Ý có nữ cảnh sát điều khiển giao thông trên bục đầu tiên
Cập nhật lúc 23:09, Chủ nhật, 28/03/2021 (GMT+7)
Người dân Ý đã vui mừng chào đón sự trở lại của hình ảnh người cảnh sát giao thông thanh lịch, đeo găng tay trắng truyền thống, đứng trên bục điều khiển ở Piazza Venezia, trung tâm thủ đô Rome, để điều hướng cho các phương tiện giao thông. Và niềm vui ấy nay còn được nhân lên khi người đứng trên bục là Cristina Corbucci, nữ cảnh sát điều khiển giao thông trên bục đầu tiên của Ý, người vừa mới nhận
Cristina Corbucci trở thành nữ cảnh sát điều khiển giao thông trên bục đầu tiên của Ý - Ảnh: AFP
“Thật tuyệt vời và đã đến lúc phải có sự thay đổi như thế. Tôi hy vọng cô ấy sẽ được đãi ngộ xứng đáng”, Giuliana Cazzarolli, một người dân Ý, đã nói khi nhìn thấy cảnh các sĩ quan cảnh sát giao thông đổi ca vào thứ Năm tuần này. Cazzarolli cho rằng sự trở lại của những “vigili” (cảnh sát giao thông) huyền thoại, những người từng là biểu tượng của thủ đô Ý, là dịp để gợi nhớ đến “những thời kỳ tươi đẹp” trong lịch sử của đất nước này.
Bục điều khiển giao thông ở trung tâm thủ đô Rome được dựng lên đầu tiên vào cuối thập niên 1920 để giúp cảnh sát điều khiển giao thông có tầm nhìn tốt hơn khi làm nhiệm vụ này, nhất là vào những lúc giao thông “hỗn loạn”. Vào thời đó, bục điều khiển giao thông này được làm bằng gỗ và các viên chức cảnh sát phải tự di chuyển chúng ra quảng trường trung tâm vào đầu ca trực. Gần đây, chiếc bục này đã được trang bị công tắc để tự động bật nổi lên hoặc nằm chìm xuống mặt đường. Nhưng hơn một năm qua thì nó đã phải tạm “nằm ngủ” do một số dự án giao thông gần đó đang được thi công.
Cảnh sát giao thông Ý thường được mô tả như những “nhạc trưởng” và đã từng trở thành nhân vật trung tâm trong những bộ phim nổi tiếng của nước này như Il Vigile, được phát hành năm 1960 với sự tham gia của diễn viên Alberto Sordi, trong vai một cảnh sát giao thông kém may mắn đã gây ra tình trạng lộn xộn giao thông với các tín hiệu bằng tay gây rối của mình. Bục điều khiển giao thông nói trên còn xuất hiện trong một cảnh của bộ phim To Rome With Love của Woody Allen, được công chiếu năm 2012.
Hiện, mỗi ngày có 6-7 cảnh sát giao thông Ý trực bục điểu khiển giao thông này. “Khi đứng trên bục, bạn thực sự cảm thấy như mình đang ở trung tâm của Rome. Chiếc bục này chính là đèn điều khiển giao thông thông minh nhất”, Corbucci, 43 tuổi, chia sẻ với tờ Il Messaggero.
Để được đứng trên chiếc bục này, các viên chức cảnh sát Ý phải qua một khóa huấn luyện với “sư phụ” Fabio Grillo, người đã có kinh nghiệm điều khiển giao thông trên bục từ năm 2004. “Đây thật sự là một công việc tuyệt vời. Chúng tôi được được đứng giữa một quảng trường hoành tráng, nơi có nhiều người dân Ý và du khách qua lại, được ngắm nhìn mọi thứ”, Grillo nói.
Cazzarolli và chồng, Romalo, đều sinh ra ở Rome và là thế hệ 8X. “Công việc này đem đến cho tôi nhiều niềm vui và gợi lại cho tôi cả một thời kỳ lịch sử, văn hóa gắn liền với thành phố Rome”, Corrbucci tự hào nói.
Theo quan sát của Micaela Battistoni, một người cũng sinh ra ở Rome, cảnh sát giao thông Piazza Venezia luôn tạo ra những hình ảnh mới mẻ. “Bục điều khiển giao thông thật sự đã trở thành một nét văn hóa truyền thống khó có thể thiếu được ở Rome. Văn hóa này nay còn được làm mới và thú vị hơn với sự tham gia của những nữ cảnh giao thông”, Battistoni chia sẻ.
Theo phunuonline