He Yuhong, người có nghệ danh trên mạng là "Yuyamika", nổi tiếng với những màn trang điểm hóa thân thành người nổi tiếng, trong đó John Lennon và Taylor Swift. Cô còn quay nhiều video hướng dẫn trang điểm, thu hút lượng lớn fan trong nước và quốc tế trên trang Instagram hơn 750.000 người theo dõi.
|
He Yuhong trong lần biến hóa thành nàng Mona Lisa. Ảnh:He Yuhong/Weibo |
Tuy nhiên, hôm 25/11, cô bất ngờ đăng một video trên tài khoản Weibo nhân Ngày Quốc tế về Xóa bỏ Bạo lực đối với Phụ nữ, trong đó tố cáo bạn trai cũ, 44 tuổi, một nghệ sĩ vẽ tranh minh hoạ, bạo hành mình suốt thời gian yêu nhau.
"Trong 6 tháng qua, tôi dường như sống trong một cơn ác mộng", cô nói.
He chia sẻ hình ảnh từ camera giám sát ở một thang máy chung cư hồi tháng 8 cho thấy cô bị người bạn trai họ Chen kéo lê bằng đầu gối.
"Anh ta liên tục đá vào người tôi, tôi sợ đến nỗi chỉ có thể nằm xuống sàn và chờ cho đến khi anh ta hạ hỏa", He kể.
Cô cũng chia sẻ video phỏng vấn với hai phụ nữ được cho là vợ cũ của Chen, kể về việc họ cũng bị anh ta bạo hành. Video còn có lời kể từ những nhân chứng chứng kiến Chen đánh He.
Chen hiện chưa phản hồi cáo buộc trên. Cảnh sát thành phố Trùng Khánh đang điều tra sự việc và cho hay Chen đã bị giam giữ hành chính 20 ngày. Theo cảnh sát quận Giang Bắc, Chen đã có những "hành vi phạm pháp đe dọa an toàn cá nhân thông qua WeChat".
Hashtag #NoLongerSilentFacedWithDV (Không còn im lặng khi đối mặt với bạo lực gia đình) được He chia sẻ trên trang cá nhân đã nhanh chóng lan tỏa khắp mạng xã hội. Hơn 720.000 người sử dụng hashtag này và chia sẻ những trải nghiệm riêng của mình về bạo lực gia đình.
Một phần lớn bình luận cho hay họ đã trực tiếp trải qua cảnh bạo hành hoặc chứng kiến điều này từ bố mẹ.
"Tôi đang nhớ lại khoảng thời gian đó, khi mẹ tôi bị cha tôi đánh đập. Tôi còn nhỏ nên đã rất sợ hãi, tôi chỉ có thể khóc", một người kể.
|
Hình ảnh Chen bạo hành He qua camera giám sát. Ảnh:He Yuhong/Weibo |
Liên đoàn Phụ nữ Toàn Trung Quốc tuần này cho hay có 30% phụ nữ đã kết hôn ở Trung Quốc chịu đựng các hình thức bạo lực gia đình khác nhau. Con số này tương đương ít nhất 90 triệu phụ nữ.
Một báo cáo của Liên Hợp Quốc cho thấy từ tháng 3/2016 đến tháng 10/2017, ít nhất 635 người lớn và trẻ em đã thiệt mạng do bạo lực gia đình tại Trung Quốc.
"Bạo lực trong các gia đình tại Trung Quốc vốn được xem là vấn đề riêng tư", nhà hoạt động nữ quyền Lu Pin viết vào năm ngoái. "Đó là vấn đề mà người ngoài không có quyền can thiệp".
Trung Quốc phải mất nhiều năm mới hình sự hóa bạo lực gia đình và luật bạo hành gia đình đầu tiên đã đi vào hiệu lực năm 2016. Trước năm 2001, việc bạo hành về thể chất thậm chí không được xem là cơ sở cho việc ly hôn. Trước khi luật trên được đưa ra, phụ nữ nước này rất ngại lên tiếng về việc họ bị bạo hành.
Hiện nay, các vụ bạo lực gia đình vẫn rất khó để chứng minh tại các tòa án Trung Quốc và luật trên không áp dụng đối với các đôi chưa kết hôn và đồng tính.
Trang tin Sixth Tone cho biết tòa án đòi hỏi nạn nhân phải có bằng chứng thuyết phục và hình phạt cho hành vi bạo hành vẫn còn tương đối nhẹ. Vì thế, ngày càng nhiều phụ nữ chủ động quay lại các hình ảnh bạo lực gia đình, sau đó chia sẻ lên mạng với hy vọng sự phẫn nộ của dư luận sẽ khiến giới chức phải vào cuộc.
Theo vnexpress