leftcenterrightdel
Thợ may làm việc tại Trung tâm Doanh nghiệp do nữ làm chủ ở Kabul, Afghanistan 

Khi những nữ bác sĩ, nhà khoa học "bị nhốt trong nhà"

Hiện còn rất ít công việc dành cho phụ nữ ở Afghanistan. Những công việc này bao gồm may vá và chế biến thực phẩm, công việc mà Ahmadzai đang làm cùng với những phụ nữ từng là giáo viên hoặc mong muốn trở thành giáo viên.

Tỷ lệ phụ nữ tham gia lực lượng lao động ở Afghanistan vào năm 2021 là 14,8%, khi Taliban nắm quyền và áp đặt những hạn chế khắc nghiệt đối với phụ nữ và trẻ em gái. Những hạn chế này bao gồm việc cấm trẻ em gái được học trên lớp 6, cấm phụ nữ đến những nơi công cộng như công viên. 

Theo dữ liệu của Ngân hàng Thế giới, tỷ lệ phụ nữ trong lực lượng lao động của nước này đã giảm xuống còn 4,8% vào năm 2023.

Lợi nhuận mà cô Ahmadzai và 50 đồng nghiệp thu được rất ít. Trong một tháng công việc thuận lợi, các cơ sở kinh doanh may đo có thể kiếm được khoảng 30.000 AFN (tương đương 10,8 triệu đồng). 

Những người phụ nữ này cho biết: "Tiền thuê nhà và hóa đơn điện, nước cao. Những chiếc máy may đã lỗi thời. Việc cung cấp điện không ổn định. Chúng tôi không nhận được sự hỗ trợ từ ngân hàng hoặc chính quyền địa phương để giúp doanh nghiệp phát triển".

Chỉ cần được Taliban cho phép làm việc đã là một thách thức đối với phụ nữ mặc dù theo Luật Lao động Afghanistan, quy trình cấp giấy phép lao động phải giống nhau với cả hai giới. Bộ chịu trách nhiệm cấp giấy phép lao động đã cấm phụ nữ vào làm việc ở các đơn vị của Bộ, thay vào đó, họ thành lập văn phòng chỉ dành cho phụ nữ ở một nơi khác. 

Samiullah Ebrahimi, người phát ngôn của Bộ Lao động và Xã hội Afghanistan, cho biết, đó là cách để "đẩy nhanh mọi thứ và làm cho mọi việc trở nên dễ dàng hơn" đối với phụ nữ. Ở đó, phụ nữ nộp hồ sơ, bao gồm chứng minh nhân dân, thư xin việc và giấy chứng nhận sức khoẻ từ một phòng khám tư nhân.

leftcenterrightdel
 Thợ may làm việc tại Trung tâm Doanh nghiệp do nữ làm chủ ở Kabul, Afghanistan

Liên hợp quốc cho biết, Afghanistan đã trở thành quốc gia áp bức phụ nữ và trẻ em gái nhất thế giới. Bà Roza Otunbayeva, người đứng đầu Phái đoàn chính trị của Liên hợp quốc tại Afghanistan, cho biết trong khi đất nước này cần phục hồi sau nhiều thập kỷ chiến tranh, một nửa số bác sĩ, nhà khoa học, nhà báo và chính trị gia tiềm năng của Afghanistan đã "bị nhốt trong nhà". Giấc mơ và tài năng của họ bị hủy hoại.

Thách thức

Taliban lại có quan điểm khác. Theo người phát ngôn của Bộ Lao động và Xã hội Samiullah Ebrahimi, họ đã cố gắng cung cấp cho phụ nữ một môi trường làm việc "an toàn, đảm bảo và tách biệt", phù hợp với các giá trị Hồi giáo và truyền thống Afghanistan trong những lĩnh vực cần có lao động nữ. 

Phụ nữ có thể làm việc trong lĩnh vực bán lẻ hoặc khách sạn nhưng đó phải là môi trường chỉ dành cho nữ. Ông Samiullah Ebrahimi cho biết, phụ nữ không cần bằng cấp đối với phần lớn các công việc được phép, bao gồm dọn dẹp, kiểm tra an ninh, thủ công, trồng trọt, may vá hoặc sản xuất thực phẩm.

Thật đau lòng cho Ahmadzai và các đồng nghiệp của cô khi chuyên môn của họ không được sử dụng. Một số người cũng được đào tạo để trở thành thợ trang điểm nhưng các tiệm làm đẹp đã bị đóng cửa. 

Một số công việc dành cho phụ nữ chủ yếu thuộc lĩnh vực giáo dục và chăm sóc sức khỏe. Vì vậy, Ahmadzai đã chuyển sang khóa học điều dưỡng và hộ sinh để có thể trở thành nhân viên y tế nhưng không phải là bác sĩ. Taliban không muốn có thêm nữ bác sĩ.

Ahmadzai cho biết, một điểm tích cực về công việc của cô ở tầng hầm tại Kabul là tình bạn và sự hỗ trợ từ gia đình. "Phụ nữ Afghanistan hiện nay đều có vai trò như nhau trong xã hội. Họ ở nhà, chăm sóc con cái, quán xuyến việc nhà. Nếu gia đình không động viên thì tôi đã không ở đây. Họ hỗ trợ để tôi đi làm. Chồng tôi thất nghiệp, chúng tôi lại đang nuôi con nhỏ".

Salma Yusufzai, người đứng đầu Phòng Thương mại và Công nghiệp Afghanistan, thừa nhận rằng, phụ nữ làm việc dưới sự cai trị của Taliban là một thách thức. Hạ viện có gần 10.000 thành viên nhưng thiếu đại diện nữ trong chính quyền do Taliban kiểm soát. 

Bà Yusufzai cho biết, Phòng Thương mại và Công nghiệp hỗ trợ phụ nữ bằng cách tạo cho họ một nền tảng tại các thị trường địa phương và kết nối họ với cộng đồng quốc tế để tham gia các triển lãm ở nước ngoài. 

Các thành viên của phòng bao gồm các ngành công nghiệp chủ chốt của Afghanistan như làm thảm và trái cây sấy khô. Các doanh nghiệp do nam giới làm chủ nhưng được duy trì bởi những phụ nữ muốn góp sức cho nền kinh tế mà bà cho rằng "sẽ sụp đổ nếu không có phụ nữ". 

Bà Yusufzai từng kinh doanh đá quý và đã bỏ nghề sau khi đảm đương vai trò quản lý Phòng Thương mại và Công nghiệp Afghanistan. Dù sao, Yusufzai cũng không thể sở hữu doanh nghiệp của riêng mình dưới sự cai trị của Taliban nên công việc kinh doanh phải đứng tên chồng của bà.

Nhu Thụy/Nguồn: AP