Bà Halyna Vasylivna, 94 tuổi, sống một mình trong căn hộ nhỏ ở Ukraine. Người phụ nữ thậm chí còn sống lâu hơn chồng, các con trai và các cháu. Mặc dù rất vui khi được nhân viên xã hội khi đến thăm vài lần một tuần, bà Vasylivna vẫn ước mình không sống một mình: "Có một người để lắng nghe rất quan trọng".
Phụ nữ lớn tuổi ở Ukraine
Vasylivna là một trong số 2 triệu phụ nữ lớn tuổi ở Ukraine. Phần lớn người cao tuổi của Ukraine là phụ nữ, chiếm 2/3 trong số những người trên 65 tuổi và 71% những người trên 75 tuổi, một phần vì Ukraine có tỷ lệ phụ nữ cao thứ sáu trên thế giới.
Phụ nữ lớn tuổi ở Ukraine sống dựa vào lương hưu của nhà nước và cần hỗ trợ từ các dịch vụ xã hội, tổ chức từ thiện cũng như các tổ chức quốc tế. Họ trở thành nhóm người có nhiều khả năng sống một mình nhất, dù là do các vấn đề về di chuyển, mất người thân hoặc rời khỏi nơi sinh sống. Số ít may mắn được giúp đỡ trong khi nhiều người thì không.
Hệ thống chăm sóc xã hội và y tế của Ukraine đã chịu áp lực trước khi diễn ra chiến sự Nga – Ukraine. Ngân sách Ukraine chi cho chăm sóc sức khỏe đã giảm từ 7,8% GDP năm 2015 xuống còn 7,1% vào năm 2019 (dữ liệu có sẵn cuối cùng), trong khi tỷ lệ trung bình của thế giới là 9,8% vào năm 2019. Hiện đất nước đang trải qua một cuộc khủng hoảng nhân đạo, nhóm có số lượng người bị bỏ lại nhiều nhất trong số những người có thể rời đi và ít có khả năng trốn thoát nhất.
Những người dễ tổn thương
Tại quận Holosiyevo của Kyiv, có 786 người cao tuổi và 80% trong số đó là những phụ nữ sống một mình, không thể rời khỏi nhà và không có người thân chăm sóc như Vasylivna. Kể từ khi chiến sự Nga - Ukraine bắt đầu, số nhân viên xã hội ở trung tâm địa phương đã giảm hơn 75%. Những người ở lại hầu hết đã lớn tuổi, và hiện có số khách hàng cần chăm sóc nhiều gấp bốn lần. Họ làm việc năm ngày một tuần với tiền lương một tháng khoảng 170 bảng Anh (gần 4,9 triệu đồng) bên cạnh khoản lương hưu ít ỏi. Nataliya Bodnar, một nhân viên xã hội 65 tuổi, cho biết: "Chúng tôi cần hỗ trợ cả khách hàng cao tuổi và chính chúng tôi cũng vậy".
Giám đốc trung tâm xã hội, Oksana Ruban, cho biết họ phải đối mặt với nhiều thách thức để đảm bảo khách hàng có người chăm sóc khi các phương tiện giao thông công cộng không hoạt động, lệnh giới nghiêm kéo dài, các cửa hàng cũng đóng cửa.
Tình hình đối với người cao tuổi đặc biệt nghiêm trọng ở các vùng Donetsk và Luhansk. Một cuộc khảo sát với hơn 1.500 người trên 60 tuổi vào tháng Ba cho thấy 99% không muốn rời khỏi nhà, 91% cần giúp đỡ để có thức ăn, 91% đang sống trong lạnh giá khi không thể sưởi ấm do cắt điện, 75% cần các sản phẩm vệ sinh cơ bản và 34% cần thuốc khẩn cấp cho bệnh mãn tính. Những nhu cầu này càng trở nên nghiêm trọng hơn do tình trạng thiếu các loại thuốc thiết yếu trong khi các cơ sở chăm sóc sức khỏe bị phá hủy.
Đối tượng bị lãng quên
Người cao tuổi thường là đối tượng bị lãng quên trong bất kỳ cuộc khủng hoảng nhân đạo nào. Một phân tích từ khóa tìm kiếm tin tức của Google trong khoảng thời gian từ ngày 24 tháng 2 đến ngày 22 tháng 4 cho thấy 97% tất cả các bài báo có tiêu đề về Ukraine đề cập đến trẻ em hoặc người già đều tập trung vào trẻ em. Chỉ 3% đề cập đến người cao tuổi, trong đó chỉ có 3 bài đề cập đến phụ nữ cao tuổi.
Theo Justin Derbyshire, Giám đốc điều hành của HelpAge International, đây là vấn đề toàn cầu khi các nhu cầu cụ thể của người cao tuổi bị chính phủ và cơ quan quốc tế bỏ qua trong và sau chiến tranh. "Đây là phân biệt tuổi tác mang tính hệ thống và là một ví dụ cho thấy mức độ tệ hại của hệ thống toàn cầu trong việc đáp ứng nhu cầu của người lớn tuổi".
Những người lớn tuổi, chẳng hạn như Vasylivna và Bodnar, là trung tâm của cuộc khủng hoảng ở Ukraine, là nạn nhân và cũng là người cứu nguy. Sau cả đời chăm sóc người khác, giờ đây họ dễ bị tổn thương, không chỉ cô đơn và đói khổ, mà còn bị hãm hiếp và sát hại.
"Tôi đã trải qua mọi thứ, bao gồm Holodomor (nạn đói năm 1932-1933), chiến tranh thế giới thứ hai, quá nhiều nỗi kinh hoàng. Điều gì khác có thể làm tôi sợ hãi? " Vasylivna nói. Trên thực tế, chính việc không có khả năng chăm sóc bản thân là điều khiến Vasylivna sợ hãi ngay lúc này và có cảm giác mắc kẹt. "Tôi sẽ sơ tán nếu tôi có thể tự chăm sóc cho mình. Tôi đã làm việc cả đời. Thật tiếc vì tôi không thể làm gì được nữa".
Kim Ngọc (Theo The Guardian)