leftcenterrightdel
Bà Kiran Mazumdar-Shaw 

Con đường đến thành công để xây dựng công ty của Mazumdar-Shaw không dễ dàng. Một trong những thách thức với bà là vượt qua định kiến giới. Bà Mazumdar-Shaw cho biết: "Tôi nhận ra rằng giới tính của mình đã trở thành rào cản. Mặc dù mọi người công nhận năng lực của tôi nhưng họ không muốn mạo hiểm để một người phụ nữ gia nhập đội ngũ quản lý".

Mazumdar sinh ra trong một gia đình có cha là thợ nấu bia và mẹ của bà khởi nghiệp ở tuổi 68. Bà lớn lên ở Bangalore và theo đuổi chuyên ngành khoa học, tốt nghiệp ngành Động vật học và Sinh học tại Đại học Bangalore năm 1973.

Sau đó, bà sang Úc học thạc sĩ ngành sản xuất bia, rượu tại trường Cao đẳng Ballarat với mong muốn nối nghiệp cha. Mọi thứ thay đổi khi Mazumdar-Shaw không thể tìm được việc làm sau khi về nước.

Hành trình khởi nghiệp

Với mong muốn tạo ra thứ gì đó của riêng mình, Mazumdar-Shaw bắt đầu nghĩ đến việc khởi nghiệp. "Tôi gọi mình là một "doanh nhân tình cờ" vì tôi tình cờ gặp một doanh nhân muốn mở cửa hàng ở Ấn Độ. Người đó hỏi tôi có muốn hợp tác trong dự án này không", bà kể.

Đó là lúc Mazumdar-Shaw gặp Leslie Auchincloss, một doanh nhân người Ireland, đang tìm kiếm đối tác để sản xuất enzyme. Quá trình lên men, hay sử dụng enzyme để thực hiện các phản ứng hóa học, là yếu tố quan trọng trong sản xuất bia.

Vì vậy, Mazumdar-Shaw cho rằng sản xuất enzyme phù hợp với bà. Năm 1978, bà thành lập Biocon India như một liên doanh với Biocon Biochemicals có trụ sở tại Ireland, giữ 70% cổ phần trong công ty.

Đến năm 1987, Mazumdar-Shaw đã mở rộng khả năng nghiên cứu và phát triển của Biocon. Vào năm 1998, bà trở thành chủ sở hữu duy nhất của công ty. Cuộc hôn nhân của bà với John Shaw năm đó cũng mang lại những hỗ trợ về tài chính, thúc đẩy Biocon bước vào lĩnh vực dược phẩm sinh học.

Biocon đã phát triển các phương pháp điều trị bệnh tiểu đường, ung thư và các bệnh tự miễn, trở thành công ty thứ ba trên thế giới sản xuất insulin tái tổ hợp. Biocon hiện là công ty công nghệ sinh học lớn nhất Ấn Độ và là nhà sản xuất insulin lớn nhất Châu Á.

Chọn con đường ít người đi

Những ngày đầu khởi nghiệp, bà gặp khó khăn về tài chính khi nhiều ngân hàng không muốn cho phụ nữ vay tiền vì sợ rủi ro cao. Một rào cản khác là việc tuyển dụng nhân viên.

Người sáng lập Biocon nhớ lại: "Mọi người không muốn làm việc cho một phụ nữ. Tôi gặp rất nhiều khó khăn trong việc tìm nhân viên cho công ty. Do đó, hai nhân viên đầu tiên của tôi là hai người thợ máy kéo đã nghỉ hưu, những người rất cần việc làm. Họ không quan tâm đến việc người tuyển dụng là nam hay nữ", bà nói.

Cuối cùng thì Mazumdar-Shaw đã thành công thu hút nhiều nhân tài vào Biocon.

Nhiều năm làm việc đã mang lại cho Mazumdar-Shaw những bài học quý giá về kinh doanh. Theo bà, việc chủ động tìm ra giải pháp và vượt qua thách thức là yếu tố quan trọng quyết định thành bại của một công ty.

Nữ lãnh đạo này nhận định, trở ngại là thứ không thể tránh khỏi nhưng quyết tâm và sức mạnh nội tại của con người có thể thay đổi mọi thứ. Mazumdar-Shaw cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc phân biệt giữa thất bại hoàn toàn và thất bại tạm thời. Bà cho rằng những thất bại tạm thời có thể vượt qua được.

Mazumdar-Shaw chỉ ra sai lầm của nhiều doanh nhân là thường bám vào cùng một mô hình kinh doanh, hy vọng rằng các mô hình từng thành công vẫn sẽ hiệu quả. Thay vì trông chờ vào cái cũ, bà khuyến khích cập nhật các kế hoạch và mô hình kinh doanh mới để theo kịp tiến bộ trong ngành.

"Tôi luôn bảo mọi người học cách thách thức hiện trạng, học cách làm khác đi và cố gắng đừng bắt chước người khác. Bắt chước thì dễ còn đổi mới khó hơn nhiều. Là một doanh nhân, hãy chọn con đường khó hơn, đi con đường ít người đi. Hành trình đó thú vị hơn nhiều", Mazumdar-Shaw chia sẻ.

Kim Ngọc (Tổng hợp)