Tư tưởng mê tín, kỳ thị và cái nghèo bức ép vô số mảnh đời đến đường cùng. Devadasi bị tước đoạt phẩm giá lẫn quyền được sống cho chính họ. Giờ đây, một số người trong cuộc và tổ chức xã hội đã lên tiếng với mong mỏi chấm dứt “vòng luẩn quẩn” của một hủ tục tàn nhẫn. 

Devadasi bị tước đoạt phẩm giá lẫn quyền được sống cho chính họ
Devadasi bị tước đoạt phẩm giá lẫn quyền được sống cho chính họ

Chưa đến 10 tuổi, Huvakka Bhimappa đã trở thành devadasi khi cô bị cha mẹ ép buộc “kết hôn” cùng một vị thần Hindu.     

Devadasi - ghép thành bởi từ “deva” (thần) và “dasi” (nữ hầu) - được hiểu như “cô dâu/người kết nối của thần linh”, là chức danh vốn mang nặng giá trị văn hóa tín ngưỡng. Ngày nay, việc tuyển chọn devadasi đã biến tướng thành một hủ tục gây chỉ trích nặng nề ở Ấn Độ. Trở thành devadasi, phụ nữ buộc phải hiến thân dưới danh nghĩa tôn giáo, không được phép lập gia đình theo ý muốn và bị cưỡng ép hy sinh trinh tiết cho một người đàn ông lớn tuổi nhằm đổi lại quà tặng hay tiền của. 

“Người xâm hại tôi đầu tiên là cậu ruột tôi” - Bhimappa cho biết. Nhiều năm sau đó, cơn ác mộng của cô vẫn kéo dài. Bhimappa gần như trở thành một nô lệ tình dục trong mắt cộng đồng.

“Cuộc đời tôi có thể đã rất khác…” 

Sau nỗ lực thoát thân, cuối cùng, Bhimappa cũng trút bỏ nghĩa vụ của devadasi. Dù vậy, vì từ nhỏ đã không được tạo điều kiện đến trường, hiện cô chỉ có thể lao động vất vả ngoài đồng ruộng. Thêm vào đó, sinh hoạt tôn giáo nghiêm khắc lâu nay khiến Bhimappa bị cô lập khỏi cộng đồng cô sống.

Hủ tục tuyển chọn devadasi ngầm tiếp diễn đồng nghĩa nhiều phụ nữ vẫn đang đứng trước nguy cơ bị xâm hại, miệt thị và bị tước đoạt nhân quyền.
Hủ tục tuyển chọn devadasi ngầm tiếp diễn đồng nghĩa nhiều phụ nữ vẫn đang đứng trước nguy cơ bị xâm hại, miệt thị và bị tước đoạt nhân quyền.

“Tôi từng yêu một người nhưng tôi không bao giờ dám hy vọng ông ấy cưới mình. Nếu không được chọn làm devadasi, tôi đã có thể có một tổ ấm, kế sinh nhai và những đứa con. Cuộc đời tôi có thể đã rất khác” - Bhimappa nghẹn ngào hồi tưởng.

Đặc biệt phổ biến tại miền nam Ấn Độ, devadasi là sự tồn tại quen thuộc, gắn liền với đời sống văn hóa - tín ngưỡng bản địa. Họ từng rất được tôn kính trong quá khứ.  

“Thực trạng chúng ta thấy lúc này, khi phụ nữ bị cưỡng ép thành nô lệ tình dục, không hề liên quan đến hình ảnh devadasi trong truyền thống” - nữ sử gia gốc Ấn Gayathri Iyer nhận xét. Theo Iyer, nhận thức xã hội bắt đầu thay đổi vào thời kỳ thuộc địa Anh (thế kỷ XIX). Thái độ cấm cản từ chính quyền thuộc địa dần lật đổ vị thế linh thiêng của devadasi, biến họ thành nạn nhân bị lạm dụng và coi thường. 
 

Phụ nữ thuộc tầng lớp Dalit phải tiếp tục sống bươn chải ngoài rìa xã hội khi trở thành devadasi.
Phụ nữ thuộc tầng lớp Dalit phải tiếp tục sống bươn chải ngoài rìa xã hội khi trở thành devadasi.

Ở Karnataka (bang miền nam Ấn cũng là quê nhà Bhimappa), tục lệ tuyển chọn devadasi chính thức bị cấm từ năm 1982. Tòa án tối cao Ấn Độ mô tả việc bắt ép trẻ em gái phục vụ cho những ngôi đền là hành vi tàn ác. Tuy nhiên, bất chấp lệnh cấm, nhiều bé gái vẫn tiếp tục trở thành nạn nhân hủ tục này. Theo số liệu do Ủy ban Nhân quyền quốc gia Ấn Độ thống kê năm 2022, riêng trong khu vực Karnataka, ước tính còn 70.000 devadasi. 

Buổi gặp gỡ các devadasi của một hội nhóm đấu tranh vì nhân quyền - ẢNH: DW
Buổi gặp gỡ các devadasi của một hội nhóm đấu tranh vì nhân quyền - Ảnh: DW

Khi mê tín và kỳ thị giẫm đạp nhân quyền

Thời nay, devadasi đồng nghĩa với nghèo túng. Nhiều gia đình đông con khốn khó thuộc tầng lớp Dalit (lớp người yếu thế nhất trong hệ thống phân chia đẳng cấp gây tranh cãi của Ấn Độ) chấp nhận để con cái trở thành devadasi nhằm giảm nhẹ gánh nặng mưu sinh. 

Ningavva Kanal - đồng hương của Bhimappa - thấu hiểu hơn ai hết cảm giác quẫn bách gây ra bởi cách biệt đẳng cấp và ám ảnh đói nghèo. Là con út trong gia đình 10 người con, cô đã chứng kiến chị cả bị bức ép bước vào con đường mại dâm để chu cấp cho gia đình. 

7 tuổi, vì muốn đỡ đần gia đình, cô đưa ra một quyết định bi đát: trở thành devadasi.      

Chưa đến tuổi dậy thì, Kanal đã phải “kết hôn” cùng một vị thần.  Chưa đến 18 tuổi, Kanal đã là bà mẹ 2 con. Bị trói buộc bởi chức danh devadasi, cô chỉ có thể sống bằng nghề mại dâm.   

Xuất thân ở tầng lớp khốn cùng, rất nhiều phụ nữ buộc phải trở thành devadasi. Một dự án khảo sát xã hội học quy mô được đệ trình lên Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) năm 2015 chỉ ra: 85% số lượng devadasi đang sinh sống tại Ấn Độ thuộc các cộng đồng người Dalit. 

Bên cạnh cái nghèo, tư duy mê tín dị đoan hình thành từ lâu đời góp phần không nhỏ vẽ nên bức tranh u ám về devadasi. 

“13 tuổi, tôi bị ép buộc trở thành devadasi khi mẹ tôi vừa qua đời vì gia đình hy vọng tôi có thể xua đuổi vận rủi. Một người đàn ông 30 tuổi cưỡng bức tôi và tôi mang thai ngay sau đó” - một cựu devadasi chia sẻ. 

“Nhiều devadasi bị xâm hại không chỉ chịu tổn thương về thể xác, tinh thần mà còn có nguy cơ mắc hàng loạt bệnh truyền nhiễm nguy hiểm qua đường tình dục. Có những phụ nữ thậm chí không biết họ đã hoặc có thể truyền bệnh cho con cái. Rất nhiều trường hợp đã qua đời vì bệnh tật” - một nhà hoạt động vì nữ quyền nhấn mạnh. 

Một nạn nhân của HIV/AIDS, người bị cưỡng bức và ép buộc trở thành devadasi khi mới 14 tuổi, ngậm ngùi bày tỏ: “Lúc nhỏ, các con tôi từng hỏi: “Cha con là ai?”. Chúng đâu thích một người mẹ làm devadasi nhưng tôi thay đổi được quá khứ sao?”. Thời thanh xuân, cô từng muốn tìm lối thoát, kiếm sống bằng một công việc lương thiện. Mù chữ, đói nghèo, bị gia đình lẫn cộng đồng ruồng rẫy, phần đông devadasi không thể thoát khỏi nghề bán thân. 

Đi tìm ánh sáng 

Năm 2022, Ủy ban Nhân quyền quốc gia yêu cầu chính quyền Karnataka cùng một loạt bang khác ở Ấn Độ đề xuất phương hướng, biện pháp cụ thể để phòng chống hủ tục tuyển chọn devadasi vẫn đang ngầm diễn ra trái phép. 

Sitavva D. Jodatti (một cựu devadasi) hiện điều hành một tổ chức hoạt động xã hội chuyên bảo trợ giải thoát phụ nữ khỏi vai trò devadasi. Nhóm của cô đã quyên góp giúp đỡ nhiều người về phương diện kinh tế, khuyến khích họ làm lại cuộc đời, tìm lại hy vọng sống. 

Mục tiêu quan trọng không kém là cải thiện giáo dục. “Nhiều bé gái thường đi theo vết xe đổ của người mẹ, trở thành devadasi vì các em không còn sự lựa chọn khác. Để ngăn tình trạng này tiếp diễn, chúng tôi bắt đầu xây dựng trường nội trú cho con em các devadasi” - B.L. Patil - Giám đốc sáng lập Vimochana Sangha, một tổ chức phi chính phủ kết nối cùng cộng đồng devadasi trong những dự án phổ cập giáo dục - chia sẻ. 

Jodatti nói: “Cách đây vài năm, chúng tôi xem tin tức về làn sóng #MeToo, khi nhiều phụ nữ nổi tiếng khắp thế giới công khai nói về trải nghiệm bị bạo lực tình dục. Tình huống của họ cũng như các devadasi. Họ phải hứng chịu nỗi đau nhưng rất nhiều người vẫn có quyền lên tiếng và sống tự do. Chúng tôi mong ngày nào đó mình cũng được tôn trọng và nghiêm túc lắng nghe như vậy”. 

Theo phụ nữ TPHCM