Vì sao Ấn Ðộ dẫn đầu thế giới về tuyển dụng phi công nữ?
Cập nhật lúc 23:14, Thứ bảy, 20/08/2022 (GMT+7)
Nhờ số lượng nữ phi công ngày một đông đảo, Ấn Ðộ hiện được xem là hình mẫu thành công về sự đa dạng giới trong lĩnh vực hàng không.
Theo Hiệp hội Nữ phi công hàng không quốc tế, Ấn Ðộ là nước có tỷ lệ nữ phi công cao nhất thế giới - chiếm khoảng 12,4%, trong khi tỷ lệ nữ phi công ở Mỹ (thị trường hàng không lớn nhất toàn cầu) là 5,5% và ở Anh là 4,7%. Những con số này khiến người ta thắc mắc làm thế nào mà Ấn Ðộ - nước đứng thứ 135/146 quốc gia trong bảng xếp hạng về bình đẳng giới của Diễn đàn Kinh tế Thế giới - có thể dẫn đầu về tỷ lệ nữ phi công trong ngành công nghiệp hàng không.
Thực ra, thành công của Ấn Ðộ trong việc tuyển phụ nữ làm phi công bắt nguồn từ các chương trình tiếp cận ngành hàng không mà chính phủ triển khai vào những năm 1940, thu hút sự quan tâm của công chúng. Cơ trưởng Nivedita Bhasin - một trong những nữ cơ trưởng trẻ tuổi nhất của Ấn Ðộ kể từ năm 1989 - nhớ lại vào những năm đầu đi làm, bà thường bị giục bước nhanh vào buồng lái để tránh làm hành khách lo lắng khi biết người sẽ điều khiển máy bay là phụ nữ. Song sau 3 thập kỷ hành nghề, Bhasin nhận thấy việc phụ nữ làm phi công đã không còn là chuyện hiếm ở Ấn Ðộ.
Theo bà Bhasin, chương trình hỗ trợ của chính quyền dành cho các trường dạy bay và việc các công ty tư nhân thúc đẩy sự đa dạng về giới cũng là những lý do khiến số lượng nữ phi công tăng lên như hiện nay. Chẳng hạn, nhằm giúp phụ nữ dễ dàng tiếp cận chương trình đào tạo phi công thương mại tốn kém, một số bang sẵn sàng trợ cấp tài chính trong khi các công ty lớn, như Honda Motor, cấp học bổng toàn phần cho khóa học dài 18 tháng tại trường dạy bay và giúp chị em tìm được việc làm.
Nhằm giữ chân nhân tài là phụ nữ, nhiều hãng hàng không còn tạo ra chính sách “thân thiện với gia đình”. Ðơn cử, IndiGo - hãng hàng không lớn nhất Ấn Ðộ - cho phép nữ phi công tạm ngừng bay khi mang thai và được chọn một hợp đồng linh hoạt để sau sinh được nghỉ 2 tuần mỗi tháng cho đến khi con tròn 5 tuổi. Hãng bay giá rẻ này còn cho nữ phi công nghỉ hộ sản có lương 6 tháng rưỡi và trợ cấp chi phí trông trẻ. Tương tự, Hãng hàng không tư nhân Air Vistara cũng có chế độ nghỉ hộ sản có lương trong 6 tháng cho tất cả phi công và phi hành đoàn nữ, đồng thời cho phép nữ nhân viên mang thai được lựa chọn làm công việc tạm thời trên mặt đất hoặc ở vai trò hành chính cho đến khi họ sẵn sàng bay trở lại. Không chỉ vậy, một số hãng hàng không còn chăm lo bảo đảm an toàn cho nữ phi công bằng cách cử tài xế và bảo vệ phụ trách đưa đón họ tại sân bay vào đêm khuya.
Bên cạnh đó, cấu trúc gia đình điển hình tại Ấn Ðộ - nơi các đại gia đình sống quây quần và người lớn thường phụ giúp nuôi dạy con cái hoặc quản lý việc nhà - đặc biệt giúp ích cho nữ phi công vốn phải bay nhiều giờ và thường xuyên vắng nhà. Cơ trưởng Zoya Agarwal, chỉ huy chuyến bay đầu tiên dành cho phụ nữ từ San Francisco (Mỹ) đến Bangalore (Ấn Ðộ) vào năm ngoái, xác nhận việc sống trong đại gia đình đã giúp nữ phi công có thể đi lại tự do hơn. “Không có gì bí mật khi chúng tôi nhận được sự ủng hộ của cha mẹ và việc thuê người làm là chuyện bình thường trong xã hội. Nhờ đó, những phụ nữ như tôi có thể bay đến San Fransisco 5 ngày và không bận tâm chuyện ở nhà” - Agarwal nói.
Nghiên cứu mang tên “Sự khác biệt giới tính trong các vụ tai nạn hàng không”, dựa trên dữ liệu tai nạn máy bay giai đoạn 1983-1997, cho thấy tỷ lệ tai nạn đối với phi công nam cao hơn phi công nữ. Còn theo một nghiên cứu so sánh tỷ lệ tai nạn giữa nữ phi công và nam phi công trong giai đoạn 2002-2013, các chuyên gia phát hiện các nữ cơ trưởng vận hành máy bay “an toàn hơn” đồng nghiệp nam. |
Theo baocantho