|
|
Tiến sĩ Beata Halassy đã tự phát triển vi rút trong phòng thí nghiệm của mình để tự chữa ung thư - Ảnh: NFOTO |
Chia sẻ với báo Daily Mail ngày 12/11 về hành trình tự chữa bệnh, tiến sĩ Beata Halassy, hiện 53 tuổi, cho biết rằng cô phát hiện bệnh ung thư vú giai đoạn 3 tái phát vào năm 2020, dù trước đó bà đã trải qua phẫu thuật cắt bỏ vú. Nữ chuyên gia nghiên cứu bệnh truyền nhiễm quyết định tự mình giải quyết vấn đề vì không thể chịu đựng thêm một đợt hóa trị nào nữa.
Tiến sĩ Halassy chia sẻ, sau nhiều năm sống chung với bệnh ung thư, bà đã nghiên cứu liệu pháp vi rút tiêu hủy khối u (OVT), là hình thức điều trị ung thư sử dụng vi rút biến đổi gen để kích hoạt phản ứng miễn dịch chống khối u. Liệu pháp này đã đạt được kết quả tích cực trong các nghiên cứu trước đó, nhưng chỉ có một số ít vi rút tiêu hủy khối u được chấp thuận để sử dụng lâm sàng.
Bà đã vận dụng kinh nghiệm tích lũy trong nhiều thập niên về vi rút học để thiết kế hỗn hợp vắc xin, tại phòng thí nghiệm của bà ở Đại học Zagreb thuộc Croatia, trong 2 tháng. Bà chọn sử dụng một loại vi rút bệnh sởi và một loại vi rút bệnh cúm có tên là VSV, cả hai đều đã được chứng minh khả năng lây nhiễm vào loại tế bào liên quan đến bệnh ung thư của bà.
Tiến sĩ Halassy chia sẻ, bà đã có kinh nghiệm làm việc trước đây với cả 2 loại vi rút này, chúng cũng có hồ sơ an toàn tốt, được sử dụng rộng rãi trong vắc xin cho trẻ em, chỉ gây ra các triệu chứng giống cúm nhẹ.
Trong quá trình Halassy tự điều trị, bằng cách tiêm vắc xin trực tiếp vào khối u ở ngực, các bác sĩ ung thư vẫn theo dõi bà, để có thể chuyển sang hóa trị thông thường nếu có trục trặc. Thí nghiệm tự thân này có rủi ro kèm theo, có nguy cơ hình thành cục máu đông gây tử vong trong phổi hoặc phản ứng nguy hại khác không lường trước được.
Bà Halassy cho biết, bất chấp các rủi ro, liệu pháp đã thành công và bà đã dần khỏi ung thư trong 4 năm. Khối u dần co lại và tách khỏi cơ ngực của bà, giúp các bác sĩ dễ dàng loại bỏ nó bằng phẫu thuật.
Theo phụ nữ TPHCM