leftcenterrightdel
 Cherry Tan không ngần ngại nắm bắt cơ hội khi chồng cô ấp ủ kế hoạch khởi nghiệp riêng. Ảnh:8days/Aik Chen.

Khi 23 tuổi, Cherry Tan phải kiên trì nộp đơn xin việc nhiều lần mới có thể gia nhập Singapore Airlines (SIA).

"Tôi thấy hơi xấu hổ khi phải kể rằng mình từng cố gắng ít nhất 10 lần mới được trúng tuyển", cô gái sinh năm 1995 tâm sự.

Thế nhưng, sau 6 năm cống hiến trên những chuyến bay, tiếp viên hàng không quyết định chia tay với đồng phục sarong kebaya của hãng bay, thay vào đó là chiếc tạp dề quen thuộc.

Cô cùng chồng mình, Duncan Hsu (36 tuổi), cựu đầu bếp khách sạn người Đài Loan, đã mạnh dạn đầu tư 30.000 SGD (khoảng 22.300 USD), mở một gian hàng bán đồ ăn tại khu chợ Woodlands (Singapore), theo AsiaOne.

Quán ăn của cặp vợ chồng tên Kiang Kiang Taiwan Teppanyaki, chuyên phục vụ các món teppanyaki kiểu Đài Loan, như gà chiên ăn kèm mì ống Italy hoặc cơm nóng trên chảo teppan.

Chia sẻ về ý tưởng kinh doanh này, Tan cho biết đây là một món ăn rất phổ biến ở Đài Loan. Tuy nhiên, với người Singapore, món ăn này khá giống với các món ăn phương Tây thông thường.

Từ bỏ ước mơ

Năm 2018, Cherry Tan được nhận vào SIA. Bước chân vào cánh cửa của SIA không phải là một hành trình dễ dàng.

"Hồi đó tôi còn rất trẻ. Tôi mới chỉ 19 tuổi khi bắt đầu tham gia phỏng vấn", cô chia sẻ.

Tan thừa nhận sự hồi hộp đã khiến cô nói lắp, ảnh hưởng đến cơ hội được nhận vào làm việc.

Sau quá trình không ngừng nỗ lực, Tan chạm đến ước mơ làm tiếp viên hàng không, cô tin rằng mình sẽ "bay suốt đời" với công việc này. Với số ngày nghỉ hợp lý mỗi tháng và mức lương ổn định, cô có thể khám phá thế giới qua những chuyến bay.

Tuy nhiên, sau 4-5 năm làm tiếp viên hàng không, Tan bắt đầu tự hỏi liệu đây có phải là con đường sự nghiệp mà cô thực sự muốn theo đuổi hay không.

Khi được hỏi về lý do cụ thể khiến cô thay đổi suy nghĩ, Cherry không chia sẻ chi tiết, chỉ nói rằng đó là "lý do cá nhân".

"Mặc dù SIA mang đến một lộ trình sự nghiệp rất tốt, công việc có thể không phù hợp với những gì tôi đang tìm kiếm", cô cho biết thêm.

Cuộc sống bán hàng rong

Tan đã biết về kế hoạch khởi nghiệp của Duncan từ lâu. Tuy nhiên, cô chưa từng nghĩ đến việc trở thành một doanh nhân. Dù vậy, cô vẫn rất háo hức được đồng hành cùng chồng trong hành trình mới này.

Cựu tiếp viên hàng không thừa nhận vẫn nhớ cuộc sống trên những chuyến bay, nhưng cô tin rằng cuộc sống mới sẽ mang lại những phần thưởng xứng đáng, thậm chí còn hơn cả công việc cũ.

Tan nhiệt tình hỗ trợ chồng những khó khăn mà một người nước ngoài có thể gặp phải khi bắt đầu kinh doanh tại Singapore, từ việc tìm hiểu quy định đến xử lý các thủ tục hành chính.

Vai trò của cô tập trung vào việc quản lý mặt tiền, tiếp xúc và phục vụ khách hàng, trong khi Duncan đảm nhiệm công việc bếp núc.

Sự phân công này đã giúp Kiang Kiang Taiwan Teppanyaki hoạt động hiệu quả, thu hút đông đảo khách hàng ngay cả trong những ngày thường.

leftcenterrightdel
leftcenterrightdel
 Kiang Kiang Taiwan Teppanyaki đã nhanh chóng trở thành điểm đến ẩm thực được yêu thích. Ảnh:Jiaksimi/wordpress.

 

Với kinh nghiệm làm tiếp viên hàng không, Tan có khả năng xử lý tình huống và quan sát tốt, đặc biệt trong không gian hạn chế.

Tại quán ăn của đôi vợ chồng, Chicken Chop Set có giá 8,5 SGD (khoảng 6,3 USD) là một trong các món bán chạy nhất. Theo Tan, đùi gà được nướng trực tiếp trên chảo teppan. Quán không bao giờ nấu sẵn gà vì điều này sẽ làm cho thịt bị khô. Đùi gà sẽ được nướng chín tới, mềm ngọt, thơm lừng hương vị teppan.

Có những ngày, lượng khách quá đông khiến quán không đủ nhân lực để chuẩn bị nguyên liệu cho bữa trưa hoặc bữa tối. Dù đã cố gắng chuẩn bị trước tối đa, nhưng đôi khi họ vẫn phải từ chối phục vụ một số khách hàng vì không đủ khả năng đáp ứng.

Tình trạng "cháy hàng" đang thôi thúc Cherry và Duncan xem xét việc mở rộng quy mô kinh doanh. Cặp đôi đang tích cực tuyển dụng thêm nhân sự, đồng thời tối ưu hóa quy trình chế biến.

leftcenterrightdel
 Cửa hàng nhỏ của Tan và chồng. Ảnh:Abdul Rahim Anwar/HungryGoWhereRead.

Theo lifestyle.znews