Nữ phi hành gia Christina Koch cùng các đồng nghiệp trong trạm ISS - Ảnh: REUTERS
Tuy nhiên, theo hãng thông tấn IANS (Ấn Độ) ngày 28-4, kế hoạch này không đơn thuần chỉ là việc lập một kỷ lục mới, nó có liên quan tới công tác chuẩn bị dài hơi hơn của Cơ quan Hàng không Vũ trụ Hoa Kỳ (NASA) cho các sứ mệnh đưa người lên Mặt trăng và sao Hỏa trong tương lai.
Tháng trước NASA đã chấp nhận thử thách từ chính quyền của Tổng thống Donald Trump về việc đưa con người trở lại Mặt trăng vào năm 2024, sớm hơn 4 năm so với mục tiêu trước đó đã đặt ra của NASA.
Theo đó, việc ở lại làm việc tại ISS trong thời gian lâu kỷ lục theo kế hoạch với phi hành gia Christina Koch là nhằm giúp các nhà nghiên cứu có cơ hội quan sát những ảnh hưởng của việc này với một phụ nữ như thế nào.
Sứ mệnh dự kiến kéo dài 11 tháng (330 ngày) của nữ phi hành gia chỉ ít ngày hơn một chút so với thời gian làm việc tại trạm ISS dài kỷ lục đã xác lập trước đây của một phi hành gia Mỹ, ông Scott Kelly, với 340 ngày trong giai đoạn 2015-2016.
Thử thách với bà Christina Koch là điều cần thiết vì phần lớn dữ liệu nghiên cứu hiện nay về tác động của thời gian làm việc kéo dài trong không gian với con người mới chỉ là dữ liệu liên quan tới các phi hành gia nam.
Tuy nhiên, cơ thể nam giới và phụ nữ có những phản ứng khác nhau, và tình trạng sức khỏe ở hai giới cũng sẽ diễn biến theo các mức khác nhau.
Do vậy việc nghiên cứu liên quan tới bà Christina Koch sẽ giúp nhóm chuyên gia hiểu rõ hơn cơ chế thích nghi của các nữ phi hành gia trong các khoảng thời gian làm việc kéo dài ở môi trường vũ trụ, và hỗ trợ tốt hơn cho việc phát triển các biện pháp phòng ngừa giúp đảm bảo sức khỏe tốt nhất cho nhóm phi hành gia.
Nếu hoàn thành mục tiêu dự kiến, thời gian ở lại trạm ISS của bà Koch sẽ vượt qua kỷ lục trước đó của nữ phi hành gia Peggy Whitson lập với 288 ngày trong giai đoạn 2016-2017, theo NASA.
Bà Koch đã lên tới ISS ngày 14-3, bắt đầu các hoạt động nghiên cứu khoa học từ đó. Bà dự kiến sẽ ở lại ISS cho tới tháng 2-2020.
Theo tuoitre