leftcenterrightdel
 Phụ nữ trẻ có trình độ học vấn cao tại Trung Quốc ngày càng ưu tiên sự nghiệp, mong muốn hoàn thiện bản thân. Ảnh minh hoạ: Linktree. 

Bài phân tích do Qing Shisong, giám đốc Viện nghiên cứu dân số của Đại học Sư phạm Hoa Đông (Trung Quốc), công bố hồi tháng 2 bất ngờ thu hút sự chú ý gần đây.

Tài liệu phân tích dữ liệu về hơn 12.000 cặp vợ chồng sinh từ năm 1950 đến năm 1994 lấy từ Nghiên cứu nhóm gia đình Trung Quốc, phát hiện ra rằng phụ nữ sinh sau năm 1990 có trình độ học vấn trung bình cao hơn chồng. Đây là tình thế đảo ngược so với các thế hệ trước.

Sự thay đổi về trình độ học vấn của các đôi vợ chồng tác động nhiều đến quyết định kế hoạch hóa gia đình. Những người phụ nữ có trình độ cao hơn chồng thường không muốn sinh nhiều hơn một con, theo Sixth Tone.

Trình độ học vấn của phụ nữ trẻ Trung Quốc cao hơn chồng

Dữ liệu cho thấy tỷ lệ phụ nữ Trung Quốc kết hôn với đàn ông có trình độ học vấn thấp hơn tăng đều trong những thập kỷ gần đây. Trong khi đó, tỷ lệ những người cưới chồng có trình độ học vấn cao hơn lại giảm.

Đối với phụ nữ thuộc nhóm tuổi lớn nhất trong báo cáo, sinh năm 1950-1954, chỉ 6,9% kết hôn với người có trình độ học vấn thấp hơn. Song, với nhóm trẻ nhất, sinh từ năm 1990-1994, hơn 1/4 quyết định làm việc này.

leftcenterrightdel
 Tỷ lệ phụ nữ lấy chồng có trình độ học vấn thấp hơn tại Trung Quốc ngày càng gia tăng, cho thấy bối cảnh trái ngược với bức tranh quá khứ. Nguồn:Sixth Tone. 

Điều đáng chú ý là nhóm trẻ nhất trong nghiên cứu là thế hệ phụ nữ đầu tiên có khả năng đạt được trình độ học vấn cao hơn đối phương trong hôn nhân.

Từ năm 2009, phụ nữ vượt trội hơn nam giới trong cả chương trình đại học và sau đại học ở Trung Quốc. Tình trạng tương tự đã diễn ra tại một số nước phương Tây.

Qing Shisong cho rằng chưa thể đưa ra kết luận về mức độ ảnh hưởng của sự thay đổi trình độ học vấn đến thu nhập giữa các cặp vợ chồng. Tuy nhiên, dữ liệu cho thấy xu hướng này ảnh hưởng nhiều đến mong muốn có con.

Những người phụ nữ có trình độ học vấn cao hơn chồng thường từ chối sinh nhiều hơn một con. Hơn nữa, khoảng cách về trình độ học tập của cả 2 càng lớn, khả năng sinh nhiều hơn 2 con càng thấp.

Cuộc thảo luận không hồi kết

Phát hiện này tạo ra một cuộc thảo luận lớn trên Weibo. Một hashtag liên quan đến chủ đề trên thu hút hơn 23 triệu lượt xem trên mạng xã hội.

“Những phụ nữ có trình độ học vấn cao có xu hướng ưu tiên sự nghiệp và hoàn thiện bản thân”, là một bình luận đạt 1.400 lượt thích.

“Cuộc sống không chỉ có hôn nhân và con cái”, một người khác chia sẻ.

Trung Quốc chú trọng vào các biện pháp khuyến khích người trẻ kết hôn và sinh con trong những năm gần đây. Tuy nhiên, phát hiện này cho thấy phương pháp khuyến sinh hiệu quả là thay đổi môi trường xã hội, thay vì đưa ra đãi ngộ kinh tế.

leftcenterrightdel
 Nỗ lực thay đổi xã hội mới có thể cải thiện tình trạng sinh đẻ tại Trung Quốc. Ảnh minh hoạ:Qi Yang. 

Theo bài báo, sự bất bình đẳng về vai trò giới trong các gia đình Trung Quốc giảm dần trong những thập kỷ gần đây tác động đáng kể đến quyết định kế hoạch hoá gia đình.

Tuy nhiên, cuộc đấu tranh cho bình đẳng giới trong các gia đình Trung Quốc vẫn còn kéo dài. Hiện nay, người vợ vẫn phải gánh vác nhiều công việc trong nhà hơn chồng, đặc biệt là chăm sóc con cái.

“Để đạt mức sinh tối ưu, việc thúc đẩy sự phân công lao động bình đẳng giữa nam và nữ là cần thiết. Điều này bao gồm tạo ra một văn hoá mới xung quanh hôn nhân và sinh con”, Qing nói.

Theo lifestyle.znews