go !".

"Các chị gái đã có mặt trên khán đài ngày hôm đó, theo dõi cuộc đua của tôi. Mỗi khi nhắc lại, các chị đều rất xúc động. Chị em tôi muốn tìm cách để lưu giữ kỷ niệm ấy. Chị gái khác của tôi là Shobi cũng rất thích viết lách. Họ đã tìm được một người vẽ minh họa để cuốn sách trở nên sống động hơn", Shanti kể.

Thăng trầm sự nghiệp

Những thăng trầm mà cô nhắc đến xảy ra trong 7 năm giữa 2 kỳ SEA Games, khi cô vật lộn với chấn thương, sự chỉ trích và thiếu tự tin. Shanti rơi vào khủng hoảng giới tính và không chắc chắn về tương lai của mình.

Sau khi tốt nghiệp Đại học Quản lý Singapore, chuyên ngành Kế toán, cô đối mặt áp lực phải tìm kiếm công việc toàn thời gian. Có thời điểm, ngôi sao điền kinh tin rằng sự nghiệp thể thao của mình đã thực sự kết thúc.

"Chấn thương là một phần trong hành trình của mỗi vận động viên, nhưng thật khó để tìm đường để có thể thi đấu ở đẳng cấp cao trở lại. Tương lai của tôi lúc đó không chắc chắn. Tôi không biết mình phải làm gì, ngoài phấn đấu cho sự nghiệp trên đường đua. Thời điểm ấy, bản thân không đạt được thành tích mới, tôi tự hỏi điều gì sẽ xảy ra tiếp theo với mình".

leftcenterrightdel
Vận động viên 25 tuổi đã trải qua nhiều năm khủng hoảng, vật lộn với chấn thương 

Shanti rơi vào khủng hoảng danh tính. Cô không biết mình sẽ là ai nếu không còn là vận động viên.

Người hâm mộ có thể hình dung được áp lực mà Shanti phải đối diện trước tương lai không chắc chắn, bởi thành tích thi đấu nổi bật đã đem đến cho cô hào quang quá lớn từ khi còn rất trẻ. Là ngôi sao, cô được kỳ vọng sẽ làm tốt mọi thứ.

Cuối cùng, cô được đào tạo tại Trường Thể thao Singapore, và nhận được bằng tốt nghiệp về quản lý thể thao và giải trí từ Đại học Bách khoa Cộng hòa.

"Mọi thứ thật khó khăn. Có quá nhiều kỳ vọng đặt lên tôi. Phải mất một thời gian dài, tôi mới thay đổi được suy nghĩ của mình. Đến tận gần đây, tôi mới có thể chấp nhận dễ dàng hơn một chút, rằng tôi đang ở trình độ mà kỳ vọng là tiêu chuẩn. Vì vậy, tôi phải chấp nhận rằng con đường mình đi khác với những người khác".

Shanti đã vượt lên áp lực. Cô tập trung vào những gì quan trọng nhất - chính là bản thân, quá trình luyện tập và sự trưởng thành với tư cách một vận động viên. Sự hỗ trợ từ gia đình và bạn bè giúp cô vượt qua thời kỳ đen tối nhất.

"Tôi không còn quan tâm nhiều đến những thứ người khác nói về mình nữa. Điều duy nhất tôi có thể làm là tập trung vào bản thân và quá trình luyện tập, ngày này qua ngày khác. Tôi nghĩ tư duy ấy đã giúp mình phát triển, thấy mình đủ tốt để hoàn thành các bài tập luyện và thi đấu. Tôi học được cách chấp nhận nhiều thứ khi chúng ập đến, vì dù sao thì rất nhiều thứ không nằm trong tầm kiểm soát của ta".

Shanti tự nhắc nhở bản thân về những thách thức đã phải trải qua bằng một hình xăm biểu tượng Olympic gần cổ tay phải. Cô đã xăm nó vào năm 2021, khi tham dự Olympic ở Tokyo, Nhật Bản.

"Nữ hoàng đường chạy" còn có một cổ động viên trung thành khác là bạn trai của mình Tan Zong Yang - luật sư và cũng là vận động viên điền kinh của Singapore. Anh là người về thứ 3 trong cuộc đua 400 m nam tại SEA Games vừa qua. Chàng trai 27 tuổi hẹn hò với Shanti từ năm 2021, sau 4 năm là bạn bè thân thiết.

"Chúng tôi cống hiến cho tập luyện và thi đấu. Cả hai cố gắng hiểu những gì mình phải trải qua, dù đó là một ngày tồi tệ nơi làm việc hay trong quá trình huấn luyện. Chúng tôi chỉ muốn ở đó vì nhau", Shanti nói với nụ cười rạng rỡ.

Theo Zing