Bà Tomoko Tsushima, mẹ của nạn nhân, tại buổi họp báo sau khi đâm đơn khởi kiện công ty con gái từng làm việc ra tòa án. Ảnh: The Mainichi.
Một báo cáo của chính phủ Nhật Bản công bố đầu tháng 10 năm nay cho biết có đến 1/3 trong số khoảng 1000 phụ nữ đang phải điều trị các vấn đề tâm lý do các hành vi quấy rối, tấn công, bắt nạt của cấp trên tại văn phòng.
Chính phủ đang nỗ lực đưa ra điều luật ngăn chặn việc quấy rối và bắt nạt nhân viên tại chỗ làm. Thậm chí, họ cũng khuyến khích các công ty đưa ra quy định riêng để ngăn chặn việc này. Tuy nhiên, tiến trình thực hiện còn chậm, nguyên nhân chính vì sự thiếu hiểu biết về quyền con người ở Nhật Bản, theo South China Morning Post.
Hệ lụy nghiêm trọng từ việc bắt nạt và quấy rối
Trong một vụ kiện được đệ trình tại Tòa án quận Osaka vào tháng 4, bố mẹ của Miki Tsushima (30 tuổi) đã khởi kiện công ty nơi con gái từng làm việc và đòi bồi thường số tiền hơn 800 000 USD.
Bố mẹ cô kể rằng con gái mình thường run bần bật, mất cảm giác ngon miệng và được chẩn đoán mắc trầm cảm do bị quấy rối tại nơi làm việc. Họ cho rằng lý do là cấp trên bắt Miki Tsushima phải làm việc tại văn phòng sau nửa đêm, thậm chí thường xuyên quấy rối tình dục cô bằng lời nói.
Cô đã phải nghỉ việc và đã được điều trị tâm thần. Tuy nhiên, Miki Tsushima không thể vượt qua và đã tự sát vào tháng 1/2016.
Vụ kiện cũng giúp điều tra ra thêm ít nhất 5 nhân viên khác của công ty này đã từ chức với lý do tương tự.
Việc bắt nạt nơi công sở gây ảnh hưởng tâm lý nặng nề nhiều phụ nữ. Ảnh: The Telegraph.
Một trường hợp khác là Kayako (34 tuổi) - nhân viên văn phòng vừa nghỉ việc. Cô không bị bắt nạt bởi sếp nam mà bởi một người phụ nữ lớn tuổi hơn.
“Cô ta chuyển tới từ một bộ phận khác, và vì một lý do nào đó, không thích tôi”, Kayako kể.
“Cô ta thường xuyên ra lệnh cho tôi làm công việc lặt vặt, ngay cả khi đó không phải việc của tôi hoặc cô ta không có thẩm quyền ra lệnh. Cô ta còn chỉ trích công việc của tôi trước mặt các nhân viên khác. Tôi thường khóc trên đường về nhà sau giờ tan làm”, cô nói thêm.
“Cấp trên đã thuyên chuyển cô ta sang bộ phận khác nhưng đôi lúc chúng tôi vẫn chạm mặt nhau và không thoải mái cho lắm. Sau đó, tôi quyết định thôi việc. Tuy nhiên, thật tuyệt khi công ty đã làm điều đó vì tôi”, Kayako kể lại.
Người quấy rối không nhận thức được hành vi?
“Vài ngày trước, tôi trò chuyện với một cô gái người Mỹ sang Nhật tham gia chương trình trao đổi. Một số người đàn ông có những lời nói khiến cô ấy cảm thấy bị xúc phạm. Tuy nhiên, cô nhận ra họ không hề biết đó là hành động quấy rối”, Mieko Nakabayashi, giáo sư khoa học xã hội tại Đại học Waseda, kể lại.
Nhiều người không nhận thức được hành vi của mình quấy rối người khác. Ảnh: Live Mint.
“Một trong số họ phát hiện ra cô còn độc thân và đề nghị mai mối với ai đó. Vài người khác thì nói về những vấn đề rất tế nhị. Mặc dù họ đang cố tỏ ra thân thiện, những lời nói đó khiến cô ấy giận dữ”, bà nói thêm.
Ngoài ra, việc nhận xét một người phụ nữ về độ tuổi, ngoại hình và cách ăn mặc cũng là hành vi không được đánh giá cao, thậm chí coi là quấy rối.
Trong nhiều năm, phụ nữ Nhật Bản phải tự phát triển khả năng chống đỡ những lời miệt thị, quấy rối, bắt nạt của đồng nghiệp nam và cấp trên. Đồng thời, họ cũng rất sợ mất việc nên thường đồng ý sống cùng sự bắt nạt này cho đến khi bản thân không thể chịu nổi nữa.
Điều này dẫn đến rất nhiều hệ quả nghiêm trọng như mắc bệnh tâm lý, thậm chí là tự kết liễu mạng sống của mình.
Trách nhiệm của luật pháp Nhật Bản ở đâu?
Bà Shino Naito, nghiên cứu viên cao cấp chuyên về luật lao động tại Viện Chính sách và Đào tạo Lao động Nhật Bản, cho biết gần đây có sự gia tăng các cáo buộc về bắt nạt, quấy rối tại nơi làm việc.
Nhiều người lựa chọn cách im lặng vì lo sợ ảnh hưởng đến sự nghiệp. Ảnh: Pakistan Today.
“Thực tế, mức độ quấy rối ở nơi làm việc tại Nhật Bản vẫn như các năm trước, tương đương ở Anh và Mỹ. Sự gia tăng các cáo buộc là do ngày càng nhiều phụ nữ dũng cảm đứng lên tố cáo hành vi quấy rối. Họ đã nhận thức được những hành động khiến họ gặp vấn đề về sức khỏe tâm lý”, bà chia sẻ.
Bà cũng cho biết, khoảng cách thế hệ trong văn hóa làm việc của Nhật Bản cũng là một nhân tố gây ảnh hưởng.
Nhiều nhân viên tiền bối không chỉ quát mắng mà còn xúc phạm nặng nề nhân viên trẻ hơn, khiến họ trở về nhà trong tâm trạng tệ hại. Các nạn nhân không dám tố cáo cấp trên vì lo sợ ảnh hưởng đến sự nghiệp cũng như gặp nhiều bất lợi khác.
Nhật Bản là một trong số ít quốc gia chưa làm chặt luật chống quấy rối nơi làm việc. Ảnh: Economic Times.
Theo bà Naito, Nhật Bản sẽ thông qua một đạo luật về vấn đề này vào đầu năm tới. Đạo luật này từng được thông qua vào năm 1997 nhưng không thể mang lại kết quả tốt.
“Luật pháp đã có hiệu lực từ hơn hai thập kỷ trước, nhưng nó không có nhiều tác động trong thực tế. Chúng tôi vẫn thấy rất nhiều trường hợp bị quấy rối nhưng không tố cáo, cụ thể chỉ có 0,9% các trường hợp là được báo cáo”, bà chia sẻ.
Hiện nay, Nhật Bản là quốc gia hiếm hoi cùng với Hungary và Chile trong tổng số 36 quốc gia thành viên của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) không có luật chống quấy rối tại nơi làm việc.
Theo news.zing