Thực hiện nhiều thí nghiệm trên ISS
Trong kỷ yếu của cơ quan Hàng không và Không gian Mỹ (NASA), bà Peggy Whitson là một cái tên nổi tiếng trong ngành công nghiệp vũ trụ. Bà trở thành nữ chỉ huy đầu tiên của Trạm Vũ trụ Quốc tế (ISS).
Bà Whitson sinh năm 1960, lớn lên ở Iowa, một tiểu bang của Mỹ. Whitson nhận bằng Tiến sĩ Hóa Sinh tại trường Đại học Rice ở Houston năm 1985. Năm 1986, bà chuyển đến làm cho NASA và Trung tâm Không gian Johnson (JSC) ở Houston với tư cách là cộng tác viên nghiên cứu, sau đó làm giám sát cho nhóm nghiên cứu Hóa Sinh tại KRUG International, một nhà thầu khoa học y tế của NASA tại JSC. Whitson đã có một sự nghiệp lâu dài tại NASA trước khi được lựa chọn làm ứng viên phi hành gia.
Bà Whitson bắt đầu khóa đào tạo phi hành gia vào tháng 8/1996. Sau khi hoàn thành 2 năm đào tạo, bà làm việc ở nhiều vị trí khác nhau tại chi nhánh Kế hoạch hoạt động của Văn phòng Phi hành gia của NASA. Bà Whitson bắt đầu tham gia chinh phục không gian vào đầu tháng 6/2002 ở tuổi 42, trong sứ mệnh Expedition 5 trên ISS với tư cách là một kỹ sư. Trên ISS, bà đã tiến hành hơn 20 thí nghiệm không trọng lực và khoa học về đời sống con người cũng như vận hành và lắp đặt các hệ thống phần cứng, trọng tải thương mại. Bà đã thực hiện một chuyến đi bộ ngoài không gian kéo dài 4 giờ và 25 phút để lắp đặt tấm chắn trên module dịch vụ và triển khai trọng tải khoa học. Sau gần 185 ngày trong không gian, bà trở về Trái đất trên tàu STS-113.
Ngày 10/10/2007, phi hành gia Whitson du hành lần thứ hai trên tàu Soyuz TMA-11 với phi hành gia Yury Malenchenko của Nga và Sheikh Muszaphar Shukor của Malaysia với tư cách là chỉ huy của sứ mệnh Expedition 16. Là nữ chỉ huy đầu tiên của ISS, Whitson đã giám sát và chỉ đạo việc mở rộng đáng kể không gian sống và làm việc trên ISS, bao gồm việc lắp đặt các bộ phận do các cơ quan vũ trụ châu Âu, Nhật Bản và Canada chế tạo. Trong nhiệm vụ kéo dài 6 tháng, bà đã thực hiện 5 chuyến đi bộ ngoài không gian để thực hiện các nhiệm vụ bảo trì và lắp ráp. Sau gần 192 ngày trong không gian, Whitson trở về Trái đất trên tàu Soyuz TMA-11 vào ngày 19/4/2008. Phi hành đoàn của Soyuz TMA-11 đã có một chuyến trở về Trái đất đầy khó khăn và nguy hiểm: Module thiết bị của Soyuz không thể tách rời đúng cách. Do đó, con tàu đi theo một quỹ đạo xuống dốc bất thường. Phi hành đoàn đã hạ cánh cực kỳ khó khăn, xa mục tiêu đến 470 km.
Trong giai đoạn 2009 -2012, bà trở thành nữ chỉ huy trưởng phi hành đoàn đầu tiên và duy nhất cho đến nay của NASA. Chuyến bay thứ ba của Whitson đến ISS là trên tàu Soyuz MS-03 được phóng vào ngày 17/11/2016 cùng với phi hành gia người Nga Oleg Novitsky và phi hành gia người Pháp Thomas Pesquet.
Sẽ trở lại không gian trên chuyến bay riêng
Ngày 10/4/2017, bà trở thành chỉ huy của sứ mệnh ISS Expedition 51, kéo dài đến ngày 2/6/2017. Bà đã thực hiện 4 chuyến đi bộ ngoài không gian mà các thành phần của trạm được bảo trì hoặc thay thế. Như một biện pháp cắt giảm chi phí, Nga quyết định phóng Soyuz MS-04 chỉ với một phi hành gia. Điều này làm cho một chiếc ghế trống. Vì vậy, nhiệm vụ của Whitson được kéo dài thêm 3 tháng để đảm nhận chiếc ghế đó. Tàu quay trở lại Trái đất vào ngày 3/9/2017 trên Soyuz MS-04 cùng với phi hành gia người Nga Fyodor Yurchikhin và phi hành gia người Mỹ Jack Fischer. 289 ngày bà ở trong không gian là chuyến bay đơn dài nhất của bất kỳ người phụ nữ nào. Suốt thời gian trên, bà đã lắp đặt các tấm chuyển đổi mới và nối các kết nối điện trên Trạm ISS. Bà Whitson đã lơ lửng trong không gian trên đoạn đường dài 196,7 triệu kilomet và bay vòng quanh Trái đất đến 4.623 lần. Ở tuổi 57, bà cũng là người phụ nữ lớn tuổi nhất đi vào vũ trụ.
Trong sứ mệnh trên ISS, với chuyên môn là một nhà sinh vật học, bà Whitson đã dành phần lớn thời gian để tiến hành các thí nghiệm, bao gồm nghiên cứu mô ung thư phổi, tế bào xương, tế bào máu. Trên trang Facebook của mình, Whitson cũng cho biết, bà đã thí nghiệm trồng cải bắp và trong số mong muốn đầu tiên của mình khi trở về mặt đất là được ăn ngay thứ mình đã trồng.
Sau khi trở lại mặt đất vào ngày 3/9/2017, phi hành gia Whitson với tổng cộng 665 ngày trên không gian trong sự nghiệp của mình, trở thành phi hành gia NASA có thời gian trên không gian nhiều nhất, cũng là người phụ nữ có thời gian ở trên vũ trụ nhiều nhất thế giới. "Vũ trụ là nơi tuyệt vời để làm việc, sinh sống. Điều quan trọng nhất trên trạm vũ trụ là tình bằng hữu", bà Whitson chia sẻ.
Trước những điều phi thường làm được, bà được xếp vào danh sách "100 người có ảnh hưởng" của tạp chí Time năm 2018 và giành Giải thưởng "Phụ nữ trong Khoa học Không gian" năm 2019. Tên của bà được gắn ở Đại sảnh Danh vọng Hàng không và Vũ trụ Quốc tế (2018)...
Peggy Whitson nghỉ hưu ngày 15/6/2018 nhưng dự kiến vào nửa cuối năm 2022, bà sẽ trở lại không gian. Bà đã mua chỗ ngồi trên SpaceX Crew Dragon Capsule để bay lên ISS trong 8 ngày. Chuyến bay tư nhân, có tên AX-2, được điều phối bởi Axiom, một công ty đang hợp tác với SpaceX để đưa khách du lịch vào vũ trụ. Giá cho chuyến đi có thể lên tới 55 triệu USD. Bà Whitson cho biết: "Tôi rất vui mừng được bay lên vũ trụ một lần nữa và dẫn đầu một trong những sứ mệnh tiên phong này, đánh dấu một kỷ nguyên mới của con người. Nhưng còn hơn thế, tôi háo hức có cơ hội trên AX-2 để mở ra không gian cho thế hệ phi hành gia tư nhân đầu tiên và liên kết với các nghiên cứu trên ISS". Ngoài khóa huấn luyện bay, bà sẽ nghiên cứu cách chuyển các phương pháp gene đơn bào trên cạn sang quy trình khoa học quỹ đạo với sự hợp tác của Pleasanton, 10x Genomics có trụ sở tại California, Mỹ. Đây là một công ty phát triển các sản phẩm để làm chủ sinh học nhằm nâng cao sức khỏe con người.
Nhu Thụy