Do công việc quá bận rộn, không còn thời gian nghĩ đến chuyện lập gia đình, Erica quyết định lách luật cấm đông lạnh trứng của Singapore để có cơ hội sinh con sau này, theo AFP.
Erica, giám đốc điều hành mảng quảng cáo, là một trong số ngày càng nhiều phụ nữ Singapore đi du lịch nước ngoài nhằm trữ đông trứng.
Trong những năm gần đây, người dân đảo quốc sư tử có xu hướng trì hoãn việc có con do “nghiện” làm việc.
Erica (41 tuổi) chi tiền sang Malaysia để đông lạnh trứng cách đây 5 năm. Ảnh: AFP.
Không cho đông lạnh trứng
Trước tình hình này, nhiều người kêu gọi các nhà chức trách nới lỏng quy định nhằm thúc đẩy tỷ lệ sinh của Singapore - một trong những quốc qua tỷ lệ sinh thấp nhất thế giới.
“Phụ nữ ở Singapore thật bất công. Luật cấm đông lạnh trứng ngăn cản họ có con ở độ tuổi 40. Do đó, họ cảm thấy bắt buộc phải ổn định cuộc sống, lập gia đình ở tuổi 30 để kịp đẻ”, Erica (41 tuổi) nói với AFP.
Tỷ lệ sinh ở Singapore đạt mức thấp nhất lịch sử vào năm ngoái, chỉ 1,1 trẻ sơ sinh/phụ nữ, so với mức trung bình toàn cầu 2,4.
Thực trạng này diễn ra bất chấp nỗ lực của chính quyền Singapore trong việc khuyến khích, thúc đẩy người dân sinh con suốt nhiều thập kỷ, từ tặng tiền mặt cho đến hỗ trợ điều trị sinh sản cho các cặp vợ chồng đã kết hôn.
Tuy nhiên, các nhà chức trách chỉ cho phép thực hiện đông lạnh trứng có điều kiện, chẳng hạn áp dụng đối với bệnh nhân đang điều trị ung thư.
Trong khi đó, nhiều quốc gia khác cho phép thực hiện thủ thuật này ngay cả khi đối tượng không có lý do y tế.
Một nhân viên làm việc tại phòng thí nghiệm tại Trung tâm Sinh sản Kuala Lumpur, nơi đông lạnh và lưu trữ trứng của phụ nữ. Ảnh: AFP.
Áp lực dỡ bỏ lệnh cấm đông lạnh trứng ở Singapore đã gia tăng được một thời gian, nhưng có rất ít dấu hiệu cho thấy các nhà chức trách sẽ nới lỏng quy định.
Năm vừa qua, Bộ Phát triển Xã hội và Gia đình bày tỏ “nỗi lo ngại về đạo đức và xã hội” về việc dỡ bỏ lệnh cấm đông lạnh trứng. Hoạt động này có thể khiến nhiều phụ nữ “trì hoãn kết hôn hoặc làm mẹ”.
Lách luật sang nước ngoài
Đông lạnh trứng yêu cầu chọc hút trứng, đông lạnh trứng chưa thụ tinh, lưu trữ để sử dụng về sau. Khi người phụ nữ muốn mang thai, trứng sẽ được rã đông, cấy tinh trùng trước khi chuyển phôi vào tử cung.
Khả năng sinh sản của phụ nữ thường bắt đầu giảm từ giữa những năm 30. Tuy nhiên, đông lạnh trứng có thể giúp họ cải thiện cơ hội mang bầu sau này.
5 năm trước, Erica quyết định đi đông trứng ở tuổi 36 sau khi chia tay người bạn trai hẹn hò suốt 6 năm.
Cô bay tới Kuala Lumpur (Malaysia) khoảng 5 lần để tham vấn, bổ sung các mũi tiêm hormone và cuối cùng là lấy trứng tại Trung tâm Sinh sản Kuala Lumpur.
Ngày càng nhiều người Singapore tới trung tâm này làm thủ thuật. Trước khi Covid-19 khiến hai nước đóng cửa biên giới, họ đã đông lạnh trứng của 3-6 phụ nữ/năm từ đảo quốc sư tử.
Helena Lim, một bác sĩ tại trung tâm, cho biết: “Nhu cầu đông lạnh trứng tăng cao do động lực xã hội thay đổi. Phụ nữ có nhiều cơ hội học hành cao hơn, lối sống cũng khác hơn”.
Đây không chỉ là vấn đề của riêng Singapore. Ở nhiều quốc gia phát triển, phụ nữ đang trì hoãn việc sinh con bởi một số lý do, bao gồm cân nhắc tài chính và áp lực nghề nghiệp.
Động lực xã hội thay đổi khiến phụ nữ tự do, có nhiều lựa chọn hơn. Ảnh: Tatler.
Hiện chưa có số liệu chính thức về số lượng những phụ nữ Singapore ra nước ngoài để đông lạnh trứng. Tuy nhiên, nhiều bằng chứng cho thấy con số này đang tăng lên.
Sunfert International, trung tâm y tế có hệ thống phòng khám sinh sản trên khắp Malaysia, nói với AFP rằng số bệnh nhân đến từ đảo quốc sư tử tăng khoảng 15% mỗi năm trước đại dịch.
Bên cạnh Malaysia, người Singapore cũng tìm đến các quốc gia khác như Thái Lan hay Australia để làm thủ tục.
Hiện Erica đang hẹn hò với bạn trai mới và hy vọng sẽ sớm có con. Họ dự định thụ thai bằng cách tự nhiên trước, còn trứng đông lạnh để dự phòng.
“Lựa chọn này giúp phụ nữ có nhiều cơ hội hơn để thực sự ổn định cuộc sống bên người họ muốn chung sống hạnh phúc cả đời. Tôi nghĩ rằng đông lạnh trứng là một quyết định sáng suốt”, cô cho biết.
Theo Zing