Trong buổi phát sóng trực tiếp trên Instagram vào ngày 4/8, Doja Cat đã khiến không ít người bất ngờ khi khoe ra diện mạo mới đầy táo bạo với chiếc đầu trọc và lông mày cạo nhẵn. Điều này đã gây xôn xao trên các nền tảng mạng xã hội.
Thay vì tôn trọng quyết định cá nhân của nữ nghệ sĩ, nhiều người nhanh chóng đưa ra những lời phán xét về cô và cả những phụ nữ da đen nói chung.
Những bình luận hỏi xem cô có đang ổn không hay chất vất về sự tỉnh táo khi hành động tràn ngập trong phần bình luận. Không ít người cũng đưa ra kết luận cho rằng Cat hẳn đang bị suy nhược thần kinh.
|
|
Sau kiểu tóc mới đầy cá tính, Doja Cat không ngần ngại cạo sạch đôi lông mày trước máy quay. Ảnh: @dojacat. |
Trước những ý kiến thù địch trên mạng, Doja Cat đã kêu gọi người hâm mộ chia sẻ thông tin rằng cô hoàn toàn ổn và có quyền làm điều mình muốn. Sự kêu gọi này ngay lập tức được hưởng ứng mạnh mẽ.
Sự kiện này cũng khiến cho câu hỏi về việc tại sao phụ nữ lại phải gặp chuyện mới có thể cạo đầu hay vì sao việc để trọc lại không thể xem như một lựa chọn phong cách, được đặt ra một lần nữa.
Kiểu tóc chỉ là sở thích đơn thuần
Sự kỳ thị liên quan đến quyết định cạo trọc của những phụ nữ là vấn đề đã được đào sâu trong nhiều bài báo, nhằm chống lại tư tưởng này. Luận điểm đơn giản lý giải rằng tóc rồi sẽ mọc lại.
Trước đó, Doja Cat cũng thường có những kiểu tóc sặc sỡ, độc đáo và năng động cùng với đủ mẫu tóc giả chứ hiếm khi để lộ mái tóc thật. Không chỉ vậy, cắt tóc khiến cô cảm thấy có sức sống và năng lượng tràn đầy hơn.
“Tôi không thích việc có tóc. Chưa bao giờ trong suốt cuộc đời mình tôi lại cảm thấy tuyệt như vậy”, cô chia sẻ trên Instagram.
Doja Cat đã đáp trả lại những bình luận và đứng lên ủng hộ tất cả phụ nữ đã cạo đầu.
|
|
Việc thay đổi kiểu tóc hay cạo đầu chỉ đơn thuần là một sự lựa chọn phong cách. Ảnh: Lispstick alley. |
Có rất nhiều lý do khác nhau khiến một người phụ nữ cạo trọc. Brennan Nevada Johnson (30 tuổi), nhà nghiên cứu công nghệ, cho biết cô đã bắt đầu để đầu trọc từ 11 năm trước, khi đi học đại học.
Cô đã chủ động cạo đi mái tóc của mình để trông sắc sảo và sang trọng. Thêm vào đó, quyết định này giúp Johnson tiết kiệm được những khoản chăm sóc tóc đắt đỏ và không bị mất tập trung khi chơi thể thao. Cô đã yêu thích kiểu tóc này và giữ nguyên cho tới giờ.
Johnson chia sẻ rằng cô cũng đã phải trải qua những điều tương tự Doja Cat. Nhiều người, trong đó có cả những người bạn của Johnson đã đối xử với cô như tội phạm nguy hiểm. Họ hỏi xem chuyện gì đã xảy ra và lý do nào khiến cô làm như vậy.
Tư tưởng lệch lạc thành lối mòn
Những câu hỏi này cho thấy đối với phụ nữ, đặc biệt là người da đen, tiêu chuẩn cái đẹp và giá trị đã bị phụ thuộc quá nhiều vào việc trông sao cho giống một người châu Âu.
Tư tưởng đó vẫn còn đến tận ngày nay, khi mọi người được khuyến khích yêu lấy mái tóc tự nhiên của mình, từ lọn xoăn tới dài thẳng đều đẹp như nhau. Đó là điều mọi người được dạy, ngay từ khi vẫn còn là một cô bé.
|
|
Những khuôn mẫu tồn tại lâu đời khiến cho việc cạo trọc trở thành quá giới hạn với nhiều người. Ảnh: @buzzcutfeed. |
Mặc dù chúng ta vẫn luôn chống lại sự phân biệt đối xử liên quan đến tóc ở trường học và nơi làm việc, điều này vẫn tồn tại khắp nơi từ thảm đỏ đến phim ảnh, quảng cáo. Và việc chuyển từ yêu mái tóc tự nhiên của mình tới yêu bản thân trong kiểu đầu trọc dường như là vượt quá giới hạn trong cộng đồng người da đen.
Đây là suy nghĩ nguy hiểm đang lan rộng trong xã hội khiến nhiều người thường đánh đồng những người phụ nữ trọc đầu không hòa nhập và bất ổn về tâm lý.
Một minh chứng cụ thể đó là những bộ phim và chương trình có nội dung tập trung vào cuộc sống của phụ nữ da đen.
Khi bộ phim “Nappily Ever After”, dựa trên cuốn sách xuất bản năm 2000 của Trisha R. Thomas, phát sóng vào tháng 9/2018 trên Netflix, Johnson cho biết cô đã cảm thấy thất vọng khi xem cách nhân vật chính (do Sanaa Lathan thủ vai) trải qua việc cạo đầu.
Nhân vật chính cạo tóc sau khi suy sụp vì chuyện tình cảm. Johnson cho rằng bộ phim thất bại bởi thay vì truyền tải vẻ đẹp, sự tự tin nhờ buông bỏ được những điều độc hại qua việc cạo trọc, câu chuyện được kể đầy bốc đồng, thiếu kiểm soát khi để nhân vật cố giấu mọi thứ sau chiếc khăn trùm.
|
|
Suy nghĩ sai lầm về việc cạo đầu ở nữ giới còn được truyền tải qua các bộ phim điện ảnh. Ảnh: IMDb. |
Sau đó, loạt phim “Harlem” năm 2021, ra mắt mắt trên Amazon Prime cũng đã nhắc đến vấn đề này theo cách tiêu cực khi nhân vật chính lần đầu cạo trọc.
Mặc dù nhân vật Tye có cá tính mạnh mẽ và được tạo hình tóc ngắn từ đầu nhưng phim lại nhấn mạnh vào việc cô trọc đầu là “khủng hoảng tóc” sau khi gặp sự cố. Sự việc khiến cô trở nên căng thẳng cực độ và phải đội tóc giả để che đi kiểu đầu mới khi làm việc. Và điều tệ hơn cả đó là nhân vật dường như chỉ bắt đầu chấp nhận diện mạo mới khi được một người bạn da trắng công nhận.
Quy chuẩn phiến diện về mái tóc
Theo Johnson, điều này không có nghĩa là trường hợp cạo đầu trong lúc tuyệt vọng không bao giờ xảy ra, thế nhưng không phải theo cách mà các phương tiện truyền thông đang truyền tải.
|
|
Độ dài của tóc không nên được coi như tiêu chuẩn để đánh giá một người phụ nữ. Ảnh: The sacramento observer. |
Sự thật về mối quan hệ mật thiết giữa mái tóc và sức khỏe tinh thần của phụ nữ là một điều đáng lo ngại. Nó trở thành luận điểm bổ sung cho những tiêu chuẩn sai lầm của xã hội khi đánh giá phái nữ qua độ dài mái tóc.
Johnson cho rằng việc phụ nữ cạo đầu không phải là một lời cầu cứu và trường hợp của Doja Cat cũng vậy. Vẫn còn quá nhiều tiêu chuẩn sai lầm và sẽ còn lâu nữa xã hội, các bộ phim hay chương trình mới có thể nhận ra sự thật rằng mọi phụ nữ đều có quyền quyết cạo đi mái tóc của mình mà không phải do bất kỳ lý do tinh thần nào.
Theo zingnews