Johanna Guzmán nấu bữa ăn cho 9 người chỉ với cà tím và một quả trứng

Khoảnh khắc Johanna Guzmán (25 tuổi) phát hiện ra mình sắp có đứa con thứ sáu, cô bắt đầu bật khóc trước viễn cảnh tương lai.

Trong nhiều năm, khi Venezuela chìm sâu hơn vào khủng hoảng kinh tế, Johanna và chồng đã lùng sục khắp các phòng khám, nhà thuốc để tìm mọi loại biện pháp tránh thai, nhưng kết quả thường là vô ích.

Giờ đây, người phụ nữ trẻ nấu bữa tối đạm bạc bên bếp lửa, giặt quần áo không xà phòng, dạy học cho con không cần giấy, trong lòng lo lắng làm sao để những đứa trẻ không đói.

Khi Venezuela bước vào năm thứ tám của cuộc khủng hoảng kinh tế, hàng triệu phụ nữ không còn khả năng tìm kiếm phương pháp kiểm soát sinh sản, khiến họ rơi vào tình trạng mang thai ngoài ý muốn, tại thời điểm mà họ hầu như không thể nuôi đàn con hiện có.

Xung quanh thủ đô Caracas, một gói 3 bao cao su có giá 4,40 USD - gấp 3 lần mức lương tối thiểu hàng tháng của Venezuela là 1,5 USD. Thuốc tránh thai đắt hơn gấp đôi, khoảng 11 USD, trong khi vòng tránh thai có thể tốn hơn 40 USD - chưa bao gồm chi phí cho bác sĩ thực hiện.

Với chi phí tránh thai vượt quá xa tầm tay, ngày càng nhiều phụ nữ tìm đến phương pháp phá thai bất hợp pháp, và trong trường hợp xấu nhất có thể phải trả giá bằng mạng sống của chính mình.

Một hộp bao cao su tại Venezuela có giá gấp 3 lần mức lương tối thiểu hằng tháng

Nền kinh tế Venezuela đã sụp đổ dưới sức nặng của tham nhũng, quản lý yếu kém và các lệnh trừng phạt của Mỹ.

Quốc gia từng giàu có nhất Mỹ Latinh đang sa lầy trong cuộc khủng hoảng mà các nhà kinh tế gọi là tồi tệ nhất thế giới trong nhiều thập niên ngoài lý do chiến tranh, với dân số chịu đựng lạm phát và nạn đói lan rộng.

Người dân Venezuela hiện phải đối mặt với hệ thống y tế đổ nát đến mức không thể cung cấp các biện pháp tránh thai cơ bản một cách đáng tin cậy. Biện pháp ngừa thai gần như không có sẵn ở các phòng khám chính phủ và chỉ có ở các hiệu thuốc tư nhân với giá cao.

Theo Bộ Y tế nước này, khi các khu sản phụ ở Venezuela tan rã, số ca tử vong của các bà mẹ đã tăng 65% từ năm 2015 đến năm 2016 - dữ liệu cuối cùng mà chính phủ công bố.

Những đứa trẻ của Johanna Guzmán chia sẻ bữa ăn cùng em trai cô

Trước cuộc khủng hoảng kinh tế, một số bác sĩ đã thực hiện phá thai bất hợp pháp ở những cơ sở an toàn hơn. Nhưng theo Liên đoàn Y tế Venezuela, gần một nửa số bác sĩ của đất nước, khoảng 30.000 người, đã rời khỏi quốc gia trong những năm gần đây, buộc phụ nữ đến các phòng khám tạm.

Trước tình trạng này, một số phụ nữ và nam giới đã thành lập nhóm tư vấn phá thai không chính thức, chủ yếu cố gắng hướng dẫn phụ nữ cách tìm và sử dụng misoprostol - một loại thuốc được sử dụng hợp pháp ở các quốc gia khác để phá thai.

Ý tưởng là giữ cho thai phụ tránh xa những người cung cấp dịch vụ phá thai mờ ám, tính giá cao cho những ca phẫu thuật có thể gây chết người.

Yuliany López (21 tuổi) đặt vòng tránh thai tại Plafam - một trong số ít những nơi cung cấp biện pháp tránh thai miễn phí và chi phí thấp tại Venezuela

Nhưng đối với Fexsibel Bracho - người phụ nữ trẻ đã chết sau một lần phá thai bất thành - nỗ lực cố vấn xuất hiện quá trễ. Fexsibel đã đến phòng khám "chui" một mình mà không chia sẻ kế hoạch với mẹ hoặc chị gái.

Sau cái chết của Fexsibel, mẹ cô luôn tự trách vì quyết định của con gái mình: “Nếu tôi có thể quay ngược thời gian. Tôi sẽ nói chuyện với con bé và bảo nó đừng làm vậy”.

Nhưng chị gái của Fexsibel, Fanix Bracho (34 tuổi) nói rằng cô hoàn toàn hiểu quyết định này: “Rất khó để làm một phụ nữ ở Venezuela. Nếu là tôi, tôi cũng sẽ làm như vậy".

Theo phunuonline