Một cô gái phải ở trong "túp lều kinh nguyệt" ở Achham, phía tây Nepel. Ảnh: CNN.
Đây là kết quả cuộc khảo sát vừa được công bố trên Tạp chí Sexual and Reproductive Health Matters của Anh hôm 9/12. Các nhà nghiên cứu thuộc Đại học Bath ở Anh hợp tác cùng Trung tâm Nghiên cứu Môi trường, Sức khỏe và Dân số (CREHPA) tiến hành khảo sát 400 cô gái tuổi vị thành niên ở tỉnh Karnali, vùng Trung Tây Nepal.
77% số cô gái tham gia khảo sát phải thực hiện hủ tục Chhaupadi, tập tục có từ nhiều thế kỷ của những người theo đạo Hindu. Tỷ lệ các cô gái ở thành thị và trong các gia đình giàu phải thực hiện Chhaupadi thấp hơn, nhưng vẫn ở mức cao, 66%.
Theo hủ tục này, phụ nữ và các cô gái ở Nepal bị ép ra ở các túp lều hoặc chuồng gia súc khi đến tháng vì bị coi là dơ bẩn. Hủ tục này đã cướp đi tính mạng của nhiều phụ nữ và cô gái ở Nepal hàng năm do bị rắn cắn, bị động vật tấn công hoặc ngạt khói vì đốt lửa sưởi.
"Các cô gái tham gia khảo sát cho biết họ sợ bị rắn và động vật tấn công vào ban đêm, và đôi khi là những người lạ", Jennifer Thomson, thành viên nhóm nghiên cứu, cho biết. "Trong khi đó nhiều người khác chia sẻ họ vẫn bị ám ảnh, căng thẳng khi nghĩ tới dù chưa từng thực hiện hủ tục này".
Từ năm 2005, chính phủ Nepal đã ra lệnh cấm thực hiện hủ tục Chhaupadi. Đến năm 2018, nó bị liệt vào danh sách tội phạm hình sự sau khi ghi nhận nhiều trường hợp tử vong. Theo luật, bất kỳ ai ép phụ nữ ra lều ở vào kỳ kinh nguyệt bị phạt tù 3 tháng hoặc phạt khoảng 30 USD. Tuy nhiên, tập tục vẫn còn phổ biến, đặc biệt ở các vùng xa xôi, hẻo lánh của Nepal và là nỗi ám ảnh đối với phụ nữ ở quốc gia Nam Á này. Các nhà nghiên cứu cũng chỉ ra, 40% cô gái tham gia khảo sát không biết hủ tục này là bất hợp pháp.
Những túp lều xiêu vẹo, lụp xụp thường có duy nhất cửa ra vào, không có cửa sổ và có điều kiện vệ sinh kém. Nhóm nghiên cứu cho biết, nhiều cô gái thậm chí không có túp lều tồi tàn như vậy để ở khi đến kỳ kinh nguyệt. Thay vào đó, họ phải ngủ ngoài trời hoặc trong các chuồng gia súc. Nhiều cô gái chia sẻ họ cảm thấy lo lắng, sợ hãi và tuyệt vọng mỗi khi đến tháng.
Ngoài các ảnh hưởng về thể chất và tinh thần, các cô gái ở Nepal còn chịu sự xa lánh, kỳ thị của người xung quanh. Một số cô gái kể rằng họ không được phép chạm vào người thân, không được vào bếp, không được nấu ăn hoặc ăn những thứ rất bình thường như các sản phẩm làm từ sữa.
Theo nhóm nghiên cứu, Chhaupadi vẫn phổ biến ở Nepal do đây là tập tục ăn sâu vào tư tưởng của người Nepal từ nhiều thế kỷ, và do sự lỏng lẻo của các cơ quan chức năng và thực thi pháp luật. Các nhà nghiên cứu đề xuất mở rộng phạm vi tuyên truyền, giáo dục nhằm nâng cao nhận thức của người dân về hủ tục cũng như ảnh hưởng tiêu cực của nó tới sức khỏe thể chất và tinh thần của phụ nữ.
"Bên cạnh việc thay đổi các quy định về pháp luật có liên quan, chúng ta cần thay đổi các quan niệm văn hóa đã ăn sâu vào tư tưởng của người dân, bởi các tập tục này đã được truyền qua nhiều thế hệ", Thomson nói.
Đầu tháng này, một cô gái 21 tuổi ở Accham, một huyện xa xôi ở phía tây Nepal đã chết sau khi bị anh rể ép ra lều do đến kỳ kinh nguyệt. Cô gái trẻ chết vì ngạt khói do đốt lửa sưởi ấm trong một túp lều nhỏ. Cái chết của cô gái 21 tuổi một lần nữa gióng lên hồi chuông cảnh báo về sự nguy hiểm của hủ tục Chhaupai đối với phụ nữ Nepal.
Theo vnexpress