Vào thời điểm chứng rối loạn ăn uống nghiêm trọng nhất, Zhang Qinwen chỉ nặng tương đương một đứa trẻ. Tóc rụng nhiều, khó đi lại và gần như mắt cô không nhìn thấy gì.

"Tôi biết mình đang bệnh nhưng không dám đi khám”, cô gái 23 tuổi nói với AFP.

Mặc dù bất kỳ ai đều có thể thành nạn nhân của chứng rối loạn này, các nhà nghiên cứu phương Tây chỉ ra rằng chúng phổ biến nhất ở các cô gái tuổi teen và phụ nữ trẻ, người mắc các vấn đề sức khỏe tâm thần.

                                   Zhang Qinwen chỉ là một trong vô số cô gái ở Trung Quốc từng bị ám ảnh về hình mẫu cơ thể hoàn hảo, dẫn đến vấn đề về sức khỏe tâm thần. Ảnh: AFP.

“Tôi chỉ đơn giản là bị ảnh hưởng bởi Internet và rất tự ti về bản thân. Tôi đã nghĩ rằng mình không đủ hoàn hảo", Zhang nói.

Ở Trung Quốc, một số bệnh viện Trung Quốc đã đưa ra cảnh báo về các ca bị rối loạn ăn uống đang tăng nhanh. Dù vây, sự hiểu biết cũng như khả năng điều trị vẫn còn nhiều hạn chế.

Bị cho là căn bệnh ngoại lai


Hiện giờ, Trung Quốc vẫn chưa có số liệu thống kê cụ thể nào về tình trạng người dân mắc phải căn bệnh này.

Tại Thượng Hải, một phòng khám sức khỏe tâm thần cho biết họ chỉ điều trị 3 trường hợp vào năm 2002. Đến năm 2018, con số đã nhảy lên thành 591 người.

Hai năm trước, tờ China Youth Daily trích dẫn số liệu từ một bệnh viện ở Bắc Kinh, cho biết từ năm 2002 đến 2012, số bệnh nhân trung bình mỗi năm đã tăng từ khoảng 20 lên hơn 180 người.

Sự gia tăng số bệnh nhân của hội chứng này dẫn đến ý kiến ##cho rằng đây là "căn bệnh ngoại lai", mới xâm nhập vào Trung Quốc những năm gần đây.

"Bạn có thể đến gặp bác sĩ, tư vấn viên để được hỗ trợ, nhưng nhiều khả năng họ không rành về căn bệnh này hay biết phải làm gì để giúp chúng tôi", Zhang cho biết.

                                   Triển lãm tại Thượng Hải do cô gái 23 tuổi Zhang Qinwen tổ chức, với mong muốn xã hội có cái nhìn quan tâm hơn tới hội chứng rối loạn ăn uống. Ảnh: AFP.


Sau khi hồi phục, Zhang mở cuộc triển lãm tại Thượng Hải nhằm thu hút sự chú ý của công chúng về căn bệnh. Cô hy vọng việc làm của mình sẽ tác động đến số đông.

"Đối với thế hệ cha mẹ, khi họ còn trẻ, việc thừa cân, mũm mĩm là cách cho thấy bạn đến từ gia đình có hoàn cảnh tốt, có điều kiện đủ ăn đủ mặc", Xie Feitong, nữ sinh viên 21 tuổi, nói tại triển lãm của Zhang.

Đài truyền hình CGTN cũng liên hệ chứng rối loạn ăn uống với điều kiện sống gia tăng của người dân Trung Quốc.

"Khi xã hội bắt đầu tập trung nhiều hơn vào hạnh phúc cá nhân và mức sống cao hơn, nỗi ám ảnh việc giảm cân, có thân hình hoàn hảo của phụ nữ càng nghiêm trọng", theo CGTN.

Giống các nước khác, mạng xã hội Trung Quốc luôn tràn ngập hình ảnh "quảng bá" về thân hình lý tưởng phải như thế nào: mảnh mai, lộ rõ đường cong cơ thể, làn da trắng.

Các thử thách khoe thân hình "chuẩn" tưởng như khuyến khích tập luyện, cải thiện vóc dáng, song vô hình trung cổ xúy cho cái đẹp không lành mạnh hay việc miệt thị ngoại hình.

Đầu tháng này, một triển lãm tại Thượng Hải gây phẫn nộ khi trưng bày ảnh của 5.000 nữ sinh đại học và xếp hạng theo thang đánh giá "từ đẹp nhất đến xấu nhất".

                                                       Như nhiều thử thách làm đẹp khác, vòng eo hoạt hình thu hút nhiều cô gái tham gia ngay khi vừa mới xuất hiện. Ảnh: Weibo.


Bị bắt nạt vì không đủ gầy


Triển lãm của Zhang phản bác lại những định kiến về hội chứng rối loạn ăn uống thông qua những màn trình diễn, nói chuyện với sự tham gia của các cô gái tự tin về vẻ ngoài của mình.

Câu chuyện của Zhang về quá trình sút cân cực độ, tinh thần hoảng loạn, không muốn tìm kiếm giúp đỡ từ bên ngoài cũng được kể lại. Những người khác chia sẻ chuyện từng bị bắt nạt ở trường vì không đủ gầy, đủ trắng hay đủ xinh.

Hầu hết đều bác bỏ quan điểm cho rằng chứng rối loạn ăn uống mới chỉ xuất hiện ở Trung Quốc, dù tất cả đều đồng ý rằng chỉ trong 1-2 năm qua, căn bệnh này mới thật sự phổ biến.

Xie tin rằng phụ nữ Trung Quốc được cổ vũ bởi phong trào #MeToo, giúp họ dám lên tiếng và đấu tranh để dẹp bỏ các tiêu chuẩn sắc đẹp đã cũ kỹ ở quốc gia này.

"Tôi đen nhẻm và có thân hình mập mạp, hoàn toàn đối lập với tiêu chuẩn da trắng, mảnh mai. Nhưng trong quá trình hồi phục, tôi cảm thấy rằng việc có một làn da khỏe mạnh, cơ thể rắn chắc và trái tim mạnh mẽ mới là điều quan trọng nhất", Xie, người đã chiến đấu với chứng biếng ăn từ năm 13 tuổi và phải nhập viện nhiều lần, cho biết.

Theo Zing